Tìm cách gỡ khó cho các trường y dược tự chủ trong bối cảnh mới

Hiện nay nhiều trường y dược khi tự chủ đối mặt với nhiều khó khăn về thể chế như việc giao quyền tự chủ cho các trường chỉ dựa vào đề án của trường, không có quy định chung về tiêu chí tự chủ.
Tìm cách gỡ khó cho các trường y dược tự chủ trong bối cảnh mới ảnh 1Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các đơn vị trong ngành y tế khi tự chủ được chủ động trong việc chi trả tiền lương, phụ cấp và tiền lương tăng thêm cho người lao động, được chủ động sử dụng quỹ bổ sung thu nhập để thực hiện việc phân chia trên cơ sở quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, theo nguyên tắc gắn với số lượng, chất lượng và hiệu quả công việc.

Tuy nhiên, trên thực tế việc thay đổi cơ chế là đòi hỏi phải có quá trình, bước đi cụ thể... và còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về thay đổi cơ chế quản lý, quản trị, sắp xếp bộ máy tổ chức, cơ chế trả lương, thưởng, phụ cấp, thu nhập tăng thêm.

Tại hội thảo tự chủ trong các trường y dược - Vai trò của tổ chức công đoàn diễn ra chiều 9/4 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh các đơn vị tự chủ cần có sự thống nhất cao trong ban giám hiệu và hội đồng trường để đảm bảo dân chủ, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự theo hướng tinh gọn, thực chất, đảm bảo thực hiện sứ mạng và các mục tiêu của cơ sở đào tạo đại học.

[Bước đột phá trong y tế về đặt lịch khám bệnh và 'hội chẩn ảo']

Giáo sư Trần Văn Thuấn cho hay việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị từ năm 2006 cho đến nay đã đạt được những thành công lớn về nhiều mặt, huy động tốt mọi nguồn lực xã hội cho phát triển hệ thống y tế. Các cơ sở y tế chủ động mở rộng, phát triển các loại hình dịch vụ khám chữa bệnh, tổ chức và sắp xếp lại bộ máy, nhân lực để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của nhân dân.

Nhiều cơ sở y tế tăng cường đầu tư trang thiết bị và cơ sở hạ tầng góp phần tăng nguồn thu cho bệnh viện và cải thiện thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, cơ chế tự chủ cho phép các đơn vị tự chủ hơn, linh hoạt hơn trong đầu tư, giao dịch tài chính và chi tiêu thường xuyên. Đối với viên chức, người lao động tại các bệnh viện sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ cơ chế này.

Thứ trưởng Bộ Y tế phân tích, hiện nay nhiều trường khi tự chủ đối mặt với nhiều khó khăn về thể chế như việc giao quyền tự chủ cho các trường chỉ dựa vào đề án của trường, không có quy định chung về tiêu chí tự chủ. Các trường đang phải cùng lúc thực hiện nhiều luật Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Xây dựng, Luật Viên chức và các luật về Thuế, tài chính, các Nghị định của Chính phủ; chưa có Nghị định của Bộ Giáo dục cũng như Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về hoạt động tự chủ trong cơ sở giáo dục.

Các văn bản quy phạm liên quan hầu như không có các điều kiện cụ thể hóa được các nội dung tự chủ đại học, đặc biệt là chưa quy định được điều kiện để giao quyền tự chủ; chưa kịp sửa hệ thống văn bản, quy chế để đáp ứng ngay với điều kiện thực tế; chưa có phân cấp về xây dựng cơ bản, sửa chữa lớn cũng như vấn đề xã hội hóa còn nhiều bất cập, dễ dẫn đến sai phạm.

Nhiều trường bị khống chế về mức trần học phí, thường là thấp, thu không đủ chi. Đây cũng chính là một khó khăn mà nhiều nhà trường đang phải đối diện trong tự chủ về tài chính. Bên cạnh đó, tâm lý bao cấp về học phí trong đào tạo vẫn còn rất nặng nề, tác động không nhỏ đến công tác tuyển sinh…

Phó giáo sư Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn y tế Việt Nam cho rằng trong quá trình các trường đại học chuyển đổi cơ chế quản lý, điều hành và vận động theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, các cấp công đoàn sẽ có tác động và ảnh hưởng rất lớn tới đội ngũ cán bộ công nhân viên trên nhiều phương diện. Hoạt động của tổ chức công đoàn trong các nhà trường cũng có mặt trong các khâu quan trọng như: Thành lập, kiện toàn hội đồng trường; nâng cao năng lực quản trị và tổ chức truyền thông. Vì thế, hoạt động công đoàn đang đứng trước những cơ hội cũng như thách thức rất lớn.

Tìm cách gỡ khó cho các trường y dược tự chủ trong bối cảnh mới ảnh 2(Ảnh: PV/Vietnam+)

Có nhiều ý kiến cho rằng vai trò hoạt động và quan hệ giữa các bên Đảng ủy-hội đồng trường-ban giám hiệu-công đoàn chưa rõ ràng. Vai trò nhiệm vụ của Công đoàn còn mang nặng tính hình thức, phụ thuộc chưa thật sự là tổ chức phối hợp, chưa thực sự đóng vai trò như đã được luật định.

Chính vì vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị các tổ chức công đoàn tại cơ sở cũng phải đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động, cơ chế phối hợp với chính quyền, chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn tại cơ sở. Đặc biệt là việc tổ chức công đoàn tham gia với chính quyền, chuyên môn trong việc xây dựng và giám sát thực hiện các văn bản, quy chế: quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế trả lương, thưởng, các vấn đề liên quan đến sắp xếp vị trí việc làm, định mức lao động, phân phối phúc lợi, các vấn đề tiền lương, giờ làm, điều kiện làm việc… trong quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động.

Hội thảo này là cơ hội để các đơn vị khối trường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về công tác quản lý, tự chủ ở các mức độ khác nhau.

Các công đoàn trường nhân dịp này cùng trao đổi, thảo luận cách làm, nội dung hoạt động phù hợp bối cảnh mới để làm tốt vai trò đại diện đoàn viên, thực tốt chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cán bộ, nhân viên người lao động ngành y tế…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục