Tiết kiệm 3,3 tỷ USD nhờ rút ngắn thủ tục thương mại qua biên giới

Tổng thời gian trung bình thực hiện thủ tục thương mại qua biên giới đối với hàng nhập khẩu năm 2020 là 54,8 giờ, đã giảm 48,88 giờ so với năm 2019.
Tiết kiệm 3,3 tỷ USD nhờ rút ngắn thủ tục thương mại qua biên giới ảnh 1Việc triển khai hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động (VASSCM) giúp giảm thời gian thực hiện các thủ tục giao nhận hàng tại cảng cũng là nguyên nhân giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục thương mại qua biên giới đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. (Ảnh minh họa/Nguồn: TTXVN)

Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết tổng thời gian trung bình thực hiện thủ tục thương mại qua biên giới (bao gồm thời gian thực hiện các thủ tục tại cửa khẩu và thời gian chuẩn bị hồ sơ (theo cách tính của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo Môi trường kinh doanh) đối với hàng xuất khẩu năm 2020 là 38,4 giờ và giảm 57,38 giờ so với năm 2019. Nhờ đó, tổng chi phí trung bình thực hiện thủ tục thương mại qua biên giới đối với hàng xuất khẩu năm 2020 là 338 USD, đã giảm 81,72 USD so với năm 2019.

Bên cạnh đó, tổng thời gian trung bình thực hiện thủ tục thương mại qua biên giới đối với hàng nhập khẩu năm 2020 là 54,8 giờ, đã giảm 48,88 giờ so với năm 2019. Tổng chi phí trung bình thực hiện thủ tục thương mại qua biên đối với hàng nhập khẩu năm 2020 là 313,17 USD, giảm tới 256,41 USD so với năm 2019.

Điện tử hóa các chứng từ trên 90%

Theo phản ánh của doanh nghiệp tại khảo sát của Bộ Tài chính, một trong những nguyên nhân quan trọng giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục thương mại qua biên giới đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là việc điện tử hóa các chứng từ (như các chứng từ kiểm tra chuyên ngành được gửi qua Hệ thống Một cửa quốc gia, áp dụng C/O điện tử), đặc biệt là quy định về nộp chứng từ điện tử trong thực hiện thủ tục hải quan theo Nghị định 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ và Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính. 

Kết quả khảo sát cho thấy 94% doanh nghiệp nhập khẩu và 98% doanh nghiệp xuất khẩu đã áp dụng chứng từ điện tử, điều này đã giúp họ giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hải quan. 

Các doanh nghiệp cũng cho hay việc nộp chứng từ điện tử thay thế chứng từ giấy đã giúp tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí cho việc chuẩn bị hồ sơ cũng như thực hiện thủ tục thông quan (như chi phí in ấn hồ sơ, thời gian và chi phí đi lại của nhân viên làm thủ tục) và thời gian thông quan nhanh cũng giúp doanh nghiêp đẩy nhanh tiến độ công việc, tiết kiệm được nhiều chi phí hơn. 

Mặt khác, việc triển khai hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động (VASSCM) giúp giảm thời gian thực hiện các thủ tục giao nhận hàng tại cảng cũng là nguyên nhân giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục thương mại qua biên giới đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng số tờ khai nhập khẩu năm 2020 của Việt Nam xấp xỉ 6,75 triệu, tờ khai xuất khẩu là 6,98 triệu. Kết quả khảo sát cho thấy thời gian trung bình thực hiện thủ tục thương mại qua biên giới cho mỗi lô hàng tương ứng với một tờ khai (trong năm 2020), các doanh nghiệp xuất-nhập khẩu đã tiết kiệm được tổng cộng khoảng 730,4 triệu giờ, tương ứng với khoảng 981 triệu USD chi phí gián tiếp và khoảng 2,3 tỷ USD chi phí trực tiếp, tổng cộng tiết kiệm được khoảng 3,3 tỷ USD cho hoạt động xuất-nhập khẩu so với năm 2019.

Mục tiêu tăng 10-15 bậc

Trước đó, nhằm triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó giao Bộ Tài chính chủ trì, chịu trách nhiệm đối với chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới với mục tiêu đến năm 2021 tăng từ 10-15 bậc.

Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ công tác liên ngành theo Quyết định 881/QĐBTC ngày 27/5/2019 (bao gồm các thành viên thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam-VAMA, Hiệp hội các doanh nghiệp Logistic Việt Nam-VLA) với nhiệm vụ khảo sát, triển khai các giải pháp nhằm giảm thời gian và chi phí xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao xếp hạng Chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới.

Chỉ số “Giao dịch thương mại qua biên giới” là một cấu phần của bộ chỉ số đánh giá chất lượng Môi trường kinh doanh toàn cầu tại Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business) được Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện thường niên từ năm 2001 đến nay đối với 10 lĩnh vực kinh tế của 190 quốc gia. Chỉ số này đo lường thời gian và chi phí thực hiện toàn bộ quá trình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, đánh giá một cách toàn diện về hoạt động của tất cả các cơ quan liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới bao gồm cơ quan hải quan và các đơn vị liên quan khác (cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị kinh doanh kho bãi cảng, đơn vị vận tải...).

Theo công tác liên ngành, dựa trên trên các tiêu chí và phương pháp của Ngân hàng Thế giới, Tổ công tác đã thực hiện khảo sát ý kiến của doanh nghiệp về thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục thương mại qua biên giới nhằm nắm bắt được chính xác, cụ thể những thuận lợi, khó khăn, những nút thắt trong từng khâu, từng thủ tục của mỗi cơ quan, đơn vị trong toàn bộ quá trình thực hiện thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa. Trên cơ sở đó, Tổ công tác đề xuất các giải pháp cho các bên liên quan nhằm giảm thời gian, chi phí, nâng cao năng lực và cải thiện thứ hạng Chỉ số thương mại qua biên giới của Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục