Tìm giải pháp để nhà khoa học sống được với nghề

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng phải tìm cách tháo gỡ để các nhà khoa học có thể sống được với nghề.
Ưu đãi và trọng dụng các nhà khoa học góp phần nâng cao tầm trí tuệ dân tộc và để cho các nhà khoa học có thể đóng góp trí tuệ và công sức của mình vào phát triển đất nước là một trong những điểm nhấn quan trọng của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Tuy vậy, để đạt được mục tiêu trên rất cần một hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã trao đổi với phóng viên TTXVN xung quanh nội dung này.

- Xin Bộ trưởng cho biết cơ chế trọng dụng, ưu đãi nhà khoa học được đề cập đến như thế nào trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI?

- Bộ trưởng Nguyễn Quân:
Ngày 1/11/2012, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Trong nghị quyết mới này, vai trò của giới khoa học, của cán bộ khoa học và công nghệ đã được đề cập đến với một khí thế mới. Nghị quyết đã nêu rõ quan điểm ưu đãi và trọng dụng các nhà khoa học là góp phần nâng cao tầm trí tuệ dân tộc và để cho các nhà khoa học có thể đóng góp trí tuệ và công sức của mình vào phát triển đất nước. Nghị quyết tập trung vào việc xây dựng những cơ chế ưu đãi và trọng dụng các nhà khoa học, trước mắt tập trung vào ba đối tượng chính là các nhà khoa học đầu ngành, các nhà khoa học được nhà nướcc giao nhiệm vụ của quốc gia và các nhà khoa học trẻ của quốc gia.

Nghị quyết cũng giao nhiệm vụ cho Chính phủ và các bộ trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ sớm xây dựng hệ thống cơ chế chính sách để triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

- Được đánh giá là có rất nhiều đóng góp cho đất nước những vẫn còn tình trạng nhà khoa học không sống được với nghề, nguyên nhân do đâu, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Nguyễn Quân:
Có thể nói là các nhà khoa học Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho quá trình xây dựng đất nước và chúng tôi đánh giá năng lực sáng tạo của các nhà khoa học Việt Nam không hề thua kém bất kỳ một quốc gia nào. Tuy nhiên, chúng ta còn gặp rất nhiều khó khăn đó là đất nước của chúng ta còn nghèo, nên nguồn ngân sách đầu tư cho khoa học và công nghệ còn rất thấp. Chúng ta cũng chưa huy động được nguồn đầu tư từ xã hội, doanh nghiệp là chủ thể có thể ứng dụng khoa học và công nghệ nhiều nhất.

Ngoài ra, cơ chế tài chính để chi tiêu nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước cho nghiên cứu ứng dụng lại còn nhiều vấn đề rất cần được tháo gỡ. Điều này còn tồn tại là do đất nước bị ảnh hưởng bởi nhiều năm sống trong cơ chế tập trung kế hoạch hóa nên cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ vẫn mang nặng tính hành chính khiến các nhà khoa học mất quá nhiều thời gian thực hiện các định mức lạc hậu. Thu nhập và đời sống của các nhà khoa học hiện nay cũng rất khó khăn bởi ngoài lương cơ bản, nhà khoa học không có phụ cấp gì khác. Và kinh phí thực hiện đề tài ít nên thu nhập của nhà khoa học qua hoạt động nghiên cứu không được bao nhiêu. Chính vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta sẽ phải tìm cách tháo gỡ để các nhà khoa học có thể sống được với nghề của mình.

- Vậy sẽ tháo gỡ từ đâu, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Nguyễn Quân: Chúng ta phải làm sao để có thể có nhiều nguồn lực cho hoạt động khoa học. Vừa rồi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã khẳng định và Quốc hội cũng đang xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000, trong đó quy định các doanh nghiệp Nhà nước và khuyến khích doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế phải dành một phần lợi nhuận để đầu tư phát triển cho khoa học và công nghệ. Có như vậy, nguồn tài chính cho khoa học và công nghệ sẽ gấp nhiều lần so với hiện nay.

Ngoài ra, cần tháo gỡ cơ chế tài chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa học; áp dụng rộng rãi cơ chế của Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ cho hoạt động khoa học và công nghệ. Hay nói khác đi là tạo điều kiện cho các nhà khoa học đơn giản hóa các thủ tục tài chính, có thể là được áp dụng định mức cao hơn bổ sung nhiều nội dung chi, tạo điều kiện cho nhiều nhà khoa học tiếp cận với những kết quả nghiên cứu của thế giới. Cần xây dựng hệ thống cơ chế chính sách để trọng dụng đãi ngộ giới khoa học không phải bằng tiền lương mà là môi trường làm việc, điều kiện làm việc để các nhà khoa học có độ tự chủ cao trong việc sử dụng kinh phí kể cả ngân sách nhà nước và kinh phí xã hội cho hoạt động nghiên cứu của mình. Điều đó sẽ giúp cho nhà khoa học có thể theo đuổi mục đích nghiên cứu của mình cho đến sản phẩm cuối cùng. Và sau nữa là làm sao để toàn bộ hệ thống chính trị từ các cấp lãnh đạo quản lý cho đến các đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đều quan tâm và coi khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu để dành cho khoa học và công nghệ nguồn lực xứng đáng nhất.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Nguyễn Bích Thủy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục