Tìm giải pháp đưa thiết bị y tế về Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long

Vĩnh Long được phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư trang thiết bị Bệnh viện Đa khoa tỉnh sử dụng vốn vay ODA của Áo, nhưng hiện tại 9 danh mục thiết bị chưa thực hiện được thủ tục thông quan.
Tìm giải pháp đưa thiết bị y tế về Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long ảnh 1Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)

Trong khi nhiều bệnh nhân được đưa đến cấp cứu phải chuyển viện vì bệnh viện đang thiếu máy chụp cộng hưởng từ MRI, thiếu máy thở... thì trang thiết bị y tế được nhập về lại đang "tồn kho" tại cảng vì vướng mắc thủ tục.

Đây là nghịch lý xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long.

Niềm vui chưa tới

Dù đã được công nhận bệnh viện đạt tiêu chí bệnh viện hạng 1, nhưng Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long mới chỉ có 20 máy thở trong khi có 30 giường bệnh, trong đó có một số máy thở đã hư hỏng chưa khắc phục được.

Vì vậy, để duy trì việc cấp cứu cho bệnh nhân, khoa này phải mượn máy thở ở một số khoa khác.

Trước đó, năm 2017, với mục tiêu nâng cao năng lực phòng bệnh, khám chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long nhằm đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tỉnh và các vùng lân cận, tỉnh Vĩnh Long được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư trang thiết bị Bệnh viện Đa khoa tỉnh sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Áo.

[Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long đạt tiêu chí bệnh viện hạng I]

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 13,2 triệu euro (tương đương hơn 310,7 tỷ đồng), trong đó Ngân sách Trung ương cấp phát cho dự án 70% vốn ODA và Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long vay lại 30% vốn ODA, thời gian thực hiện dự án năm 2019-2022.

Đến nay, dự án thực hiện khoảng 70% khối lượng, giải ngân 155/310 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch, trong đó 17/57 danh mục thiết bị được vận chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long và 11 danh mục thiết bị được tổ chức nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng.

Hiện 6 danh mục thiết bị nhập hàng về đến bệnh viện, đang thực hiện các thủ tục nghiệm thu theo quy định.

Nếu theo đúng kế hoạch của dự án, đầu năm 2022, bệnh viện sẽ có đầy đủ thiết bị gồm máy thở, MRI, chụp X-quang, gây mê… phục vụ bệnh nhân.

Nhưng sau khi 7 container thiết bị cập cảng Cát Lái thì số thiết bị này không được thông quan do Bộ Y tế chưa cấp giấy chứng nhận lưu hành.

Trong khi đó, bác sỹ tại bệnh viện cho biết nhiều bệnh nhân được đưa đến đây cấp cứu phải chuyển viện vì bệnh viện đang thiếu máy chụp cộng hưởng từ MRI.

Khó khăn của tỉnh hiện nay là dự án còn 9 danh mục thiết bị chưa thực hiện được thủ tục thông quan vì phải chờ Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận lưu hành.

Bên cạnh đó, theo Hiệp định tín dụng thời hạn giải ngân đối với dự án đã hết vào ngày 31/12/2022, chủ đầu tư hiện mới giải ngân hơn 48,2% giá trị hợp đồng; đồng thời, kế hoạch vốn ODA năm 2023 do ngân sách Trung ương cấp phát không có bố trí vốn cho dự án.

Do đó, thiết bị khi được cấp giấy chứng nhận lưu hành, thông quan, vận chuyển về lắp đặt cho bệnh viện sẽ không có vốn thanh toán cho nhà thầu.

Tìm cách tháo gỡ

Chiều 24/5, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời có buổi làm việc với Đoàn công tác của Đại sứ quán Áo tại Hà Nội do ông Dietmar Schwank, Tham tán Thương mại Áo tại Việt Nam làm Trưởng đoàn về tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án cung cấp trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long.

Tìm giải pháp đưa thiết bị y tế về Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long ảnh 2Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành Trung ương, tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án.

Khi được các cơ quan thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh thời gian thực hiện dự án; bố trí lại kế hoạch vốn; gia hạn thời gian giải ngân trong Hiệp định tín dụng đến ngày 31/12/2023 và được Bộ Y tế cấp phép lưu hành 9 danh mục thiết bị còn lại, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ chỉ đạo Bệnh viên Đa khoa tỉnh khẩn trương thực hiện các công việc tiếp theo của hợp đồng theo quy định, sớm đưa dự án vào khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả đầu tư.

Đoàn công tác của Đại sứ Áo cho rằng cần điều chỉnh lại chủ trương đầu tư của dự án vì quãng thời gian thực hiện dự án theo quy định của Chính phủ là trong giai đoạn 2019-2022; cần chuyển đổi thời gian thực hiện dự án cho đến cuối năm 2023, đảm bảo quãng thời gian liên quan để giải quyết thủ tục hải quan.

Ông Dietmar Schwank, Tham tán thương mại Áo tại Việt Nam, cho biết Áo và Việt Nam đã có hợp tác lâu dài trong lĩnh vực y tế. Từ nguồn vốn vay ODA, nhiều dự án về y tế đã thực hiện tại Việt Nam.

Về dự án cung cấp trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, theo xác nhận của ngân hàng bên Áo, việc gia hạn đến cuối năm 2023 sẽ không phát sinh bất cứ chi phí nào đối với phía Việt Nam với các điều kiện được giữ nguyên như hiệp định tín dụng trước. Đó là sự nỗ lực lớn của bên Áo đối với dự án này.

Ông Dietmar Schwank lưu ý Hiệp định Tín dụng Hợp tác về Tài chính giữa hai nước Áo-Việt Nam được gia hạn 2 năm một lần và sẽ sẽ hết hạn vào 31/7/2023. Bộ Tài chính hai nước đang gấp rút thỏa thuận, đám phán để gia hạn hiệp định.

Đại sứ quán Áo đề nghị tỉnh Vĩnh Long đẩy nhanh các thủ tục hành chính nội bộ, giúp đẩy nhanh gia hạn tín dụng cho dự án hoàn thành trước thời điểm hiệp định khung về hợp tác tài chính hết hạn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục