Tiêu hạt rớt giá, nông dân Phú Quốc giảm mạnh diện tích trồng

Do giá giảm mạnh, người dân trồng tiêu trên huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) giảm dần diện tích và có nguy cơ sẽ “xóa sổ” cây hồ tiêu truyền thống có từ lâu đời này.
Tiêu hạt rớt giá, nông dân Phú Quốc giảm mạnh diện tích trồng ảnh 1Thu hoạch hồ tiêu. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Do giá giảm mạnh, người dân trồng tiêu trên huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) giảm dần diện tích và có nguy cơ sẽ “xóa sổ” cây hồ tiêu truyền thống có từ lâu đời này.

Ông Phan Thành Tiến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Quốc cho biết, hiện nay, cây tiêu đang giảm mạnh, toàn huyện còn khoảng 360 ha nằm rải rác ở các xã Cửa Dương, Cửa Cạn và một phần diện tích ở xã Bãi Thơm, Dương Tơ.

Năm 2018, tổng sản lượng tiêu thu hoạch ước đạt 745 tấn, giảm 40% so cùng kỳ năm 2017. Theo ông Tiến, nguyên nhân chính diện tích và năng suất giảm là do giá giảm sâu, hiện nay giá chỉ còn chưa đến 50.000 đồng/kg tiêu hạt, giảm 50% so với những năm trước. Với giá như hiện nay, nông dân trồng tiêu thua lỗ dẫn đến tình trạng chuyển sang trồng các loại cây ăn trái hoặc màu, không còn mặn mà với cây tiêu.

Ông Phan Chí Tâm, ngụ ấp Khu Tượng, xã Cửa Dương cho biết, gia đình trồng 1.100 trụ tiêu, mỗi năm cho thu nhập trên 2 tấn, với giá bán dao động từ 90.000 - 100.000 đồng/kg. Với giá này, nông dân trồng tiêu có lãi khoảng 30% nên cuộc sống của những nông dân làm rẫy trồng cây tiêu truyền thống lâu năm trên địa bàn huyện sống khỏe. Thế nhưng, khoảng vài năm trở lại đây, giá tiêu hạt bắt đầu giảm, đến nay xuống còn từ 43.000 - 48.000 đồng/kg, nông dân lỗ vốn. Cũng vì giá xuống thấp, ông Tâm không đầu tư chăm sóc nên trong năm 2018, gia đình thu hoạch chỉ có 600 kg tiêu trong tổng số 1.100 trụ tiêu trồng.

Theo ông Lê Văn Thành, ngụ ấp Khu Tượng, xã Cửa Dương, gia đình ông trước đây thu hoạch mỗi năm 800 kg tiêu hạt, nhưng năm 2018 chỉ thu về 200 kg do gia đình ông không còn mặn mà chăm sóc đầu tư. Trước đây, đến kỳ thu hoạch có rất nhiều người đến hỏi làm công, vì cây tiêu trúng, thuê thu hoạch theo kg nên mỗi ngày một người có thu nhập khoảng 400.000 đồng.

Còn hiện nay, do năng suất cây tiêu giảm, thuê nhân công thu hoạch chia đôi, nghĩa là nếu thu hoạch 2 kg, thì chủ vườn và người làm công được mỗi người 1 kg, thế nhưng họ cũng không làm. Mỗi ngày, người làm công thu hoạch khoảng 10 kg, nhưng khi chia đôi thì có 5 kg khoảng 250.000 đồng/người, nhưng đầu ra bán không ai mua nên họ không làm. Cũng vì không còn “mặn” với cây tiêu, hiện nay ông Thành đã chuyển một phần diện tích trồng tiêu sang trồng sầu riêng, chôm chôm và phá bỏ một ít diện tích để cất nhà trọ cho thuê.

Đi một vòng các xã có diện tích trồng tiêu không còn những trụ tiêu bạt ngàn như trước kia mà chủ yếu còn nhỏ lẻ nằm trên các triền núi, nhưng có lẽ gia đinh ông Ngô Minh Quang, ngụ ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương còn tương đối nhiều. Với hơn 2.000 trụ trồng tiêu, mỗi năm, gia đình ông thu hoạch gần 6 tấn tiêu hạt. Thế nhưng giá tiêu giảm dần, nên ông cũng như nhiều hộ trồng khác không quan tâm chăm sóc, nên sản lượng giảm mạnh, trong năm 2018, gia đình chỉ thu về khoảng 2 tấn.

[Năng suất hồ tiêu Việt Nam xếp vào loại cao nhất thế giới]

Theo ông Quang, trước đây, đến kỳ thu hoạch, chủ vựa thu mua ở thị trấn Dương Đông đưa xe tải đến tận rẫy thu mua, thế nhưng giờ thu hoạch xong phơi, sàn sạch và chở đến tận vựa nhưng họ không mua. Họ nói nông dân có khó khăn thì cho mượn tiền đầu tư và cho mượn chỗ chứa chứ không mua vì hiện nay không có nơi tiêu thụ.

Chị Trần Thị Thúy Kiều, ngụ ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương cho biết, trước đây người trồng tiêu không khó khăn như bây giờ, khi mà thu hoạch đến đâu có nơi tiêu thụ đến đó. Còn hiện nay, với giá chưa đến 50.000 đồng/kg, nhưng phải làm sạch bụi bằng cách phải sàn bằng thủ công, lượm từng hạt tiêu bụi bỏ ra thì họ mới mua, nhưng với số lượng ít, còn lại phải bán lẻ từng kg cho khách. Theo chị Kiều, trước đây, khi bán tiêu cội, tiêu đen cho vựa, còn tiêu bụi (tiêu dạt ra) cũng bán được với giá 20.000 đồng/kg, lo đủ cho một đứa con đi học, nhưng giờ chỉ để làm phân chứ không ai mua.

Ông Lê Văn Công, ngụ ấp Bến Tràm trần tình, nông dân ở đây lâu năm, không đi làm nghề biển thì “rút” lên núi làm rẫy trồng tiêu. Gia đình ông Công đã nhiều đời trồng tiêu, nên không trồng loại này thì biết chuyển cây con gì để phát triển kinh tế gia đình. Do đặc thù vùng đồi núi chỉ thích hợp cho cây tiêu nên dù có khó khăn gì cũng phải “ôm” cây tiêu mà sống, nhưng với giá xuống thấp như hiện nay gia đình trồng cây tiêu truyền thống như ông Công đang gặp rất nhiều khó khăn.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Quốc, ông Phan Thành Tiến, cho biết trước đây, vào thời điểm cao nhất, toàn huyện có khoảng 500 ha và phấn đấu giữ vững lên 520 ha. Thế nhưng, giá ngày xuống thấp, nông dân ngày gặp khó nên phải phá bỏ trồng các loại cây khác. Phía nông dân huyện khuyến khích bà con giữ cây tiêu truyền thống nhưng chưa tìm đầu ra.

Trước đây, Hội nông dân tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo thành lập hợp tác xã trồng tiêu và bao đầu ra sản phẩm nhằm giữ vững truyền thống tiêu Phú Quốc, nhưng với đặc thù huyện đảo thì không khả thi. Trước đây đã hình thành hợp tác xã trồng tiêu ở xã Cửa Dương, nhưng giờ cũng “xóa sổ”, bởi nông dân ở đây thường trồng diện tích trên các đồi núi, rải rác không tập trung thì rất khó cho việc hình thành hợp tác xã.

Nguyện vọng lớn nhất của nông dân trồng tiêu trên huyện đảo Phú Quốc hiện nay làm sao tìm đầu ra và giá cả ổn định, nếu không diện tích cây hồ tiêu lâu đời ở đây sẽ dần bị mai một./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục