Tìm giải pháp quản lý chuỗi cung ứng thời kỳ hậu COVID-19

Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành cho biết không có quốc gia nào trong khu vực Đông Nam Á có được vị thế kinh tế nhiều thuận lợi, có khả năng "đón lõng" các chuỗi cung ứng tốt như Việt Nam.
Tìm giải pháp quản lý chuỗi cung ứng thời kỳ hậu COVID-19 ảnh 1(Ảnh minh họa. THX/TTXVN)

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã gây ra một "cú sốc" lớn chưa từng có, tác động trực tiếp vào sức khỏe và nền kinh tế thế giới, "bẻ gãy" hàng loạt các mạng lưới kinh doanh và làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu.

Là một quốc gia đi đầu trong việc kiểm soát thành công dịch bệnh, nhưng Việt Nam cũng không tránh khỏi các tác động tiêu cực của COVID-19. Các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng quốc tế, đang tìm kiếm các giải pháp để có thể thích ứng với sự thay đổi "chóng vánh" của thế giới.

Vậy điều gì sẽ diễn ra tiếp theo trong thời kỳ hậu COVID-19? Làm cách nào nắm bắt các cơ hội của một thế giới mới đang dần định hình lại sau đại dịch và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng tốt nhất những cơ hội đó?

Để giải đáp những câu hỏi này, ngày 10/7, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo của Việt Nam tại ba đầu cầu Australia, Nhật Bản và Đức đã đồng tổ chức buổi hội thảo trực tuyến với chủ đề Quản lý chuỗi cung ứng thời kỳ hậu COVID-19.

Tham gia hội thảo trong vai trò là một trong bốn diễn giả chính, Tiến sỹ Jason Nguyễn, Giảng viên trường Đại học VinUniversity, cho biết những năm gần đây, Việt Nam đã rất tích cực gia nhập vào một loạt các hiệp định thương mại đa biên. Điều này giúp Việt Nam trở thành một trong những "điểm đến" được nhiều nhà đầu tư nước ngoài ưa thích, mang tới các cơ hội phát triển mới cho sản xuất, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt là các ngành công nghiệp phụ trợ, mở rộng khả năng tiêu thụ hàng hóa tới các thị trường đối tác rộng lớn hơn. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm thách thức.

Theo Tiến sỹ Jason, bên cạnh các ưu đãi hấp dẫn mà những hiệp định thương mại thế hệ mới mang lại, cũng có rất nhiều những điều kiện khắt khe đi kèm. Để có thể tận dụng được tối đa ưu thế từ các hiệp định, không chỉ trong giai đoạn hậu COVID-19 mà còn hướng tới một tương lai xa hơn nữa cho Việt Nam, các doanh nghiệp buộc phải giải được các "bài toán" vướng mắc, trong đó phần lớn nằm ở chính chuỗi cung ứng hàng hóa.

Trong phần trình bày của mình, Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong-Trung Quốc, chia sẻ đại dịch COVID-19 đã làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc của thế giới vào nguồn cung ứng hàng hóa từ Trung Quốc.

Dù chỉ có 14 trên tổng số 33 tỉnh và đặc khu tự trị của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nhưng dịch đã tác động trực tiếp gây gián đoạn phần lớn chuỗi cung ứng của thế giới, do chiếm tới 80% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc ra thế giới.

[Cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam thời kỳ hậu COVID-19]

Phân tích những lợi thế của Trung Quốc trong việc chiếm lĩnh chuỗi cung ứng toàn cầu, Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành chỉ ra xu thế phát triển mới của thế giới trong tương lai mà Việt Nam nên nắm bắt.

Tiến sỹ cho biết Trung Quốc không chỉ là "công xưởng" của thế giới mà nơi đây còn là "cửa ngõ" của các giao thương kỹ thuật số, giúp các doanh nghiệp từ khắp các quốc gia có thể vận hành thông qua một nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tốt nhất thế giới.

Đại dịch COVID-19 càng minh chứng rõ hơn nữa lợi thế này của Trung Quốc, khi toàn bộ giao thông đi lại của con người gần như bị ngừng trệ, sản xuất và giao thương hàng hóa bắt buộc dựa chính vào các mạng lưới kỹ thuật số. Đây chính là lợi thế và xu hướng phát triển của các chuỗi cung ứng trong tương lai.

Việt Nam có chính sách ngoại thương năng động và tham vọng. Việt Nam đã trở thành thành viên của 16 hiệp định thương mại đa biên, bao gồm cả các hiệp định do Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ký kết với các quốc gia khác. Không có quốc gia nào trong khu vực Đông Nam Á có được vị thế kinh tế nhiều thuận lợi, có khả năng "đón lõng" các chuỗi cung ứng tốt như Việt Nam.

Vấn đề tiếp theo đối với Việt Nam chỉ là làm thế nào để tận dụng tốt nhất những cơ hội đó. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của các chính phủ, các cơ quan nhà nước, trở thành những đầu mối gắn kết, giúp doanh nghiệp định hướng được xu thế mới, tránh xảy ra tình trạng "lỡ chuyến tàu" nếu Việt Nam tiếp tục tư duy theo một lối mòn chuỗi cung ứng cũ - tập trung chủ yếu vào lợi thế thâm dụng lao động.

Đồng quan điểm với Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, ông Nguyễn Quang Khang, CEO Công ty CP Takahana Việt Nhật và bà Phạm Thị Nguyệt, Trưởng Đại diện của Vietnam Airlines tại Đức, nhấn mạnh nắm bắt xu thế là điều tiên quyết mà doanh nghiệp nên chú trọng. Cả hai chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp mình trong cuộc chiến chống lại tác động từ đại dịch.

Bà Phạm Thị Nguyệt cho rằng trong giai đoạn hiện nay quan trọng nhất là doanh nghiệp cần phải thích ứng với những khó khăn, chủ động tìm hiểu tình hình và đưa ra những giải pháp đột phá. Với các "case study" cụ thể của Vietnam Airlines và Takahana, thính giả của buổi hội thảo đã có thể nhìn thấy một bức tranh tổng thể về các khó khăn của doanh nghiệp trong thời COVID-19, các giải pháp và chiến lược quản trị rủi ro trong tương lai.

Bốn bài thuyết trình của hội thảo đã nhận được sự quan tâm của rất đông thính giả trong và ngoài nước. Nhiều câu hỏi được thính giả nêu ra cho các diễn giả để bàn luận, giải đáp, với sự tham gia của các đại diện đến từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt Nam, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt, đại diện của ba Mạng lưới sáng tạo Việt Nam tại Australia, Nhật Bản và Đức.

Mạng lưới sáng tạo Việt Nam, do Bộ Kế hoạch Đầu tư khởi xướng và điều hành, là "đầu mối" quy tụ một hệ thống các chuyên gia, doanh nghiệp và giới khởi nghiệp Việt Nam tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhằm góp phần kết nối chia sẻ và hợp tác trên nền tảng kinh nghiệm, kỹ năng về khoa học công nghệ trong thời đại của nền cách mạng công nghiệp lần thứ 4, từ đó cùng nhau giải quyết các vấn đề cốt lõi của Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục