TikTok đối mặt với sức ép pháp lý về vấn đề trẻ em tại Bồ Đào Nha

Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Ius Omnibus nhấn mạnh TikTok đã lợi dụng “tính chất dễ bị tổn thương” đặc biệt của trẻ để kiếm lợi nhuận từ trẻ em dưới 13 tuổi.
(Nguồn: The Portugal News)

Ngày 5/4, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Ius Omnibus có trụ sở tại Bồ Đào Nha kiện ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok với cáo buộc cho phép trẻ em dưới 13 tuổi đăng ký tài khoản mà không có sự đồng ý của cha mẹ, và không thực hiện biện pháp bảo vệ trẻ.

Trong một tuyên bố, tổ chức Ius Omnibus nhấn mạnh TikTok đã lợi dụng “tính chất dễ bị tổn thương” đặc biệt của trẻ để kiếm lợi nhuận từ trẻ em dưới 13 tuổi.

[Anh phạt TikTok gần 16 triệu USD vì vi phạm luật bảo vệ dữ liệu]

Dù TikTok có giới hạn độ tuổi, song ứng dụng này không thực hiện các biện pháp ngăn những người dùng dưới 13 tuổi đăng ký tài khoản.

Ius Omnibus cũng cho rằng việc TikTok thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em là vi phạm hiến pháp Bồ Đào Nha, quy định bảo vệ dữ liệu chung của Liên minh châu Âu và luật về các hành vi thương mại không công bằng.

Theo đó, tổ chức này đề nghị một tòa án tại thủ đô Lisbon can thiệp để TikTok chấm dứt các hành động trái phép, đồng thời bồi thường cho những người bị ảnh hưởng. 

Trong một vụ kiện riêng rẽ, tổ chức Ius Omnibus cho biết người dùng trên 13 tuổi cũng là nạn nhân của các hoạt động kinh doanh trái phép và dữ liệu cá nhân được sử dụng mà không có sự chấp thuận hoàn toàn của người dùng.

Theo Ius Omnibus, điều này khiến trẻ em gặp phải mối nguy hại về đạo đức, tâm lý và thể chất, cũng như đe dọa đến sự an toàn và sức khỏe, cũng như cuộc sống riêng tư của trẻ và gia đình.

Công ty TikTok chưa đưa ra bình luận về thông tin trên. Tuy nhiên, đại diện TikTok nhấn mạnh rằng công ty coi việc bảo vệ người dùng và dữ liệu của người dùng là điều quan trọng nhất. 

Động thái trên diễn ra chỉ một ngày sau khi Văn phòng Ủy ban Thông tin (ICO) - cơ quan giám sát dữ liệu của Anh - thông báo đã phạt TikTok 12,7 triệu bảng Anh (15,9 triệu USD) vì vi phạm luật bảo vệ dữ liệu, trong đó có việc sử dụng dữ liệu cá nhân của trẻ em dưới 13 tuổi mà không có sự đồng ý của cha mẹ.

Gần đây, chính phủ các nước Australia, Mỹ, Pháp và nhiều nước phương Tây khác đã ban hành lệnh cấm sử dụng ứng dụng TikTok thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance (Trung Quốc), trên các thiết bị công vụ do lo ngại về rủi ro đối với an ninh quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục