Chiều 10/1, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Tri Thức và Trung tâm Văn hóa Pháp tổ chức hội thảo giới thiệu sách “Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII của Nguyễn Thanh Nhã,” do Nhà xuất bản Tri thức ấn hành, dịch giả Nguyễn Nghị.
Cuốn sách ban đầu là một luận án tiến sỹ quốc gia, bảo vệ thành công tại Đại học Sorbonne (Pháp)và nhận được một giải thưởng lớn về nghiên cứu, được xuất bản tại Paris năm 1970.
Dịch giả Nguyễn Nghị cho biết vốn là một nhà kinh tế học, nhà sử học tài ba, Nguyễn Thanh Nhã đã chú trọng trước tiên làm rõ các khía cạnh kinh tế của biến chuyển kéo dài hai thế kỷ này.
Cuốn sách là công trình nghiên cứu nghiêm túc, bao gồm nhiều bức tranh nhỏ về Việt Nam ở một thời “nhộn nhạo” nhất, thời kỳ nội chiến kéo dài, cuối cùng đã dẫn tới giai đoạn thuộc địa trong lịch sử đất nước.
Cuốn sách được phân ra thành hai chủ đề lớn, theo quan niệm Nho giáo về kinh tế là những biến chuyển của các cơ sở nông thôn, sự phát triển của thượng tầng đô thị và thương mại.
Vào thời đó, những biến chuyển và thay đổi căn bản đã có thề được nhận ra qua nhiều dấu hiệu như sự đa dạng hóa nhu cầu tiêu thụ, sự khu biệt hóa của các lĩnh vực sản xuất với sự chuyên biệt hóa ngày càng rõ nét, các tiến bộ của hiện tượng đô thị hóa, sự phát triển của nền kinh tế tiền tệ, sự xuất hiện của thương phiếu, của một tầng lớp thị dân mới phôi thai, sự phát triển của các giao dịch…
Theo học giả Đào Duy Anh, tác giả Nguyễn Thanh Nhã đã vạch ra một cách sắc sảo tình hình dân tộc Việt Nam thế kỷ XVIII đã bỏ lỡ cơ hội vươn mình thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp, mà các dân tộc Tây phương và Nhật Bản đã thực hiện dễ dàng hơn. Sự bất lực ấy của xã hội Việt Nam đã được bộc lộ không những ở cuối thế kỷ XVIII với thất bại của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, mà còn được bộ lộ ở nhiều khía cạnh khác…
Có lẽ phải tìm nguyên nhân sâu xa của sự bất lực mang vẻ định mệnh ấy chủ yếu ở tình hình ruộng đất của xã hội Việt Nam xưa, mà tác giả đã phân tích một cách độc đáo trong cuốn sách.
Học giả Nguyễn Thanh Nhã (1928-2008), lớn lên ở Sài Gòn vào những ngày Cách mạng tháng Tám, sang Pháp du học và suốt đời gắn bó với phong trào Việt kiều ủng hộ hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Báo cáo “Viễn tượng miền Nam Việt Nam” do nhóm nghiên cứu của ông công bố ngày 17/1/1973, mười ngày trước ngày ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam, là một đóng góp đáng kể vào cuộc đấu tranh chính trị vì hòa bình, dân chủ, hòa hợp và hòa giải dân tộc.
Nguyễn Thanh Nhã là giảng sư kinh tế học Trường Đại học Paris I về các vấn đề phát triển. Ngoài những công trình nghiên cứu chuyên môn, Nguyễn Thanh Nhã còn để lại nhiều trước tác về văn học Việt Nam và Pháp./.