Tìm cách tháo gỡ gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2%

Để giúp chính sách phát huy hiệu quả, nhiều ý kiến đề xuất cần có những thay đổi từ gói 40.000 tỷ đồng nhằm giúp nguồn tiền ngân sách được sử dụng kịp thời, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.
Tìm cách tháo gỡ gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2%. (Ảnh: Vietnam+)

Tháng 1/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa- tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó cho phép hỗ trợ lãi suất (2%/năm), quy mô tối đa 40.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi sau đại dịch COVID-19 và cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% một năm qua hệ thống ngân hàng thương mại mới giải ngân được 3,05%, tương đương 1.218 tỷ đồng, số vốn chưa giải ngân còn khoảng 38.800 tỷ đồng.

Doanh nghiệp sợ bị thanh tra

Ngay khi gói hỗ trợ được ban hành vào đầu năm 2022 Công ty cổ phần Tiross Việt Nam đã từng được giới thiệu vay vốn tuy nhiên do duy trì được đà kinh doanh nên doanh nghiệp không có nguyện vọng vay gói giảm lãi suất 2%.

Ông Nguyễn Đăng Hoan - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tiross Việt Nam chia sẻ: “Gói hỗ trợ lãi suất này là rất cần thiết bởi vì nhiều doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ nhưng đối với doanh nghiệp của chúng tôi tình hình tài chính vẫn ở mức an toàn. Bởi vậy, dù nhiều tổ chức tín dụng có chào nhưng chúng tôi từ chối và cũng muốn nhường lại cho những doanh nghiệp thực sự cần thiết hơn.”

Trái ngược với Công ty cổ phần Tiross Việt Nam, ngay khi gói hỗ trợ được ban hành, Công ty Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh đã từng được giới thiệu vay vốn. Duy trì được đà xuất khẩu ngay sau COVID-19, tự tin đáp ứng tiêu chí "có khả năng phục hồi" theo quy định và liên tục có nhu cầu vay vốn mới, song doanh nghiệp sau đó phải từ bỏ gói hỗ trợ này.

Ông Phạm Minh Tôn - Giám đốc Công ty Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh cho biết: "Có rất nhiều thủ tục, chưa nói đến vấn đề sau khi giải ngân, hậu kiểm, kiểm tra kiểm toán, chắc chắn phải dành một nhân sự để chuyên làm hồ sơ, thủ tục trước và sau khi giải ngân."

Doanh nghiệp đã khó tiếp cận thì các hợp tác xã, hộ kinh doanh lại càng khó hơn. Thiếu tài sản thế chấp, không có hóa đơn đỏ theo yêu cầu mà chỉ có hóa đơn bán lẻ, hay dù có khả năng trả nợ nhưng chẳng biết xác định thế nào là "có khả năng phục hồi." Việc triển khai khó khăn nên cứ thế chậm dần và không còn nhận được nhiều sự quan tâm của chính những đối tượng được thụ hưởng chính sách.

Theo khảo sát của VCCI, chỉ có 30% doanh nghiệp hợp tác xã biết tới chính sách này và chỉ có khoảng 2% doanh nghiệp đã nhận được khoản vay theo chương trình, khách quan cho thấy cần đánh giá lại chính sách.

Nguyên nhân do khách hàng đủ điều kiện nhưng lựa chọn không thụ hưởng chính sách, chủ yếu do tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm tra (đặc biệt là doanh nghiệp), cân nhắc giữa lợi ích từ việc được hỗ trợ lãi suất và chi phí phát sinh nếu nhận hỗ trợ lãi suất (phải theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).

Ngoài ra khách hàng có tâm lý lo ngại trường hợp bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất do số tiền này đã được hạch toán vào lợi nhuận doanh nghiệp và chia cổ tức cho cổ đông.

Chia sẻ về gói hỗ trợ này, bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết Nghị quyết 43 được thực hiện trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ. Trên thế giới, do tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, các nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ.

"Chính phủ đã quyết liệt cố gắng thực hiện các chương trình tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Về chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, chưa có chương trình nào Ngân hàng Nhà nước dành nhiều thời gian, công sức triển khai như vậy," Thống đốc khẳng định.

Tuy nhiên, thừa nhận kết quả chương trình này thấp, Thống đốc lý giải đây là chính sách hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp có khả năng phục hồi, tức là có khả năng trả nợ vay, chứ không phải là chính sách giải quyết cho tất cả doanh nghiệp trong nền kinh tế gặp khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp sợ thanh tra nên không tham gia vào gói tín dụng 40.000 tỷ đồng. (Ảnh: Vietnam+)

Cũng theo Thống đốc, vốn cho vay trong chương trình này là vốn các ngân hàng huy động từ người dân. Chỉ có vốn của chương trình hỗ trợ lãi suất 2% của Ngân hàng Chính sách là nguồn lực ngân sách. Vì thế, các ngân hàng thương mại phải thực hiện cho vay theo quy định hiện hành, đảm bảo khả năng thu hồi nợ. Cho nên, giải ngân nhiều hay ít phụ thuộc vào bài toán của doanh nghiệp.

Đâu là giải pháp?

Gói 40.000 tỷ đồng được đánh giá là có nhiều quy định ràng buộc quá chặt chẽ và không khả thi dẫn đến hiệu quả thực hiện chính sách không cao do đó việc gia hạn thêm 6 tháng dù không thể kỳ vọng giải ngân được hết gói hỗ trợ song đòi hỏi phải có cách triển khai mới để thêm đồng nào tốt đồng đó.

Phó giáo sư-Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho biết mục tiêu của chúng ta là giải ngân gói tín dụng 40.000 tỷ đồng nhưng mới chỉ thực hiện được khoảng 1.200 tỷ đồng. Đây là tồn tại của Nghị quyết 43, cần phải rút ra bài học kinh nghiệm, khi thể chế ban hành cần phải phù hợp với với thực tiễn.

Để giúp chính sách phát huy hiệu quả, nhiều ý kiến đã đề xuất cần có những thay đổi từ gói 40.000 tỷ đồng nhằm giúp nguồn tiền ngân sách được sử dụng kịp thời, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế.

Theo khảo sát của VCCI chỉ có 30% doanh nghiệp hợp tác xã biết tới chính sách này. (Ảnh: Vietnam+)

Tiến sỹ Lê Duy Bình - Giám đốc Điều hành Economica Việt Nam nhận định: "Dựa trên những nguyên tắc của thị trường và chuyển hóa nó thành giao dịch hoàn toàn mang tính chất thương mại. Nếu chúng ta thiết kế được điều đó thì mới có thể kỳ vọng giải ngân tốt gói 2% này."

Còn ông Trần Đức Anh - Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng phải đưa ra những quy định, tiêu chí vừa đủ chặt chẽ để không làm thất thoát vốn nhà nước nhưng vừa cũng mang tính chất cởi mở và tính chất khuyến khích để bản thân ngân hàng, doanh nghiệp có sự tự tin khi sử dụng gói hỗ trợ 2%.

Tổng Giám đốc một ngân hàng lớn cũng chia sẻ các tổ chức tín dụng đã phải nhìn nhận lại những khó khăn của chính sách và đã đề xuất với Ngân hàng Nhà nước để báo cáo Chính phủ có thể chuyển gói tín dụng này sang hỗ trợ theo một hình thức khác.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ cũng nhấn mạnh đối với số vốn không giải ngân hết của chính sách sau khi kết thúc thời gian theo kế hoạch, Chính phủ sẽ trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn, không huy động nguồn lực đồng thời không làm tăng bội chi tương ứng với số vốn này./.

(Vietnam+)\

Tin cùng chuyên mục