Tìm giải pháp ứng phó với hạn hán nặng nề tại Bình Thuận

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng lượng mưa Bình Thuận thấp trong khi lượng bốc hơi gần như gấp đôi lượng mưa vì vậy phải tính toán các giải pháp tổng thể để cân bằng và đảm bảo nguồn nước.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác kiểm tra thực địa tại hồ Đá Bạc, huyện Tuy Phong. (Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)

Sáng 25/5, Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về thực hiện các giải pháp ứng phó với tình trạng hạn hán xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đã chia sẻ khó khăn với tỉnh khi hạn hán năm nay ở mức nặng, vượt mức hạn năm 2016.

Đồng thời, Thứ trưởng đánh giá cao sự chủ động chống hạn của địa phương trong thời gian qua; trong đó, có việc xây dựng sớm các kịch bản ứng phó với tình huống hạn hán nặng, để hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể cho người dân.

[Tập trung ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn tại Trung Bộ và Tây Nguyên]

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng lượng mưa Bình Thuận thấp trong khi lượng bốc hơi gần như gấp đôi lượng mưa. Vì vậy, không thể trông thể trông chờ vào mưa, Bình Thuận phải tính toán các giải pháp tổng thể để cân bằng và đảm bảo nguồn nước.

Ngoài ra, tỉnh cần rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội để có thống kê chính xác nhu cầu sử dụng nước hiện nay của địa phương để từ đó có cơ sở cân bằng, tích trữ cho hợp lý.

Cùng với việc hoàn thiện và phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi hiện có, Thứ trưởng yêu cầu tỉnh Bình Thuận cần đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi đang xây dựng. Đồng thời, hoàn thiện sớm nhất hệ thống kênh kết nối, chuyển nước từ các hồ đến các địa phương trong tỉnh với mục tiêu đến năm 2025 cơ bản giải quyết tình trạng hạn hán ở tỉnh.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác kiểm tra tiến độ thi công hồ Sông Lũy, huyện Bắc Bình. (Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)

Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi hợp lý cơ cấu cây trồng, sử dụng giống cây ngắn ngày, cây chịu hạn... để thích ứng với điều kiện nguồn nước. Về các kiến nghị của tỉnh, Đoàn công tác sẽ báo cáo với cấp trên để xem xét và có chủ trương.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến ngày 25/5, lượng nước còn lại trong các hồ chứa thủy lợi trên toàn tỉnh đạt 12,61 triệu m3, đạt 4,8% dung tích hữu ích thiết kế.

Hiện nay, nắng nóng đang diễn ra gay gắt trong phạm vi toàn tỉnh (cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây) gây nên tình trạng hạn hán, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt trầm trọng, đặc biệt tại các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và thành phố Phan Thiết.

Do ảnh hưởng của hạn hán, vụ Đông Xuân năm 2019-2020, Bình Thuận phải cắt giảm gần 14.000ha diện tích cây trồng. Vụ Hè Thu, tỉnh chỉ gieo trồng được khoảng 12.000ha ở khu vực đồng bằng La Ngà thuộc khu tưới của Đập dâng Tà Pao; còn 30.000ha lúa do thiếu nguồn đang phải chờ mưa, chưa thể sản xuất theo kế hoạch. Hạn hán đã khiến nhiều diện tích cây trồng bị thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, đặc biệt là cây thanh long.

Ngoài ra, vấn đề nước sinh hoạt của người dân cũng gặp khó khăn khi nắng nóng kéo dài, các giếng khoan, giếng đào ở các địa phương trong tỉnh đều trong tình trạng cạn nước. Hiện toàn tỉnh có hơn 114.000 nhân khẩu ở 43 xã, phường, thị trấn khu vực nông thôn bị thiếu nước sinh hoạt cục bộ.

Theo ông Mai Kiều, nhận định tình hình hạn hán sẽ diễn ra khốc liệt nên ngay từ đầu mùa khô, tỉnh đã xây dựng cụ thể kế hoạch cấp, sử dụng các nguồn nước phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất chi tiết đến từng công trình thủy lợi, từng địa phương. Đối với các vùng khan hiếm nguồn nước, tỉnh kiên quyết cắt giảm diện tích sản xuất hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tránh thiệt hại thêm cho người dân.

Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền về diễn biến hạn hán để người dân chủ động tích trữ, sử dụng tiết kiệm nguồn nước, hiện tại, tỉnh đang triển khai cấp bách các giải pháp để dẫn nước, trữ nước, cấp nước, nhất là kéo các đường ống nước từ các hồ chứa bổ sung nước cho các nhà máy nước và đến các khu dân cư thiếu nước sinh hoạt. Trước mắt, để giải quyết vấn đề thiếu nước, các địa phương đã tổ chức chở nước về cấp cho người dân ở những vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Lê Tuấn Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, cho biết trong những năm qua, nhiệm vụ đầu tư phát triển thủy lợi, chống hạn luôn được ưu tiên lên hàng đầu.

Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt và các ngành kinh tế khác, trong giai đoạn 2021-2025 đồng thời thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu có phần cực đoan, Bình Thuận đang có nhu cầu rất lớn, cần sớm đầu tư một số công trình thủy lợi quan trọng.

Vì vậy, tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét thống nhất chủ trương đầu tư và hỗ trợ địa phương kinh phí đầu tư xây dựng một số công trình quan trọng trong Quy hoạch Phát triển thủy lợi của tỉnh cần thiết đầu tư trong thời gian tới, như Hồ chứa La Ngà 3 (dung tích khoảng 476 triệu m 3); hoàn thiện hệ thống kênh tưới hồ Sông Lũy; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam...

Trước đó vào chiều ngày 24/5, Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực địa tại một số công trình thủy lợi và kiểm tra tình hình hạn hán tại một số địa phương trong tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục