Vào đầu những năm 2000, các bậc cha mẹ ở Mỹ được khuyến nghị hạn chế cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ăn các loại thực phẩm gây dị ứng phổ biến như lạc và trứng để ngăn ngừa dị ứng.
Tuy nhiên, các nghiên cứu trong những năm gần đây đã phát hiện ra điều ngược lại là việc cho trẻ tiếp xúc sớm với các chất gây dị ứng có thể giúp giảm nguy cơ phát triển dị ứng ở trẻ.
Thông tin trên được Tiến sỹ Debbie Palmer tại Viện nghiên cứu sức khỏe trẻ em Telethon ở Tây Australia đưa ra mới đây.
[Người bị dị ứng thực phẩm có ít nguy cơ mắc COVID-19]
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Tiến sỹ Palmer đang thực hiện 2 dự án nghiên cứu ở Tây Australia nhằm xem xét tác động của chế độ ăn uống của phụ nữ mang thai đối với sự phát triển của bệnh dị ứng.
Bà cho biết rất nhiều trẻ sơ sinh bị dị ứng khi mới sinh và có thể có điều gì đó đã xảy ra khi trẻ còn trong bụng mẹ. Có một sự kết hợp giữa chế độ ăn uống, môi trường, di truyền học, và thật không may, sự kết hợp đó đã đẩy hệ thống miễn dịch đang phát triển của trẻ đến dị ứng.
Nghiên cứu đầu tiên tập trung vào việc nuôi dưỡng vi khuẩn đường ruột tốt ở phụ nữ mang thai bằng cách bổ sung prebiotic, trong khi nghiên cứu thứ hai tập trung xem lượng tiêu thụ trứng và lạc trong thời kỳ mang thai có thể ảnh hưởng đến sự phát triển dị ứng của thai nhi như thế nào.
Tiến sỹ Palmer cho biết thai nhi tiếp xúc với trứng và lạc thông qua người mẹ, điều đó có nghĩa là em bé không tiếp xúc trực tiếp và không thể bị dị ứng.
Theo Tiến sỹ Palmer, cả hai nghiên cứu đang được tiến hành và sẽ giúp cha mẹ hiểu rõ hơn những việc cần làm để giảm khả năng con họ bị dị ứng.
Trong khi đó, bà Preeti Joshi, nhà miễn dịch học về dị ứng nhi khoa, cho biết cách tốt nhất để cho trẻ quen với các thực phẩm gây dị ứng phổ biến là khi trẻ gần 6 tháng tuổi, cha mẹ đưa vào chế độ ăn uống của trẻ những thực phẩm đó, nhưng không được áp dụng đối với trẻ trước 4 tháng tuổi, và duy trì việc cho trẻ ăn thường xuyên những thực phẩm này.
Tiến sỹ Preeti Joshi cho biết nghiên cứu cho thấy phương pháp này đã giúp giảm dị ứng ở một số trẻ em, nhưng không phải tất cả.
Theo bà, cha mẹ không nên lo lắng khi cho trẻ ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng, ngược lại, họ cần bình thường hóa việc ăn uống.
Nhà miễn dịch học này hy vọng bằng cách này có thể giảm tỷ lệ dị ứng thực phẩm ở Australia.
Australia là một trong những nước có tỷ lệ dị ứng thực phẩm cao nhất thế giới, với 10% số trẻ em dưới 1 tuổi bị dị ứng thực phẩm./.