Tiêu thụ thuốc kháng sinh trên toàn cầu tăng mạnh 15 năm qua

Báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ công bố tuần này cho hay sự gia tăng đó chủ yếu là do tiêu thụ kháng sinh tăng mạnh ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Tiêu thụ thuốc kháng sinh trên toàn cầu tăng mạnh 15 năm qua ảnh 1Thuốc kháng sinh được bày bán tại một hiệu thuốc ở Mumbai, Ấn Độ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tiêu thụ thuốc kháng sinh trên toàn cầu tăng 65% trong các năm 2000-2015, theo một nghiên cứu quốc tế.

Báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ công bố tuần này cho hay sự gia tăng đó chủ yếu là do tiêu thụ kháng sinh tăng mạnh ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi chứng kiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng khá cao.

Trong khoảng thời gian 16 năm, tiêu thụ thuốc kháng sinh đã tăng gấp đôi tại Ấn Độ và tăng gần 80% ở Trung Quốc.

[FAO cảnh báo hậu quả lạm dụng kháng sinh ở các nước Đông Nam Á]

Theo ông Didier Pittet, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát Nhiễm trùng tại các Bệnh viện Đại học Geneva (HUG), thì rõ ràng phải lấy làm vui vì người dân ở các quốc gia này cần thuốc kháng sinh và có thể tiếp cận được với thuốc, vấn đề là thuốc kháng sinh thường bị lạm dụng.

Ở các nước có thu nhập cao, tiêu dùng thuốc kháng sinh bình quân đầu người đã giảm 4%. Tuy nhiên, ông Pittet nhấn mạnh đây là một sự sụt giảm rất nhỏ.

Các quốc gia có thu nhập cao vẫn là những nước sử dụng kháng sinh nhiều nhất, mặc dù một số quốc gia có thu nhập trung bình, như Thổ Nhĩ Kỳ hay Algeria, hiện đang dẫn đầu nhóm các nước tiêu thụ nhiều thuốc kháng sinh.

Nghiên cứu nhận định sự gia tăng nhanh chóng việc sử dụng thuốc kháng sinh đi liền với tình trạng các vi khuẩn kháng thuốc sẽ gia tăng theo.

Mặc dù rất khó để thống kê con số tử vong liên quan đến tình trạng các vi khuẩn kháng thuốc này, song một nhóm chuyên gia năm 2014 từng ước tính các vi khuẩn kháng thuốc là nguyên nhân dẫn đến cái chết của khoảng 700.000 người/năm trên toàn thế giới.

Một số chuyên gia còn ước tính đến năm 2050, thế giới sẽ ghi nhận tới 10 triệu người chết/năm do tình trạng vi khuẩn kháng thuốc nếu tình hình không được cải thiện, các hành động cần thiết không được tiến hành.

Năm ngoái, mỗi quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều phải đệ trình một kế hoạch hành động, và theo ông Pittet, nếu các kế hoạch đó được thực hiện, có thể hy vọng rằng cuối cùng thuốc kháng sinh sẽ bắt đầu được sử dụng một cách đúng đắn hơn.

Ông nhấn mạnh cần hành động để làm giảm các con số liên quan đến việc tiêu thụ kháng sinh trên toàn cầu, nếu để tình trạng này gia tăng như hiện nay, nhân loại sẽ phải hứng chịu những hậu quả hết sức nặng nề./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục