Tìm hiểu nét văn hóa Hồi giáo thông qua sự kiện Ngày Iftar Hạnh phúc

Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi (ISAWAAS) tổ chức sự kiện Ngày Iftar Hạnh phúc để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và các quốc gia Hồi giáo.

Giáo sư Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Giáo sư Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Tối 3/4, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi (ISAWAAS), trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tổ chức sự kiện Ngày Iftar Hạnh phúc.

Sự kiện có sự tham gia của Đại sứ quán các nước Hồi giáo tại Hà Nội.

Iftar là lễ xả chay trong tháng Ramadan – dịp lễ linh thiêng nhất của người Hồi giáo. Tháng Ramadan diễn ra vào tháng Chín Âm lịch của người Hồi giáo nên không có ngày cố định theo Dương lịch, thường sẽ rơi vào tầm tháng Ba đến tháng Sáu hàng năm. Trong tháng này, các tín đồ Hồi giáo sẽ dùng hai bữa chính trong ngày gồm Suhoor (bữa ăn trước bình minh) và Iftar (bữa ăn sau hoàng hôn).

Đây là năm thứ ba liên tiếp ISAWAAS tổ chức thành công sự kiện Iftar, góp phần lan tỏa các giá trị nhân văn tốt đẹp của người Hồi giáo, tăng cường giao lưu văn hóa và nâng cao nhận thức về văn hóa Islam, Iftar, Halal cho mọi người.

maroc.jpg
Các món bánh ngọt truyền thống Morroco mừng lễ Iftar. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Theo Giáo sư Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi, trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế quốc tế sâu rộng, việc mở rộng các mối quan hệ đa dạng hóa, đa phương hóa, nâng cao tình hữu nghị giữa các bên, cần đẩy mạnh giao lưu văn hóa giữa các quốc gia nhằm thấu hiểu, thân thiện và cảm mến để hướng đến những thành quả tốt về hợp tác đa phương.

Văn hóa Islam với những nét đặc trưng, đặc biệt Iftar hay Ramadan không chỉ là nét đẹp của sự gắn kết yêu thương, sự cảm thông, sự chia sẻ, lòng vị tha, không phân biệt giàu nghèo mà còn là thể hiện ý chí kiên cường của người Hồi giáo.

Ông Minh cho rằng để tăng cường quan hệ hợp tác với các quốc gia Hồi giáo, khai mở một thị trường Halal đầy tiềm năng (với quy mô dân số năm 2022 gần 2 tỷ người, chiếm khoảng 30% dân số thế giới), việc tìm hiểu về văn hóa Islam nói chung, hiểu về những phong tục, tập quán Iftar/Ramadan nói riêng là vô cùng quan trọng.

ifta2.jpg
Ông Jamale Chouaibi, Đại sứ Vương quốc Morroco tại Việt Nam phát biểu. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ông Jamale Chouaibi, Đại sứ Vương quốc Morroco tại Việt Nam đánh giá cao sáng kiến tổ chức Iftar Day. Điều này cho thấy Việt Nam tuân thủ các nguyên tắc khoan dung, chung sống hòa bình và tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng tôn giáo. Đó cũng là minh chứng cho quyết tâm của Việt Nam trong việc củng cố và giữ gìn sự gắn kết xã hội.

Theo Đại sứ Jamale Chouaibi, tháng Ramadan không chỉ là thời kỳ ăn chay mang ý nghĩa tâm linh tôn giáo mà còn thể hiện sự thấu hiểu nỗi đau khổ của những người thiếu thốn, bày tỏ sự chia sẻ và quan tâm đến người khác.

“Ramadan dạy chúng ta sự đồng cảm, lòng biết ơn và sự kiên nhẫn,” Đại sứ khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục