Mặc dù kinh tế Việt Nam năm 2021 được dự báo sẽ có nhiều triển vọng tươi sáng hơn, tuy nhiên do kinh tế toàn cầu trong năm 2020 đã bị dịch COVID-19 tàn phá nặng nề, nhiều ngành hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến việc lựa chọn các kênh đầu tư trong năm nay trở nên rất khó khăn với các nhà đầu tư.
Ngay từ đầu năm, những biến động liên tục của các kênh đầu tư cho thấy, việc tìm lời giải từ dòng chảy của tiền và nắm bắt cơ hội đầu tư để có lợi là câu chuyện không đơn giản đối với nhà đầu tư cả ở trong nước và trên thế giới.
"Bùng nổ" đầu tư chứng khoán; Nhà đầu tư đổ xô lên sàn; "Ồ ạt" tài khoản chứng khoán mở mới; Bất động sản trong cơn sốt "lên đồng"... Dồn dập thông tin cập nhật tình hình và xu hướng đầu tư trong những tháng đầu tiên của năm 2021 cho thấy, khác với thông thường đầu năm các nhà đầu tư thường có có xu hướng nghe ngóng, nắm bắt tình hình nhiều hơn là chốt cơ hội đầu tư.
Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2021, hầu hết các thị trường đều "nhộn nhịp" một cách khác lạ. Nhà đầu tư trong nước đang đứng trước những cơ hội đầu tư kinh doanh lớn khi nền kinh tế dần hồi phục trở lại.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trở lại khiến mỗi kênh đầu tư đều được soi xét, nhìn nhận với những cơ hội và rủi ro riêng.
Khi chứng khoán, vàng và bất động sản cùng “nhảy múa”
Thị trường chứng khoán luôn là hàn thử biểu của nền kinh tế. Theo ông Lê Ngọc Nam, Trưởng bộ phận tư vấn Công ty Chứng khoán Tân Việt, từ đầu năm 2021 đến nay, chỉ số VN-Index đã có 4 lần chạm ngưỡng 1.200 điểm và đã có thời điểm vượt qua ngưỡng này.
Thanh khoản hàng ngày đang cho thấy ở mức cao nhất lịch sử với hơn 1 tỷ cổ phiếu giao dịch mỗi phiên và giá trị giao dịch cũng lên đến 700 triệu USD/phiên.
Có thể nhận thấy, sự bùng nổ của kênh đầu tư này đến từ việc có thêm nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường và những nhà đầu tư này được nhắc tới trên nhiều diễn đàn đầu tư chứng khoán với “nick name” là F0.
[Thủ tướng: Cần kiểm soát dòng tiền vào bất động sản, tránh đầu cơ]
Nhiều chuyên gia nhận định rằng, các F0 tham gia thị trường khi lãi suất tiết kiệm hạ xuống mức thấp và kênh đầu tư chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn. Thế nhưng, thực tế cho thấy thị trường chứng khoán không phải nơi dễ kiếm tiền như các F0 kỳ vọng.
Nhà đầu tư Trần Tiến Dũng chia sẻ, phần lớn các F0 vốn mỏng, kiến thức không nhiều, kinh nghiệm gần như bằng con số 0 và điều này dễ dẫn đến việc sa vào những “bẫy” giăng sẵn từ trước.
Nếu như trước đây cụm từ “lướt sóng” thường chỉ dùng để chỉ trạng thái đầu cơ của các nhà đầu tư chứng khoán, thì năm nay cụm từ này lại được sử dụng nhiều với các nhà đầu tư bất động sản.
Cơn sốt đất diễn ra trên nhiều vùng miền của dải đất hình chữ S liên quan trực tiếp đến việc thu hút dòng tiền dịch chuyển từ chốt lời chứng khoán, từ các kênh đầu tư khác như tiền ảo, vàng, từ dòng tiền nhàn rỗi trong nhân dân và từ các khoản vay tín dụng khác tham gia vào thị trường bất động sản.
Người dân xã Bình Yên (huyện Thạch Thất, Hà Nội) thời gian qua chứng kiến cảnh tượng chưa từng thấy ở đây khi dòng người nườm nượp kéo về xem đất “đông như trẩy hộ”, họp thành “chợ đất” giữa đồng. Giá đất bị đẩy lên từng giờ và cao hơn nhiều lần so với 5 tháng trước đây nhưng vẫn nhộn nhịp mua bán.
Không chỉ ở Hà Nội, thời gian qua, sốt đất xảy ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là những nơi được cho là có sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, quy hoạch hay đầu tư khu công nghiệp.
Ông Lê Văn Bình - Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: “Nhìn từ góc độ nhà quản lý, chúng tôi nhận thấy cơn sốt đất thường có chu kỳ, cứ khoảng 10 năm lại có một cơn sốt đất và trải qua mỗi lần như vậy lại tạo lập một mặt bằng giá mới, gây khó khăn cho nhà đầu tư khi muốn tiếp cận đất đai để đầu tư. Cơn sốt đất lần này có nhiều nguyên nhân; trong đó có những nguyên nhân cộng hưởng từ yếu tố quy hoạch.”
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề dẫn đến việc lãi suất ngân hàng xuống thấp, dòng tiền sụt giảm. Vì thế, người dân thay vì gửi tiền tiết kiệm sẽ chuyển sang tìm kiếm các kênh đầu tư khác sinh lời hơn mà bất động sản và chứng khoán là hai lựa chọn thu hút nhất.
Sau chứng khoán và bất động sản, thị trường vàng cũng có một năm biến động mạnh trên cả thị trường thế giới và trong nước. Điều này được xem là dễ hiểu bởi theo quy luật thì đây là kênh ẩn náu an toàn khi thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động.
Theo bà Lê Thị Thuỳ Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), từ những khảo sát của các chuyên gia và dự báo của các tổ chức tài chính thế giới thì 85% ý kiến cho rằng giá vàng tiếp tục biến động mạnh trong năm 2021. Ngay tại thị trường Việt Nam, giá vàng sẽ tiếp tục xoay quanh mức 50-60 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, trong năm 2021 sẽ có những quốc gia tăng trưởng rất mạnh và vì thế lực hút của dòng tiền sẽ hướng vào kênh đầu tư sản xuất kinh doanh nên giá vàng thế giới dự báo sẽ đi xuống, đồng thời duy trì trạng thái này đến hết năm nay.
Chính điều này cùng với sức hấp dẫn từ kênh chứng khoán và bất động sản sẽ khiến kênh đầu tư vàng bớt “lấp lánh” trong năm nay.
Nắm cơ hội và sàng lọc rủi ro
Nhà đầu tư Trần Tiến Dũng chia sẻ, thị trường chứng khoán luôn biến động và ẩn chứa nhiều cơ hội cũng như rủi ro. “Năm 2021 kênh đầu tư này vẫn luôn là thách thức, nếu bạn muốn kiếm tiền bền vững thì bạn phải biết bảo vệ lợi nhuận và vốn. Sai lầm mà nhà đầu tư thường gặp là xem lợi nhuận như là tiền của thị trường nên tiến hành giao dịch thiếu trách nhiệm và bất cẩn hơn so với số vốn ban đầu. Đây là một suy nghĩ hết sức nguy hiểm. Một khi tôi tạo ra được lợi nhuận thì đó là số vốn của tôi có,” ông Dũng nhấn mạnh.
Theo ông Lê Ngọc Nam, Trưởng bộ phận tư vấn Công ty Chứng khoán Tân Việt, cơ hội của kênh đầu tư chứng khoán năm 2021 được dự báo là khả quan bởi nội tại của nền kinh tế đang có đà tăng trưởng tốt, cùng với đó là sự trở lại của các dòng tiền đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng trước mỗi quyết định đầu tư bởi những tác động từ yếu tố bên ngoài liên quan đến dịch bệnh.
Cũng giống như thị trường chứng khoán, kênh đầu tư bất động sản với những cơn sốt như “lên đồng” thời gian qua cũng khiến các chuyên gia đưa ra nhiều cảnh báo. Luật sư Trần Thanh Quyết cho rằng, hệ lụy của cơn sốt đất rất lớn, nguồn vốn đầu tư bằng vốn nhàn rỗi trên thực tế rất ít trong khi chủ yếu là nguồn vốn đi vay dẫn đến nguy cơ cao của tình trạng nợ xấu, mất thanh khoản của nhà đầu tư khi đầu tư vào một thị trường không minh bạch, dựa trên tin đồn và thiếu cơ sở pháp lý.
Mặc khác, những giai đoạn sốt nóng là thời điểm các đối tượng tội phạm, lừa đảo tích cực hoạt động; người mua bất động sản thường dễ bị chi phối bởi yếu tố cảm xúc trong các quyết định mua hàng. Vì vậy, những nhà đầu tư mới tham gia thị trường nên tìm hiểu kỹ thông tin, cẩn trọng về tính pháp lý của sản phẩm để hạn chế rủi ro cho khoản đầu tư của mình.
Về những vấn đề liên quan đến tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tín dụng bất động sản là một trong lĩnh vực ngành ngân hàng quản lý rất sát sao, chặt chẽ. Bởi câu chuyện dịch chuyển dòng vốn, tiền tệ sang thị trường bất động sản hay thị trường khác đều là một trong những nội dung được quán xuyến và quan tâm trong điều hành hoạt động của Ngân hàng Nhà nước với những cảnh báo thường xuyên, kịp thời của các tổ chức tín dụng khi có những dấu hiệu của sự không đảm bảo ổn định, cũng như có những dấu hiệu hụt dòng trong đầu tư quá lớn.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, đến ngày 15/3, dư nợ cho vay bất động sản của ngành ngân hàng tăng 2,13%, tăng nhanh hơn so với tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế nói chung. Trong đó tín dụng vào các lĩnh vực mà các đối tượng kinh doanh bất động sản, đầu cơ bất động sản hay phân khúc thị trường cao cấp, các dự án mà khả năng thanh khoản, hiệu quả đầu tư bất động sản trong tương lai không cao.
Đây là những đối tượng được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ và hạn chế, kể cả có những chế tài trực tiếp hoặc gián tiếp đối với các tổ chức tín dụng.
Trong cuộc làm việc mới đây với Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, cần đánh giá nhằm kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro như tín dụng bất động sản và chứng khoán. Đối với tín dụng vào bất động sản, cần quản lý đảm bảo dòng vốn phục vụ nhu cầu tiêu dùng bất động sản thực sự của người dân, tránh đầu cơ.
Theo các chuyên gia, sẽ có nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư trong năm 2021 khi dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Nhà đầu tư nên bám sát các chính sách vĩ mô của Nhà nước, theo sát các chính sách hỗ trợ, từ đó có thể tự xác định về những cơ hội, khó khăn trong diễn biến kinh tế nói chung và tự nhận diện cho mình một kênh đầu tư hiệu quả trong năm 2021./.