Tiếp viên hàng không, những chuyên gia an toàn trong vai người phục vụ đồ ăn

Tiếp viên hàng không không chỉ đơn giản là những người phục vụ đồ ăn thức uống. Vai trò chính của họ là đảm bảo an toàn cho bạn trong chuyến bay.
Tiếp viên hàng không có mặt trên máy bay là để đảm bảo an toàn cho bạn. (Nguồn: CNN)

Khi một chiếc máy bay chở khách của Japan Airlines va chạm với một máy bay của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Nhật Bản tại sân bay Haneda ở Tokyo hồi đầu tháng trước, trong giây lát chiếc máy bay JAL A350 đã chìm trong biển lửa và những hình ảnh kinh hoàng về vụ cháy trên đường băng nhanh chóng lan truyền khắp mạng xã hội sau đó.

Xem những hình ảnh về vụ cháy máy bay, cựu tiếp viên hàng không Japan Airlines và nhân viên an toàn cabin Mizuki Urano đã “nghĩ đến điều tồi tệ nhất” - “một thảm họa rất lớn.”

Nhưng trong khi năm người trên chiếc máy bay Dash 8 của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản thiệt mạng trong vụ tai nạn, thì trước sự ngạc nhiên của Urano - và cả thế giới - toàn bộ 379 người trên máy bay JAL đều sống sót.

Một cụm từ lan truyền khắp nơi, cả trên các phương tiện truyền thông và trực tuyến: “Đó là một phép màu.” Ý nghĩ này ban đầu thoáng qua trong đầu Urano, nhưng sau đó cựu tiếp viên hàng không này đã suy ngẫm và thay đổi quan điểm của mình.

Urano nói với CNN: “Tôi biết sách hướng dẫn đào tạo và nội dung đào tạo của các thành viên phi hành đoàn Japan Airlines cũng như các khái niệm của họ về an toàn, cũng như niềm đam mê an toàn của họ.” “Tôi nghĩ, 'Ồ, đây không phải là một phép lạ. Đó là kết quả tự nhiên của những nỗ lực của họ.’”

Từ London, tiếp viên hàng không người Anh Kris Major theo dõi vụ va chạm của JAL và hậu quả của vụ việc diễn ra. Trong ca làm việc tiếp theo của anh với hãng hàng không châu Âu nơi làm việc, Major và các đồng nghiệp tiếp viên hàng không của anh đã nói về vụ tai nạn.

Họ khen ngợi phi hành đoàn JAL và cách phi hành đoàn Nhật Bản dường như đã thực hiện quá trình huấn luyện của mình một cách thành thạo.

Major nói với CNN: “Chúng tôi rất tự hào về cách họ đại diện cho những gì chúng tôi làm - và chứng minh những gì chúng tôi làm với mọi người trên thế giới.”

Thường thì bạn sẽ nghĩ các tiếp viên hàng không chỉ đơn giản là những người phục vụ đồ ăn thức uống, nhưng vai trò chính của họ là đảm bảo an toàn.

Vụ tai nạn của JAL là một lời nhắc nhở “kịch tính về mặt hình ảnh” về những sai sót có thể xảy ra trong thế giới hàng không - Major nói - nhưng cũng là một lời nhắc nhở rằng “khi điều tồi tệ xảy ra, bạn vẫn có thể sống sót, nếu bạn làm điều đúng đắn.”

Phi hành đoàn hy vọng vụ va chạm trên đường băng của JAL - cũng như một sự cố khác gần đây trong đó một phần thân máy bay Boeing 737 của Alaska Airlines bị nổ tung giữa chuyến bay và hành khách đã được sơ tán thành công - sẽ khơi dậy một cuộc thảo luận rộng rãi hơn.

Đó có thể là một cuộc thảo luận về quan hệ giữa phi hành đoàn và hành khách, việc hướng dẫn các quy trình an toàn hàng không [trước khi máy bay khởi hành], cũng như nâng cao hiểu biết về thực tế làm việc ở độ cao 30.000 feet (hơn 9.000m).

Tầm quan trọng của việc đào tạo

Tiếp viên hàng không được đào tạo để xử lý mọi việc, từ việc hành khách gây rối và các vụ buôn người tiềm ẩn cho đến khả năng sơ tán máy bay bất ngờ.

Major nói: “Không có nhiều ngành mà bạn đến làm việc vào buổi sáng và dành 15 phút để nói về việc bạn sẽ cứu mạng sống của mọi người và của chính mình như thế nào.”Mặc dù tai nạn máy bay rất hiếm nhưng phi hành đoàn lại chuẩn bị kỹ càng cho các trường hợp khẩn cấp.

Các thành viên phi hành đoàn phải trải qua quá trình huấn luyện nghiêm ngặt. (Nguồn: CNN)

Trong 25 năm kinh nghiệm làm việc với các hãng hàng không châu Âu của Major, trước mỗi chuyến bay, anh đều gặp các thành viên còn lại của phi hành đoàn để tóm tắt về an toàn trên chuyến bay, trao đổi về “một loạt các trường hợp khẩn cấp và diễn tập cũng như cách chúng tôi sẽ đối phó với các trường hợp khẩn cấp và sơ tán.”

Major cho biết đây là tiêu chuẩn toàn ngành và thường diễn ra trong phòng phi hành đoàn của sân bay hoặc trên máy bay, trước khi hành khách lên máy bay.

Sau đó, khi các thành viên phi hành đoàn ngồi vào chỗ để cất cánh và hạ cánh, Major cho biết họ phải ngồi đó và “nghĩ cách họ sẽ sơ tán máy bay như thế nào, mọi lúc.” Anh gọi đây là “giai đoạn quan trọng của chuyến bay.”

Major cho biết tất cả phi hành đoàn đều được đào tạo để xử lý các trường hợp khẩn cấp bất ngờ, nhưng anh cũng thừa nhận luôn có sự khác biệt giữa giả định và thực tế. Anh khen ngợi phi hành đoàn JAL vì những quyết định nhanh nhạy và rõ ràng của họ dưới áp lực vào ngày 2/1 vừa qua.

Truyền đạt thông điệp an toàn

Cùng với việc học các công việc hậu cần để mở lối thoát hiểm khẩn cấp và xuống máy bay bằng cầu trượt sơ tán, tiếp viên cũng học các kỹ năng giao tiếp chuyên nghiệp. Đưa ra hướng dẫn một cách rõ ràng và bình tĩnh cũng như đảm bảo du khách tuân thủ là điều quan trọng để tiến hành sơ tán thành công.

Theo Urano, việc truyền đạt các hướng dẫn sẽ dễ dàng hơn nếu hành khách biết rằng phi hành đoàn là những chuyên gia về an toàn.

“Tôi không muốn mọi người nghĩ rằng việc sơ tán thành công vừa qua là do tâm lý người Nhật hay văn hóa Nhật Bản” - Urano nói, đề cập đến vụ tai nạn JAL ngày 2/1.

“Nếu hành khách biết thành viên phi hành đoàn là những chuyên gia an toàn ngay từ khi lên máy bay, có thể họ sẽ nghĩ rằng tốt hơn nên làm theo hướng dẫn của phi hành đoàn trong trường hợp khẩn cấp.”

Tầm quan trọng của việc bỏ lại hành lý

Đối với Japan Airlines, thông điệp rằng phi hành đoàn là chuyên gia về an toàn được truyền tải qua video về an toàn trên chuyến bay của hãng hàng không.

Đoạn video trực tiếp, đơn giản nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân theo mệnh lệnh của phi hành đoàn và hành khách để lại đồ đạc của họ trong trường hợp sơ tán. Thông qua hình ảnh động, video cho thấy việc hành khách cố gắng mang vali có bánh xe xuống lối đi máy bay và lên cầu trượt sơ tán khẩn cấp sẽ làm trì hoãn việc sơ tán và có khả năng gây thương tích như thế nào.

Một bảng hướng dẫn an toàn trong chuyến bay. (Nguồn: CNN)

Sau vụ tai nạn của JAL, video này đã được “cư dân mạng” khen ngợi rộng rãi vì thông điệp rõ ràng của nó dường như đã có tác dụng. Trong video quay cảnh những người “thoát khỏi địa ngục” ngày 2/1, không hề thấy hành lý xách tay.

Quan hệ hành khách-phi hành đoàn

Trên các chuyến bay ngắn trên máy bay nhỏ hơn, các hãng hàng không thường dựa vào các chỉ dẫn an toàn hoàn toàn “thủ công” do tiếp viên hướng dẫn.

“Cho dù bạn được đào tạo bài bản đến đâu, bạn cũng không thể buộc mọi người phải chú ý” - Major nói. Anh đã quen với việc “cả biển hành khách” tập trung vào những thiết bị cầm tay hoặc chỉ đảo mắt khi nghe phần hướng dẫn về an toàn [trên cabin].

“Bạn không thể bắt mọi người làm bất cứ điều gì” - anh nói. “Mặc dù nếu mọi người đang gây mất tập trung - nếu họ nói chuyện ồn ào và khiến người khác lắng nghe không nghe được - chúng tôi sẽ lịch sự yêu cầu họ giữ trật tự."

Major cho biết đôi khi các “màn trình diễn thủ công” [về an toàn bay] của các tiếp viên hàng không cũng bị “chế giễu.” Đã có trường hợp “một nhóm thanh niên pha trò và cười nhạo bạn khi bạn quàng áo phao quanh cổ.”

Tuy nhiên, Major cho biết thêm rằng có lý do khiến các tiếp viên hàng không mặc áo phao khi họ đi lại trong cabin trong quá trình kiểm tra an toàn lần cuối. “Không, không phải họ quên cởi áo phao - mà để hành khách có thể quan sát kỹ hơn xem áo phao hoạt động như thế nào và nó được buộc ở đâu trên thắt lưng.”

Urano cho biết những khó khăn liên quan đến việc thu hút và giữ sự chú ý của hành khách là “thách thức rất lớn đối với ngành hàng không.”

Cô thừa nhận: “Gần như không thể thu hút sự chú ý của tất cả hành khách khi thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến an toàn. Đó là lý do vì sao việc nâng cao nhận thức của hành khách thực sự quan trọng. Chúng tôi muốn hành khách quan tâm đến các thông điệp an toàn.”

Một ý tưởng mà Urano ủng hộ là bổ sung nội dung liên quan đến an toàn vào hệ thống giải trí trên chuyến bay để hành khách có thể tìm hiểu thêm bất kỳ lúc nào trong chuyến bay của họ. Cô cũng gợi ý chuyển thông tin an toàn cho hành khách trong lúc họ đang đợi ở cửa [lên máy bay].

Tầm quan trọng của sự chú ý

Major nhắc lại rằng “khả năng có mặt trong một sự kiện như (vụ tai nạn của JAL) là rất, rất hiếm.”

“Nhưng chúng ta không thể lựa chọn khả năng đó” - anh nói. “Chúng ta phải hiểu rằng đó có thể là chúng ta, vào ngày hôm nay. Chúng ta không thể chủ quan dưới bất kỳ hình thức nào.”

Phi hành đoàn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe hướng dẫn an toàn, vì mỗi máy bay đều có "cấu hình" khác nhau. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phi hành đoàn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi các phần trình diễn về an toàn hàng không ngay cả khi bạn đã bay hàng chục lần trước đó - vì mỗi máy bay và hãng hàng không đều có “cấu hình” khác nhau.

Tiếp viên hàng không người Mỹ Rich Henderson cho biết với tư cách là thành viên phi hành đoàn, anh không thể nào quen thuộc hơn với các phần hướng dẫn quy trình an toàn hàng không.

“Nhưng ngay cả với tư cách là một tiếp viên hàng không, khi phần trình diễn về an toàn đang diễn ra, tôi đặt cuốn sổ và điện thoại của mình xuống và chú ý - bởi vì khi đó mọi người xung quanh tôi cũng sẽ chú ý” - anh nói và lưu ý rằng “mọi người thường bắt đầu cùng dừng lại để chú ý chỉ trong giây lát.”

Major nói rằng điều quan trọng cần nhớ là máy bay là “môi trường an toàn tuyệt vời, một trải nghiệm thú vị cho hầu hết mọi người” nhưng “sau cùng, bạn đang bay trên bầu trời với tốc độ 500 dặm (hơn 800km) một giờ.

“Rất hiếm khi xảy ra sai sót nhưng nếu có điều không ổn xảy ra, bạn muốn đặt mình vào cơ hội sống sót cao nhất. Và chỉ mất hai phút để xem phần trình diễn an toàn và lắng nghe phi hành đoàn. Chỉ cần lắng nghe phi hành đoàn trong hai phút thôi.”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục