Tiểu đường, tim mạch, phổi là bệnh nền phổ biến ở bệnh nhân COVID-19

Theo các nhà nghiên cứu, có tới 78% bệnh nhân COVID-19 nằm phòng điều trị tích cực có ít nhất một bệnh nền, trong đó tiểu đường chiếm 32%, các bệnh về tim mạch chiếm 29% và bệnh phổi mãn tính 21%.
Tiểu đường, tim mạch, phổi là bệnh nền phổ biến ở bệnh nhân COVID-19 ảnh 1Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới trung tâm y tế ở Brooklyn, New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 31/3 công bố một báo cáo thống kê về các bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, theo đó nhiều bệnh nhân nhập viện do mắc COVID-19 với những biến chứng nặng ở Mỹ có các bệnh nền phổ biến nhất là tiểu đường, các bệnh về tim mạch hoặc bệnh phổi mãn tính.

Điều này cũng được ghi nhận tại nhiều nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

Báo cáo sơ bộ của CDC tổng hợp từ 7.162 bệnh nhân COVID-19 ở Mỹ tính đến ngày 29/3 cho thấy 37,6% bệnh nhân có từ một bệnh nền trở lên. Trong khi đó, Mỹ chưa thể tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên diện rộng để xác định cụ thể các trường hợp nhiễm bệnh.

Theo các nhà nghiên cứu, có tới 78% bệnh nhân COVID-19 nằm phòng điều trị tích cực có ít nhất một bệnh nền, trong đó tiểu đường chiếm 32%, các bệnh về tim mạch chiếm 29% và bệnh phổi mãn tính 21%. Ngoài ra, 12% có các bệnh về thận và 9% có hệ miễn dịch yếu.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 nhập viện điều trị nhưng mức độ không quá nghiêm trọng, 71% có ít nhất một bệnh nền.

Trái lại, ở nhóm bệnh nhân mắc COVID-19 không cần nhập viện điều trị, chỉ có 27% có từ một bệnh nền trở lên.

Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng không có tiền sử bệnh lý sẽ không bị biến chứng nặng, vì có 22% trường hợp bệnh nhân COVID-19 phải vào phòng chăm sóc tích cực không có bệnh nền hoặc tiền sử bệnh lý.

[Mỹ vượt Trung Quốc về số ca tử vong liên quan đến COVID-19]

Căn cứ những số liệu tổng hợp nói trên, Đơn vị ứng phó COVID-19 của CDC khẳng định vẫn chưa thể đưa ra kết luận bệnh nền có ảnh hưởng thế nào và có thúc đẩy các bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến virus SARS-CoV-2 hay không.

Ước tính khoảng 10,1% người lớn tuổi ở Mỹ mắc bệnh tiểu đường, 10,6% mắc bệnh về tim mạch, 5,9% mắc bệnh phổi mãn tính và có tới 7,9% người ở mọi lửa tuổi mắc bệnh hen suyễn.

Thống kê mới nhất cho thấy số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ đến ngày 31/3 lên tới 3.393 người, nhiều hơn số ca tử vong tại Trung Quốc (3.305 ca) và nhiều thứ ba trên thế giới, sau Italy có 12.428 ca và Tây Ban Nha có 8.189 ca.

Chính phủ Mỹ ngày 31/3 cảnh báo khả năng dịch bệnh cướp đi sinh mạng của ít nhất 100.000 người tại Mỹ ngay cả khi các biện pháp phòng chống dịch được triển khai toàn diện.

Trong khi đó, hai quan chức thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết một kho dự trữ khẩn cấp trang thiết bị y tế do chính phủ quản lý đã gần hết trang thiết bị bảo hộ.

Theo các quan chức này, những trang thiết bị y tế như mặt nạ, máy thở, găng tay, áo choàng, tấm chắn bảo vệ mặt đã gần cạn kiệt và trong kho chỉ còn lại một lượng nhỏ đồ bảo hộ để dành cho những nhân viên tuyến đầu chống dịch của liên bang./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục