Tìm giải pháp giảm thiệt hại do dịch bệnh trên thủy sản

Ngành nông nghiệp và các địa phương cần chủ động lên phương án phòng, chống hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế; đảm bảo chất lượng, nguồn cung thủy sản cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Tôm chết do bệnh đốm trắng. (Ảnh Vũ Quang/TTXVN)
Tôm chết do bệnh đốm trắng. (Ảnh Vũ Quang/TTXVN)

Diễn biến môi trường, thời tiết bất lợi cộng với dịch bệnh khiến ngành nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại lớn.

Do đó, ngành nông nghiệp và các địa phương cần chủ động lên phương án phòng, chống hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế; đảm bảo chất lượng, nguồn cung thủy sản cho tiêu dùng và xuất khẩu. Đây là nội dung được các đại biểu thảo luận tại Hội nghị phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2024 và kế hoạch năm 2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 3/10.

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y, thông tin theo báo cáo từ các địa phương, 9 tháng đầu năm 2024, công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản đạt được những kết quả quan trọng; diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh là 4.257ha (giảm 28,94% so với cùng kỳ năm 2023).

Cụ thể, diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh 3.593ha (giảm 34,97% so với cùng kỳ); diện tích cá tra bị nhiễm dịch bệnh là 260ha (giảm 30,23% so với cùng kỳ).

Diện tích nuôi một số loài thủy sản khác bị dịch bệnh là 403ha và 907 bè, bể, vèo nuôi thủy sản, chủ yếu do mắc một số bệnh thông thường.

Bên cạnh đó, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (mưa bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn...), ô nhiễm môi trường, không xác định được nguyên nhân là 17.316ha và 3.936 ao, lồng, bè, vèo; chiếm trên 80% trong tổng thiệt hại của nuôi trồng thủy sản.

Theo ông Phan Quang Minh, dịch bệnh trên tôm có chiều hướng giảm nhưng diện tích thiệt hại do biến đổi thời tiết khí hậu có chiều hướng tăng mạnh 20% so với năm 2023.

Một số loại mầm bệnh nguy hiểm như AHPND, WSD, IHHND, EHP trên tôm vẫn lưu hành ở nhiều vùng nuôi, kết hợp các yếu tố nhiệt độ, độ mặn tăng cao, biến đổi môi trường nhanh, mạnh, cực đoan... tác động đến sức khỏe tôm, làm cho tôm chậm lớn, kém phát triển, sức đề kháng yếu.

Tôm nuôi chủ yếu bị mắc các bệnh: đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính, đỏ than, phân trắng, còi và vi bào tử trùng...

Bệnh xảy ra tập trung chủ yếu ở một số tỉnh trọng điểm nuôi tôm như Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang.

Trong khi đó, cá tra chủ yếu bị bệnh gan thận mủ và xuất huyết. Bệnh xảy ra chủ yếu trên địa bàn các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long.

ttxvn_ca tra.jpg
Thu hoạch cá tra thương phẩm ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: TTXVN)

So với năm 2023, dịch bệnh xảy ra trên cá tra giảm cả về phạm vi và diện tích có cá tra bị bệnh; chủ yếu là diện tích cá bị mắc bệnh xuất huyết. Tuy nhiên, cá tra được nuôi theo hình thức ao nuôi hở (nước vào ra và thay nước liên tục mà không qua xử lý), bè nuôi sử dụng nguồn nước sông tự nhiên, do vậy việc kiểm soát mầm bệnh có trong môi trường nước là rất khó khăn.

Bên cạnh đó, mật độ thả nuôi thường rất cao, do vậy thường trực nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Cục Thú y nhận định dịch bệnh trên tôm tiếp tục lưu hành trên diện rộng, tồn tại trong hệ sinh vật tự nhiên và trong vùng nuôi. Vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh cần được đẩy mạnh, đặc biệt là triển khai các chương trình giám sát chủ động dịch bệnh để phát hiện sớm, xử lý triệt để ngay từ con giống và khâu chuẩn bị ao nuôi, tránh bệnh lây lan trên diện rộng.

Các cơ sở nuôi cần có giải pháp đồng bộ để khắc phục, cải thiện điều kiện hạ tầng vùng nuôi, quản lý mùa vụ nuôi, có ao lắng để trữ nước sử dụng khi cần thiết, chỉ thả giống khi bảo đảm điều kiện nuôi, nghiên cứu điều chỉnh quy trình nuôi phù hợp, xử lý nước thải, chất thải theo quy định.

