Tìm giải pháp hữu hiệu cho Venezuela sau những ngày tháng biến động?

Mọi vấn đề đều có thể được giải quyết thông qua đối thoại giữa chính những người Venezuela với nhau và cộng đồng quốc tế cần khuyến khích đối thoại, thay vì kích động bên này chống lại bên kia.
Tìm giải pháp hữu hiệu cho Venezuela sau những ngày tháng biến động? ảnh 1Tổng thống Nicolas Maduro (giữa) trong chuyến thị sát cuộc diễn tập của Lực lượng vũ trang quốc gia Bolivar (FANB) tại thành phố El Pao, Venezuela. (Nguồn: AFP/TTXVN)

AP đưa tin sau những ngày đầy biến động, Venezuela đang chìm trong bế tắc chính trị. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido không thể đưa ra được “đòn quyết định” để hạ gục đối phương trong bối cảnh đất nước đầy rẫy khó khăn, căng thẳng.

Những thay đổi đột ngột hay những vở kịch quyền lực ở hậu trường hoàn toàn có thể xảy ra, tuy nhiên, có cảm giác hai bên đang ở thế cố thủ - họ quá mạnh để có thể bị đánh bật, nhưng cũng quá yếu để có thể giành lấy một chiến thắng dứt khoát.

Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Phe đối lập và thế lực bảo trợ chính của họ là Mỹ giờ đây dường như có ít sự lựa chọn hơn sau khi Guaido - Chủ tịch Quốc hội Venezuela, tổ chức do phe đối lập kiểm soát - ngày 30/4 kêu gọi các lực lượng vũ trang lật đổ Maduro, tuy nhiên, lời kêu gọi đó đã thất bại.

[Ngoại trưởng Nga: Có nhiều sáng kiến giải quyết tình hình ở Venezuela]

Thay vào đó, chỉ huy quân đội Venezuela cam kết trung thành với ông Maduro, và 4 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát sau khi phe đối lập vùng lên đấu tranh giành quyền kiểm soát.

Đường phố ở Caracas đã tĩnh lặng hơn vào ngày 2-3/5. Mặc dù vậy, ông Guaido ngày 4/5 vẫn tiếp tục kêu gọi người biểu tình tập hợp bên ngoài các căn cứ quân sự để cố gắng thuyết phục binh lính ủng hộ phe đối lập.

Một chuyên gia Venezuela cho biết phe đối lập và Mỹ hiện phải trải qua nhiệm vụ khó khăn, đó là nghĩ ra một hướng đi mới sau khi chứng kiến một lực lượng an ninh nhỏ đã cùng Guaido tập hợp bên ngoài căn cứ quân sự, nhưng lại không có dấu hiệu nào cho thấy lực lượng quân đội muốn thực hiện lời kêu gọi nổi dậy.

Fernando Cutz, người cho đến tháng 4/2018 đã chỉ đạo chính sách của Mỹ về Venezuela tại Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và đương kim Tổng thống Donald Trump, nói: "Bạn chỉ được thực hiện nước cờ này một lần duy nhất."

Trong lúc đó, chính phủ của Maduro đang phải chịu sức ép lớn, đồng thời phải cố gắng chèo lái một quốc gia đang chịu nhiều khủng hoảng.

Việc chính phủ vẫn chưa ra lệnh bắt giữ Guaido sau khi cáo buộc ông cố gắng thực hiện một cuộc đảo chính cho thấy họ không đủ tự tin để làm điều đó và vô cùng thận trọng với bất kỳ sự gia tăng áp lực về kinh tế và ngoại giao nào từ phía Mỹ cũng như hàng chục quốc gia khác ủng hộ Guaido là tổng thống hợp pháp của Venezuela.

Eileen Gavin, nhà phân tích cấp cao về Mỹ Latinh tại trung tâm tư vấn rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft, cho rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm bắt giam Guaido đều sẽ “mang tính kích động cao."

Chính phủ đã bắt đầu nhắm vào người dân kể từ khi cuộc nổi dậy thất bại.

Ngày 2/5, tòa án tối cao của Venezuela đã ra lệnh bắt giữ cố vấn chính trị của Guaido là Leopoldo Lopez, người đã ẩn náu tại Đại sứ quán Tây Ban Nha sau khi thách thức lệnh bắt quản thúc tại gia và cùng với Guaido tham gia nỗ lực lật đổ ông Maduro.

Tòa án cũng mở một cuộc điều tra về tội phản quốc đối với Phó Chủ tịch Quốc hội Edgar Zambrano, người đã cùng Guaido xuất hiện bên ngoài căn cứ quân sự ở Caracas để kêu gọi biểu tình.

Một số nhà phân tích cho rằng việc Mỹ viện cớ 3 quan chức hàng đầu của Venezuela tham gia âm mưu chống ông Maduro sẽ chẳng thể chia rẽ chính phủ của Maduro, mà còn “buộc” những quan chức đó lại gần ông ta hơn.

Một trong những quan chức chính phủ là Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino Lopez đã cam kết trung thành với Maduro, đồng thời cho biết đã có những nỗ lực nhằm lôi kéo quân đội ủng hộ phe đối lập.

Ông nói: “Họ cố gắng mua chuộc chúng tôi như thể chúng tôi là những tên lính đánh thuế.”

Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu khí của Venezuela cũng như các nhân vật chủ chốt trong chính phủ của Maduro, vốn đang chứng kiến các vấn đề kinh tế và nhân đạo nghiêm trọng buộc khoảng 10% dân số Venezuela phải rời khỏi đất nước trong những năm gần đây, tạo ra cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất ở Mỹ Latinh.

Fernando Cutz cho rằng dù có khả năng Mỹ sẽ tăng cường những lời lẽ chống lại chính phủ Maduro, song họ đã triển khai vũ khí then chốt của mình - trừng phạt ngành dầu khí.

Do đó, các lựa chọn cuối cùng của Mỹ sẽ chỉ là những lời đe dọa từ lâu về việc can thiệp quân sự - điều khó có thể xảy ra - hoặc chuyển sang một ưu tiên chính sách đối ngoại khác.

Ông nói: “Có vẻ đây giống như một cơn giận dữ hơn là một suy nghĩ chiến lược,” ám chỉ đến những lời lẽ hiếu chiến của Nhà Trắng.

Ông Trump đã nói rõ rằng Mỹ hiện không tập trung vào lựa chọn quân sự. Ông nói: “… Chúng ta có rất nhiều lựa chọn mở. Tuy nhiên, khi chúng ta nhìn vào những gì đang diễn ra ở đó, có thể thấy đây là một mớ hỗn độn kinh khủng.”

Ông Trump nói rằng Maduro “rất mạnh mẽ, nhưng tôi nghĩ rằng ông ta đang mất nhiều quyền kiểm soát”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục