Ngày 18/12, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo công bố tiến độ triển khai Đề án Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng điểm trong năm 2024 và 2025, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng.
Bà Trần Diệu An, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) đã thông tin Đề án Tổng kiểm kê tài sản công (Đề án 213) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 1/3/2024, dựa trên Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 53/NQ-CP của Chính phủ. Mục tiêu của tổng kiểm kê là nắm bắt thực trạng tài sản công về số lượng, giá trị, cơ cấu và hiện trạng sử dụng, làm cơ sở hoàn thiện chính sách, pháp luật, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và lập báo cáo tài chính Nhà nước.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công
Quan tâm đến việc chống lãng phí trong bộ máy công quyền, đại biểu nhấn mạnh, bài viết của Tổng Bí thư về chống lãng phí đã đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp.
Đối tượng kiểm kê bao gồm tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định (trừ tài sản đặc biệt tại lực lượng vũ trang và tài sản bí mật Nhà nước) và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý. Cụ thể, tài sản kết cấu hạ tầng bao gồm các lĩnh vực giao thông (đường sắt, đường bộ, hàng không, đường thủy nội địa, hàng hải), cấp nước sạch, thủy lợi, thương mại (chợ, cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung), ứng phó biến đổi khí hậu (đê điều), cảng cá, thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, và không gian xây dựng ngầm đô thị. Thời điểm chốt số liệu kiểm kê là 0 giờ ngày 1/1/2025.
Theo bà Trần Diệu An, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều hoạt động quan trọng, bao gồm ban hành kế hoạch triển khai, xây dựng phần mềm, biểu mẫu, chỉ tiêu kiểm kê, tổ chức tập huấn cho các bộ, ngành, địa phương, và tăng cường công tác tuyên truyền. Đến nay, Bộ Tài chính đã tiến hành kiểm kê thử nghiệm tại 2 Bộ (Tài chính, Giao thông Vận tải) và 6 địa phương (Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bắc Kạn, Quảng Ninh).
Báo cáo của Bộ Tài chính ghi nhận hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo, ban hành kế hoạch và hoàn thành tập huấn nghiệp vụ. Nhiều địa phương đã gắn kết quả kiểm kê với đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị và cán bộ, công chức. Sự tham gia tích cực của lãnh đạo các cấp, đặc biệt là tại một số địa phương như Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Bắc Giang, Đắk Lắk, Hòa Bình... cho thấy sự quan tâm và quyết tâm cao trong việc thực hiện nhiệm vụ này.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho hay đây là lần đầu tiên Tổng kiểm kê tài sản công được thực hiện với quy mô lớn trên toàn quốc (khoảng 100.000 đơn vị) với nhiều loại tài sản khác nhau. Thời gian triển khai trùng với nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, trong khi nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về tầm quan trọng của công tác này còn chưa đầy đủ.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tân Thịnh chia sẻ kế hoạch tiếp theo của Đề án 213 sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị đến 31/12/2024 và kiểm kê đến 31/3/2025. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương sẽ báo cáo kết quả về Bộ Tài chính đến 15/6/2025. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính tổng hợp và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến 31/7/2025.
“Bộ Tài chính kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo Tổng kiểm kê tài sản công được thực hiện thành công, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước,” ông Thịnh cho biết.