Cục Thú y cũng khuyến cáo người dân nuôi tôm với mật độ thấp, cách vụ để giảm tải cho môi trường nuôi và áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng, chống dịch bệnh.

Về lâu dài, các cơ sở ương dưỡng, sản xuất giống cần tổ chức xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; khuyến khích các cơ sở nuôi thương phẩm xây dựng chuỗi sản xuất, bảo đảm an toàn dịch bệnh để đẩy mạnh xuất khẩu.

Đối với cá tra, người nuôi cần tuyệt đối tuân thủ quy trình nuôi, mật độ thả nuôi, quy trình xử lý nước thải, chất thải và tăng cường chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho cá. Khuyến khích sử dụng vaccine phòng bệnh cho cá nhằm hạn chế lạm dụng kháng sinh.

Về kết quả sản xuất, nuôi trồng 9 tháng đầu năm, ông Ngô Thế Anh, Trưởng phòng nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản, cho biết sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt gần 4 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ 2023, trong đó sản lượng cá tra đạt 1,3 triệu tấn, tăng 3%; tôm nước lợ đạt gần 860.000 tấn, nuôi biển đạt 600.000 tấn.

Tuy nhiên, trong tháng 9, cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão ở các tỉnh phía Bắc đã ảnh hưởng trực tiếp khoảng 33.000ha, 15.000 ô lồng với sản lượng thuỷ sản các loại bị thất thoát lên đến 50.000 tấn, thiệt hại kinh tế khoảng 6.100 tỷ đồng.

ttxvn_thuy san sau bao.jpg
Người dân gia cố bè cũ để tiếp tục hoạt động nuôi trồng thủy sản trên sông Chanh, thị xã Quảng Yên sau bão số 3. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Ngay sau bão, ngành thủy sản đã tập trung khôi phục sản xuất, xác định nhu cầu của từng địa phương để cải tạo, chuẩn bị hạ tầng, đảm bảo môi trường tái sản xuất.

Quản lý tốt chất lượng giống, vật tư thủy sản; tăng cường thả nuôi diện tích chưa thả theo kế hoạch đặc biệt nuôi thâm canh, công nghệ cao, quản lý tốt các yếu tố môi trường dịch bệnh; triển khai tốt an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.

“Trong giai đoạn 2025-2030, ngành thủy sản sẽ tập trung phát triển hệ thống sản xuất chất lượng cao, phát triển công nghệ, nâng cấp hạ tầng nuôi trồng thủy sản. Song song đó, phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng vật tư và công nghiệp hỗ trợ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tổ chức sản xuất. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và công tác truyền thông cho sản phẩm thủy sản Việt Nam,” ông Ngô Thế Anh cho biết thêm.

Nhận định những kết quả đạt được, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng công tác phòng chống dịch bệnh đã đạt những kết quả nhất định, diện tích thủy sản nuôi trồng bị nhiễm bệnh đã giảm tương đối so với năm 2023.

Tuy nhiên, các địa phương không được chủ quan bởi dịch bệnh trên thủy sản khi đã xuất hiện thì lây lan nhanh và gây thiệt hại rất lớn. Năng suất nuôi trồng thủy sản của Việt Nam mới chỉ ở mức trung bình so với thế giới, đặc biệt là tôm nuôi.

Thêm vào đó, đã có một số thị trường nhập khẩu cảnh báo vấn đề kiểm soát dịch bệnh trên thủy sản nuôi. Nếu không tập trung phòng, chống dịch bệnh thì không chỉ khiến sản lượng sụt giảm mà chất lượng thủy sản cũng sẽ giảm theo, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.

Trước tình hình thời tiết nhiều biến động, để phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức tiến yêu cầu các cơ sở nuôi trồng phải ưu tiên xây dựng vùng nuôi an toàn sinh học, tuân thủ tuyệt đối quy trình vệ sinh khử khuẩn, xử lý nguồn nước trước và sau khi nuôi.

Về con giống, cần chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và đảm bảo sức đề kháng cao... Các địa phương cần hỗ trợ người nuôi về quy trình kỹ thuật, thời điểm thả giống, cảnh báo các yếu tố môi trường có thể tác động đến sức khỏe thủy sản.

Mặt khác, các tỉnh giáp biên giới cần kiểm soát tốt hoạt động nhập lậu thủy sản, đặc biệt là tôm giống để ngăn chặn mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập, lây lan thành dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục