Tiết lộ thông tin bí mật cá nhân của trẻ em bị phạt tới 50 triệu đồng

Theo đề xuất của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em có thể sẽ bị xử phạt hành chính từ 40 đến 50 triệu đồng.
Tiết lộ thông tin bí mật cá nhân của trẻ em bị phạt tới 50 triệu đồng ảnh 1(Ảnh minh họa: Phạm Mai/Vietnam+)

Hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em có thể sẽ bị phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng. Đây là khung xử phạt hành chính cao nhất đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ chăm sóc trẻ em.

Quy định mới này là một trong những nội dung được đưa ra trong dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng và đang lấy ý kiến đến hết ngày 16/5.

[Đưa thông tin trẻ em trên 7 tuổi lên mạng phải được sự đồng ý của trẻ]

Theo dự thảo, hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên hoặc của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ sẽ bị phạt tiền lên tới 50 triệu đồng và buộc phải xin lỗi khi có yêu cầu.

Đây là một trong những quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ chăm sóc trẻ em. Dự thảo cũng đưa đã đưa ra những hình thức xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với mức phạt từ 5-30 triệu đồng.

Các hành vi như: Đưa thông tin cá nhân của trẻ em lên mạng mà không có sử đồng ý của trẻ em từ 7 tuổi trở lên hoặc cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; không cảnh báo hoặc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em; không thực hiện yêu cầu xóa bỏ các thông tin cá nhân của trẻ em khi có yêu cầu; không xây dựng hoặc sử dụng, phổ biến phần mềm, công cụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng…. đều sẽ bị xử phạt theo dự thảo nghị định.

Đặc biệt, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đề xuất phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên môi trường mạng nhưng không có công cụ kiểm soát thời gian, bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng lạm dụng, nghiện trò chơi điện tử. Thậm chí, doanh nghiệp còn có thể bị áp dụng hình phat bổ sung là đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động hoặc tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động từ 3-6 tháng.

Đối với các hành vi vi phạm quy định về cấm cung cấp dịch vụ Internet và các dịch vụ khác; sản xuất, sao chép, lưu hành, vận hành, phát tán, sở hữu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh xuất bản phẩm, đồ chơi, trò chơi và những sản phẩm khác phục vụ đối tượng trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em cũng bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng.

Luật Trẻ em có hiệu lực từ ngày 01/6/2016 có nhiều quy định mới về quyền và nghĩa vụ của đối tượng so với luật cũ. Do đó, dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em được xây dựng để thay thế cho Nghị định số 144/2013/NĐ-CP để đồng bộ những quy định mới vừa được ban hành trong Luật Trẻ em./.

Bảo vệ giới trẻ trước 'cạm bẫy' từ internet. (Nguồn:VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục