Tiếp tục xây dựng cộng đồng châu Á-TBD tự cường, thịnh vượng

Nhận lời của Thủ tướng Malaysia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27 theo hình thức trực tuyến ngày 20/11, hoạt động quan trọng nhất của Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 27.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 27 theo hình thức trực tuyến vào ngày 20/11, hoạt động quan trọng nhất của Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 27.

Vì một tương lai tự cường, thịnh vượng chung

Kể từ khi thành lập năm 1989, qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, APEC tiếp tục khẳng định là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu, khởi xướng và đi đầu thúc đẩy xu thế tự do hóa kinh tế, thương mại, đầu tư trong khu vực và trên thế giới, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương.

Hợp tác APEC tập trung vào 3 trụ cột chính: Tự do hóa thương mại và đầu tư; thuận lợi hóa kinh doanh; hợp tác kinh tế-kỹ thuật. Cam kết xuyên suốt, quan trọng nhất đến nay của APEC, được thông qua tại Hội nghị Cấp cao lần thứ hai vào năm 1994 tại Indonesia là hoàn thành các Mục tiêu Bogor về thương mại, đầu tư tự do và mở đối với các nền kinh tế thành viên phát triển vào năm 2010 và các nền kinh tế thành viên đang phát triển vào năm 2020.

Trong số 21 thành viên APEC, có 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới, 9 thành viên Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) và nhiều nền kinh tế mới nổi, phát triển năng động, đại diện khoảng 39% dân số thế giới, đóng góp 59% GDP, 49% thương mại toàn cầu.

APEC hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, tự nguyện, không ràng buộc; không có Hiến chương hay điều lệ. APEC dùng khái niệm "nền kinh tế;" lãnh đạo Cấp cao của các thành viên được gọi chung là các nhà Lãnh đạo kinh tế.

Hoạt động hàng năm của APEC gồm: Hội nghị Cấp cao; Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế; các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành về thương mại, tài chính, doanh nghiệp nhỏ và vừa và các lĩnh vực khác như cải cách cơ cấu, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, an ninh lương thực, phụ nữ và kinh tế, y tế, năng lượng, giao thông vận tải, thông tin và truyền thông...; 5 Hội nghị Quan chức Cao cấp, cùng nhiều hội nghị, hội thảo của các Ủy ban, Nhóm công tác và các cơ chế cấp làm việc khác thuộc các kênh chính phủ, học giả và doanh nghiệp.

Để chuẩn bị cho Diễn đàn bước vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến nhanh và sâu sắc dưới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hiện APEC đang triển khai các chiến lược, chương trình hợp tác lớn gồm: Chiến lược tăng trưởng chất lượng đến 2020, Chương trình nghị sự mới về cải cách cơ cấu đến 2020, Lộ trình cạnh tranh dịch vụ đến 2025, Kế hoạch kết nối tổng thể đến 2025, Chương trình nghị sự phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội đến 2030, Khuôn khổ phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số đến 2025.

Các thành viên đã tích cực trao đổi xây dựng tầm nhìn APEC đến năm 2040 nhằm góp phần duy trì vai trò của khu vực là động lực tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vị thế diễn đàn kinh tế hàng đầu ở châu Á-Thái Bình Dương, định hướng các hoạt động hướng tới người dân, doanh nghiệp hơn nữa.

Trong vai trò chủ nhà, Malaysia đề xuất chủ đề của năm APEC 2020 "Tận dụng tiềm năng con người vì một tương lai tự cường, thịnh vượng chung" và tập trung vào 3 ưu tiên: Cải thiện thương mại và đầu tư; kinh tế bao trùm thông qua kỹ thuật và kinh tế số; thúc đẩy bền vững sáng tạo.

Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt đối với APEC, là năm hoàn tất thực hiện các Mục tiêu Bogor và thông qua Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Các thành viên đề cao vai trò của APEC, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng Tầm nhìn sau năm 2020.

Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 27 gồm các hoạt động chính: Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 27, dự kiến thông qua 2 văn kiện là Tuyên bố Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 27 và Tuyên bố về Tầm nhìn APEC sau năm 2020…

[Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27]

Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế lần thứ 31 sẽ bàn về các nội dung: Thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực, trong đó ủng hộ thương mại toàn cầu, hệ thống thương mại đa phương; thúc đẩy thương mại và đầu tư mở và tự do; liên kết kinh tế khu vực. Các biện pháp và sáng kiến hợp tác nhằm ứng phó COVID-19 và phục hồi kinh tế, nhất là hướng thúc đẩy triển khai Tầm nhìn APEC sau năm 2020 sau khi được các Nhà Lãnh đạo thông qua…

Hội nghị Tổng kết các Quan chức cao cấp APEC sẽ thảo luận và thông qua báo cáo thường niên của Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI), Ủy ban Kinh tế (EC), Ủy ban chỉ đạo của các quan chức cao cấp APEC về hợp tác kinh tế kỹ thuật (SCE); cũng như các báo cáo quan trọng khác của các Nhóm công tác.

Hội nghị Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC dự kiến giới thiệu Chủ đề và các Ưu tiên của Năm APEC 2021; tổng kết các kết quả đạt được trong năm 2020, giới thiệu Kế hoạch hoạt động của Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) trong năm 2021...

Việt Nam đóng góp chủ động, tích cực và trách nhiệm

Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC vào tháng 11/1998, tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Điều đó đánh dấu bước triển khai mạnh mẽ chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, tạo động lực cho tiến trình đổi mới và hội nhập của đất nước trong những năm qua.

Tham gia APEC góp phần quan trọng nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Là thành viên APEC, Việt Nam có vai trò, tiếng nói ngang hàng với nhiều trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới trong việc xây dựng, định hình các luật lệ, quy tắc về kinh tế, thương mại khu vực.

Tham gia "sân chơi" APEC tạo tiền đề để Việt Nam tham gia vào những "sân chơi" rộng lớn và có mức độ cam kết cao hơn như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao. Việc thực hiện các cam kết quốc tế cũng là đòn bẩy để hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm khiết, kiến tạo, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Việt Nam là một trong số không nhiều thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017.

Với vai trò chủ nhà năm APEC 2006, Việt Nam đã thúc đẩy thực chất quan hệ song phương với nhiều đối tác chủ chốt, đặc biệt là qua các chuyến thăm của các nhà Lãnh đạo Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Chile trong dịp Hội nghị Cấp cao APEC 2006.

Kết quả của Năm APEC 2006 với tinh thần ‘Hướng tới một cộng đồng năng động vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng" đã góp phần tạo thêm xung lực đẩy mạnh hợp tác APEC theo hướng hiệu quả và năng động hơn.

Sau 11 năm, Việt Nam tiếp tục được các thành viên tín nhiệm lựa chọn đăng cai APEC lần thứ hai. Thành công của các chuyến thăm song phương mang tính lịch sử và hàng chục cuộc hội đàm, tiếp xúc song phương dịp Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tiếp tục đặt nền móng nâng tầm quan hệ song phương của Việt Nam với nhiều đối tác trong khu vực. Việt Nam đã tổ chức thành công xuất sắc Năm APEC 2017 với gần 250 sự kiện, đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao lần thứ 25 tại thành phố biển Đà Nẵng năng động và hiện đại.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dự Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC lần thứ 31 tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Với chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung," Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các thành viên thúc đẩy nhiều nội dung hợp tác lớn, khơi dậy những động lực mới cho tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, đẩy mạnh tự do hóa thương mại, đầu tư và kết nối khu vực, củng cố vai trò lãnh đạo của APEC trong quản trị kinh tế thương mại toàn cầu và ứng phó với các thách thức chung.

Vai trò và đóng góp của Việt Nam được đặc biệt đề cao khi Việt Nam chủ trì khởi xướng thảo luận về xây dựng Tầm nhìn mới cho Diễn đàn APEC sau năm 2020.

Bên cạnh đó, dấu ấn Việt Nam còn thể hiện qua thành công của Đối thoại lần đầu tiên giữa Lãnh đạo APEC với ASEAN và việc Việt Nam đóng góp tích cực thúc đẩy hình thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong dịp Tuần lễ Cấp cao Đà Nẵng.

Thành công và sức hút Việt Nam cũng được thể hiện qua những kỷ lục về sự tham gia và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong dịp Tuần lễ Cấp cao, nổi bật là Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC, với sự tham dự của hơn 2.100 doanh nghiệp hàng đầu thế giới và khu vực, Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực. Nhiều sáng kiến do Việt Nam đề xuất được đánh giá thiết thực, đáp ứng sự quan tâm chung, nhất là về phát triển bao trùm, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, phát triển nông thôn và đô thị…

Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong công tác điều hành hoạt động của APEC thông qua đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC (năm 2005-2006), Chủ tịch/Phó Chủ tịch nhiều Ủy ban và nhiều Nhóm công tác chủ chốt. Riêng trong giai đoạn 2016-2018, Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch 18 Ủy ban, Nhóm công tác của APEC và Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC (ABAC), được các thành viên đánh giá cao.

Đặc biệt, trong Năm APEC 2017, doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp trí tuệ, công sức và trực tiếp tham gia nhiều hoạt động, khẳng định sự trưởng thành, năng lực hội nhập, vai trò và trách nhiệm đối với hợp tác APEC cũng như liên kết kinh tế khu vực.

Năm 2020, Việt Nam tham gia Diễn đàn APEC với vị thế được nâng cao, đặc biệt trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam tích cực ủng hộ, chủ động phối hợp chặt chẽ với chủ nhà Malaysia và các thành viên bảo đảm giữ đà hợp tác APEC trong bối cảnh hợp tác APEC bị ảnh hưởng và gián đoạn do dịch bệnh bùng phát, thúc đẩy để các Hội nghị APEC ra được Tuyên bố chung, khẳng định tinh thần hợp tác APEC.

Trong năm 2020, Việt Nam đã tích cực tham gia, đóng góp tại gần 100 cuộc họp, hội nghị của APEC được tổ chức (cả hình thức trực tiếp và trực tuyến), nhất là tham dự 9 hội nghị, đối thoại cấp Bộ trưởng. Việt Nam đồng thời chủ động, tích cực tham gia và đóng góp xây dựng nhiều văn bản định hướng hợp tác quan trọng của APEC như Tầm nhìn APEC sau 2020 (đây là một trong những đề xuất quan trọng của Việt Nam, Việt Nam cũng đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Nhóm Xây dựng Tầm nhìn APEC), Tầm nhìn năng lượng APEC sau 2020, Chương trình cải cách cơ cấu APEC giai đoạn 2021-2025 (với vai trò Trưởng nhóm công tác), các Tuyên bố hội nghị, cũng như các báo cáo quan trọng khác.

Trong năm 2020, Việt Nam tham gia đóng góp trong các hoạt động đa phương nói chung và APEC nói riêng với vị thế gia tăng. Nhằm triển khai chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ 12 về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đóng góp định hình các thể chế đa phương và Chỉ thị của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng APEC trên chặng đường phát triển sắp tới, chung tay xây dựng tầm nhìn chiến lược về cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, sáng tạo, gắn kết và thịnh vượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục