Giải pháp nào giúp doanh nghiệp tăng khả năng hấp thụ vốn?

Tìm giải pháp giúp doanh nghiệp tăng khả năng hấp thụ vốn

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng khi kinh tế khó khăn, nguồn lực cạn kiệt dẫn tới việc các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn và ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn.
Tìm giải pháp giúp doanh nghiệp tăng khả năng hấp thụ vốn ảnh 1Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Câu chuyện làm thế nào để tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi vẫn luôn là vấn đề nan giải của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam xung quanh những vấn đề trên.

Giảm lãi suất mới chỉ là một phần

- Thưa ông, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn “than” khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là vốn ưu đãi, vậy những nhó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp này là gì?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Việc giảm lãi suất hỗ trợ không phải là vấn đề cốt lõi giúp cho các doanh nghiệp phục hồi. Bởi dù giảm lãi suất nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện vay ngân hàng như tài sản đảm bảo không đủ, kinh doanh thua lỗ, cơ cấu nợ, điều chỉnh trả nợ để được vay tiếp hoặc không quản lý được dòng tiền. Do đó, ngân hàng không có đủ cơ sở đảm bảo để cho vay tiếp.

Trên thực tế, kinh tế khó khăn, nguồn lực của doanh nghiệp bị cạn kiệt dẫn tới việc các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng và ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định, điều kiện cho vay mà vẫn phải theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quản trị rủi ro, an toàn hệ thống.

Đặc biệt, trong bối cảnh thực hiện quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại hoạt động ngân hàng, các tổ chức tín dụng đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch, do đó không thể thực hiện các giải pháp về hạ chuẩn điều kiện cấp tín dụng.

[Nâng tầm trình độ quản lý doanh nghiệp để tăng khả năng hấp thụ vốn]

Hiện đa số các doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các đơn vị mới thành lập, dù đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn.

Nhiều doanh nghiệp có tài sản thế chấp gặp vướng mắc pháp lý, chưa có giấy chứng nhận, quy hoạch treo, tranh chấp… dẫn đến không đáp ứng được điều kiện vay vốn.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng được ưu tiên áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn, nhưng để được tiếp cận chính sách ưu tiên theo quy định, họ phải đáp ứng được điều kiện về tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay không đáp ứng được các điều kiện trên. Phần lớn trong số các doanh nghiệp này có quy mô nhỏ, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác, chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định nên ngân hàng khó xem xét cấp tín dụng...

Nợ xấu tăng cao

- Vậy các tổ chức tín dụng có những khó khăn gì không thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại, các doanh nghiệp thu hẹp quy mô, số lượng đơn hàng thấp trong khi chi phí vốn tăng cao, sức hấp thụ vốn của các doanh nghiệp giảm sút, đã tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng. Nhiều ngân hàng tiết giảm tối đa chi phí, cắt giảm lương, lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp.

Tìm giải pháp giúp doanh nghiệp tăng khả năng hấp thụ vốn ảnh 2Theo ông Hùng, việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ gặp nhiều vướng mắc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mặc dù các tổ chức tín dụng đã liên tiếp giảm lãi suất cho vay, song tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các tổ chức tín dụng rất thấp, cùng với khó khăn từ thị trường vốn và thị trường bất động sản dẫn đến chất lượng tài sản ngân hàng suy giảm, nợ xấu tăng. Thực tế, từ cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 1,92%, song đến cuối quý 2/2023, nợ xấu của các tổ chức tín dụng gia tăng mạnh so với trước, nợ xấu tiềm ẩn đến nay 5,34%, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trên 3%, một số ngân hàng, công ty tài chính nợ xấu tăng đột biến trên 5%.

Việc triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN gặp nhiều vướng mắc do nhiều khách hàng không có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại; không đáp ứng được điều kiện doanh thu, thu nhập sụt giảm theo quy định tại Thông tư 02; số dư nợ đề nghị cơ cấu đã quá hạn trên 10 ngày.

Các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu nợ cho khách hàng theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN thì trong 12 tháng giãn nợ, tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng, thoái thu lãi, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Ngoài ra, việc nới lỏng điều kiện tín dụng, trong bối cảnh các doanh nghiệp hết sức khó khăn, không có khả năng trả nợ, gây rủi ro tiềm ẩn rất lớn cho các tổ chức tín dụng, nợ xấu sẽ tăng cao.

Trong khi đó, việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ gặp nhiều vướng mắc, nhiều khách hàng bất hợp tác, cá biệt có hiện tượng lập nhóm bùng nợ tràn lan trên mạng xã hội kêu gọi không trả nợ, nhất là nhóm khách hàng vay tiêu dùng; việc xử lý nợ thông qua thủ tục tố tụng mất rất nhiều thời gian và chi phí và không có hiệu quả.

Việc giải ngân cho vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản của các ngân hàng vẫn thấp. Nguyên nhân là Bộ Xây dựng giao cho Ủy ban Nhân dân các tỉnh phê duyệt các danh mục dự án đủ điều kiện để cho vay. Hiện nay có khoảng 15 dự án đã được địa phương phê duyệt danh sách và gửi cho Ngân hàng Nhà nước tuy nhiên qua rà soát những dự án này đều chưa đạt được cơ sở về pháp lý để có thể giải ngân cho vay.

Giải pháp nào để thúc đẩy tín dụng?

- Với vai trò là cầu nối của các tổ chức tín dụng, Hiệp hội Ngân hàng có kiến nghị gì để những khó khăn của cả doanh nghiệp và ngân hàng đều được tháo gỡ nhằm thúc đẩy tín dụng vào phục vụ sản xuất kinh doanh?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Để có thể giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn hết sức khó khăn này, cần có sự đồng bộ trong các giải pháp. Hiệp hội Ngân hàng có một số kiến nghị đối với Ngân hàng Nhà nước và đề xuất Ngân hàng Nhà nước kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền như sau:

Các cơ quan có thẩm quyền cần đánh giá đúng thực trạng khó khăn của nền kinh tế, trên cơ sở đó trình Quốc hội ban hành Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân (như thời điểm dịch COVID-19) đối với những chính sách vượt thẩm quyền của Chính phủ.

Tìm giải pháp giúp doanh nghiệp tăng khả năng hấp thụ vốn ảnh 3Doanh nghiệp cần lựa chọn các phương án kinh doanh hiệu quả, (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện niềm tin của những người đầu tư vào trái phiếu thấp, vì vậy cần có cơ chế chính sách đẩy mạnh tăng cường thị trường vốn, tạo niềm tin cho thị trường phát triển, giảm áp lực vào nguồn vốn ngân hàng. Nguồn vốn ngân hàng là nguồn vốn bổ sung lưu động, còn nguồn vốn đầu tư trung và dài hạn phải từ thị trường vốn nên cần đẩy mạnh và mở rộng thị trường vốn.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ về thủ tục pháp lý đối với những dự án dở dang, nhà ở xã hội; triển khai Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao vai trò Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương, rà soát đánh giá hiệu quả Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trên cơ sở đó bổ sung vốn cho quỹ này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn tại tổ chức tín dụng được vay vốn khởi nghiệp hoặc khôi phục sản xuất kinh doanh.

Đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản, chúng tôi kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phải đảm bảo đúng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Xây dựng sớm thông báo danh mục những dự án đủ điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng xem xét cho vay theo đúng quy định.

Chúng tôi cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên kéo dài thời gian áp dụng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 34% tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN đến 30/9/2025 thay vì đến hạn 30/9/2023; Có hướng dẫn thực hiện Nghị định 08/2022/NĐ-CP về điều khoản kéo dài thời hạn trái phiếu áp dụng trong trường hợp tổ chức tín dụng là trái chủ và phân loại nợ đối với trái phiếu được kéo dài thời hạn trả nợ; xem xét sửa đổi Thông tư 02/2023/TT-NHNN đối với nội dung quy định tại Khoản 7 Điều 4 theo hướng kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ lên đến 24 tháng đối với khoản nợ vay trung dài hạn.

Còn đối với doanh nghiệp, cần lựa chọn các phương án kinh doanh hiệu quả, tập trung vào những lĩnh vực khai thác được lợi thế so sánh của doanh nghiệp đồng thời thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung đầu tư để nâng cấp công nghệ lõi, đầu tư và ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến; chú trọng tăng cường năng lực quản trị công nghệ, tạo dựng nền tảng phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, hiệu quả.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, mở rộng các kênh phân phối, bán hàng, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh; tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất lao động.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục