TikTok muốn được bảo vệ như các hãng tin Mỹ thuộc sở hữu nước ngoài

Các luật sư của TikTok đã dùng Tu chính án thứ nhất làm một cơ sở lập luận quan trọng trong kháng cáo của họ đối với luật liên bang yêu cầu ByteDance phải bán TikTok cho một người mua được phê duyệt.
(Tư liệu) Biểu tượng TikTok. (Ảnh: AFP/TTXVN)

TikTok ngày 15/8 đã phản bác lại lập luận của Chính phủ Mỹ rằng nền tảng mạng xã hội phổ biến này không được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất, khi so sánh nền tảng của mình với các tổ chức truyền thông tại Mỹ thuộc sở hữu của các thực thể nước ngoài.

Tháng trước, trong một tài liệu pháp lý trình lên tòa phúc thẩm liên bang Washington, Bộ Tư pháp Mỹ đã lập luận rằng cả công ty mẹ có trụ sở tại Trung Quốc của TikTok là ByteDance và các công ty con của nền tảng này tại Mỹ và trên toàn cầu - lần lượt là TikTok Inc. và TikTok Ltd. - đều không nằm trong phạm vi bảo vệ của Tu chính án thứ nhất, vì là “các tổ chức nước ngoài hoạt động ở nước ngoài” hoặc thuộc sở hữu của một tổ chức như vậy.

Các luật sư của TikTok đã dùng Tu chính án thứ nhất làm một cơ sở lập luận quan trọng trong kháng cáo của họ đối với luật liên bang yêu cầu ByteDance phải bán TikTok cho một người mua được phê duyệt, nếu không phải đối mặt với lệnh cấm.

Trong diễn biến mới nhất, trong một tài liệu tòa án ngày 15/8, TikTok lập luận rằng công ty con tại Mỹ của TikTok không mất các quyền lợi theo hiến pháp của mình vì nó thuộc sở hữu của một thực thể nước ngoài.

TikTok đã chỉ ra sự tương đồng giữa TikTok và các trang tin nổi tiếng như Politico và Business Insider, cả hai đều thuộc sở hữu của công ty truyền thông trực tuyến và đại chúng đa quốc gia của Đức Axel Springer SE.

TikTok cũng minh họa cho lập luận này bằng tạp chí kinh doanh Fortune, thuộc sở hữu của doanh nhân người Thái Chatchaval Jiaravanon.

Các luật sư của TikTok viết: “Chắc chắn các công ty Mỹ vận hành Politico, Fortune và Business Insider không mất quyền được bảo vệ theo Tu chính án thứ nhất vì thuộc sở hữu nước ngoài.”

Trong một tài liệu tòa án hồi tháng trước, Bộ Tư pháp Mỹ lập luận rằng ByteDance và TikTok đã không đưa ra các lập luận khiếu nại về tự do ngôn luận hợp lệ trong kháng cáo của họ đối với luật này.

Bộ Tư pháp Mỹ nói rằng lệnh cấm TikTok nói trên nhằm giải quyết những lo ngại về an ninh quốc gia trong vấn đề quyền sở hữu của TikTok, chứ không nhắm vào quyền tự do ngôn luận.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden và TikTok đã tiến hành các cuộc đàm phán trong những năm gần đây nhằm giải quyết những lo ngại của chính phủ. Nhưng hai bên đã không đạt được thỏa thuận.

TikTok cho biết Chính phủ Mỹ đã rời khỏi bàn đàm phán sau khi công ty này đề xuất một thỏa thuận dài 90 trang nêu chi tiết cách TikTok dự định sẽ giải quyết các lo ngại về ứng dụng này, đồng thời vẫn duy trì mối quan hệ với ByteDance.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết đề xuất của TikTok “không tạo ra sự tách biệt đủ lớn giữa các hoạt động của công ty tại Mỹ và tại Trung Quốc” và không tháo gỡ hoàn toàn một số lo ngại của Chính phủ Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục