Tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển các công trình thủy lợi

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết trong định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vốn đầu tư cho thủy lợi dù đã được điều chỉnh giảm nhưng vẫn là lĩnh vực được ưu tiên nhất.
Tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển các công trình thủy lợi ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết trong định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vốn đầu tư cho thủy lợi dù đã được điều chỉnh giảm nhưng vẫn là lĩnh vực được ưu tiên nhất.

Tổng vốn đầu tư cho thủy lợi trong giai đoạn năm 2011-2014 là hơn 28.800 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 79% đầu tư toàn ngành.

Số vốn này được phân bổ đầu tư cho thủy lợi theo hướng đa chức năng để phục vụ nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, cung cấp nước cho dân sinh và sản xuất công nghiệp. Trong đó, nuôi trồng thủy sản được ưu tiên đầu tư phát triển bên cạnh việc xây dựng các dự án công trình thủy lợi đầu mối, hệ thống đê điều và an toàn hồ chứa.

Cùng với đó, Bộ cũng ưu tiên vốn nhiều hơn cho nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng công trình; phát triển thủy lợi nhỏ kết hợp với thủy điện ở khu vực miền núi; hỗ trợ áp dụng các phương pháp tưới tiết kiệm nước và nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các công trình thủy lợi.

Trong giai đoạn tiếp theo (2016-2020), Bộ sẽ tiếp tục đầu tư vào các công trình thủy lợi đa mục tiêu chuyển tiếp từ giai đoạn trước, đồng thời nâng cấp các hệ thống thủy lợi liên tỉnh, đảm bảo an toàn các hồ chứa nước lớn, có tập trung dân cư.

Ưu tiên đầu tư thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ; tưới cây công nghiệp ở Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Trung du miền núi phía Bắc.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay, cả nước đã xây dựng được 110 hệ thống thủy lợi vừa và lớn (diện tích tưới trên 2.000ha); trên 6.500 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 560 hồ chứa lớn (dung tích trữ lớn hơn 3 triệu m3 nước); 1.000km kênh trục lớn, 5.000 cống tưới, tiêu lớn để phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về cấp thoát nước phục vụ công nghiệp và dân sinh.

Tổng năng lực tưới hệ thống thủy lợi đến năm 2013 đạt 3,52 triệu ha đất canh tác, đảm bảo tưới cho 7,26 triệu ha lúa (tăng 360.000ha so với năm 2010).

Bên cạnh đó, các công trình thủy lợi còn phục vụ tưới cho khoảng 1,5 triệu ha rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày, tiêu thoát nước cho hơn 1,75 triệu ha đất nông nghiệp.

Trong giai đoạn 2011-2014, nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn ở miền Trung, Tây Nguyên, Trung du miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long đã được đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả như hồ Rào Đá (Quảng Bình) phục vụ tưới 5.900ha; hệ thống tưới Phan Rí-Phan Thiết (Bình Thuận) tưới 13.000 ha; hệ thống thủy lợi Đá Hàn (Hà Tĩnh) tưới 2.700ha.

Ngoài ra, các công trình đã hoàn thành hợp phần đầu mối, bước đầu phát huy được hiệu quả trữ nước phục vụ cấp nước và chống lũ như hồ Cửa Đạt (Thanh Hóa), cống Đò Điểm (Hà Tĩnh), hồ Tả Trạch (Thừa Thiên-Huế), hệ thống thủy lợi Sông Ray (Bà Rịa-Vũng Tàu)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục