Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về lao động, việc làm

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã dành thời gian trả lời các cơ quan Thông tấn, báo chí về điểm sáng trong công tác lao động, việc làm, giảm nghèo, bảo hiểm xã hội.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Nhân dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã dành thời gian trả lời các cơ quan Thông tấn, báo chí về điểm sáng trong công tác lao động, việc làm, giảm nghèo, bảo hiểm xã hội trong năm qua và các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

- Bộ trưởng có thể đánh giá một cách tổng quát nhất về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong năm 2015, đâu là điểm sáng đáng chú ý nhất trong giai đoạn vừa qua?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Năm 2015 là thời điểm quan trọng cho việc đánh giá triển khai công tác của ngành trong cả nhiệm kỳ.

Thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ giao, với sự quyết tâm trong lãnh đạo, điều hành, sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức, người lao động trong ngành, sự phối hợp tích cực của các cơ quan Trung ương và địa phương, các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ​ngành nhiệm kỳ 2011-2015 đều cơ bản hoàn thành, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chung của cả nước.

Những kết quả để lại dấu ấn trong năm 2015 và cho cả nhiệm kỳ mà ​ngành đã nỗ lực đạt được là​ đây là năm đặt dấu mốc quan trọng cho cả nhiệm kỳ trong việc hoàn thiện chính sách an sinh xã hội từ góc độ tiếp cận quyền của con người.

Giải quyết việc làm trong nước được chú trọng, thị trường lao động ngày càng phát triển, lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng mạnh với chất lượng đưa đi ngày càng cao, thị trường được mở rộng.

Trong 5 năm, cả nước đã tạo việc làm cho trên 7,8 triệu lao động. Riêng năm 2015 cả nước tạo việc làm cho 1.625 nghìn lao động, đạt 101,6% kế hoạch năm, tăng 1,6% so với thực hiện năm 2014. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị dưới 4%, đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm.

Bên cạnh đó, ngành đã thực hiện tốt chính sách tiền lương, cải thiện quan hệ lao động, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và tăng cường an toàn vệ sinh lao động.

Từ năm 2013 đến nay, nhờ hoạt động có hiệu quả của Hội đồng Tiền lương Quốc gia trong cải thiện cơ chế xác định tiền lương tối thiểu theo nguyên tắc thị trường và hội nhập, mức lương tối thiểu vùng năm 2015 đã tăng gần 2,2 lần so với năm 2011.

Thu nhập bình quân/tháng của người lao động năm 2015 tăng 1,8 triệu đồng so với năm 2011. Nhờ đó, quan hệ lao động trong giai đoạn 2011​-2015 cũng được cải thiện, số vụ đình công trên cả nước tính đến hết tháng 10/2015 (245 vụ  giảm xuống còn 25% so với năm 2011 (885 vụ). Đời sống của người lao động ngày càng được nâng cao.

Dạy nghề từng bước gắn với nhu cầu thị trường lao động, chủ động chuẩn bị góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có đủ sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.

Kết quả, dạy nghề trong 5 năm đạt khoảng 8,6 triệu người, tăng hơn 3 lần so với giai đoạn trước, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo cả nước lên 51,6% vào cuối năm 2015, tăng 11,6% so với cuối năm 2010.

Tỷ lệ sinh viên, học sinh học nghề tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 70% chứng tỏ dạy nghề đã tiếp cận và gắn dần với thị trường lao động.

Để chuẩn bị cho hội nhập, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ phê duyệt 45 trường nghề chất lượng cao; có đề án hỗ trợ các trường có đủ điều kiện để đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường; báo cáo Chính phủ nhập các giáo trình của khu vực và hỗ trợ trên 20 trường đào tạo về ngoại ngữ và sử dụng bộ giáo trình mới.

Công tác đào tạo nghề đã ghi được dấu ấn trong các Kỳ thi tay nghề khu vực và thế giới, mà điểm nhấn là lần đầu tiên, học sinh Việt Nam đã giành được Huy chương Đồng tại Kỳ thi nghề thế giới được tổ chức năm 2015…

Đời sống vật chất và tinh thần người có công và gia đình người có công với cách mạng được bảo đảm và ngày càng nâng cao. Cả nước hiện có 8,8 triệu người có công, trong đó có trên 1,4 triệu người có công được hưởng các chế độ trợ cấp thường xuyên.

Thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đến nay, đối tượng người có công hưởng chính sách ưu đãi tăng cả về số lượng và mức hưởng.

Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi đã tăng lên 71,2% so với năm 2010. Tổng kinh phí thực hiện chính sách đối với người có công tăng từ 20 ngàn tỷ năm 2011 lên gần 32 ngàn tỷ đồng năm 2015. Việc triển khai thực hiện chính sách bảo đảm đúng và đủ tới đối tượng được hưởng.

Đây cũng là nhiệm kỳ huy động được nhiều nguồn lực, khơi dậy được sự tham gia, đóng góp của cộng đồng chung tay chăm sóc người có công với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Trong 5 năm, cả nước đã huy động trên 1.250 tỷ đồng xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa; xây mới khoảng 46​.000 nhà tình nghĩa, sửa chữa trên 43​.000 nhà với trên 10,6 nghìn tỷ đồng; gần 11​.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng...

Trong hai năm 2014-2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng với kết quả trên 2 triệu người được rà soát.

Qua đó, đã kịp thời xem xét, giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, giải quyết tồn đọng chính sách cho 10.682 trường hợp.

Thành tựu về giảm nghèo của Việt Nam luôn là điểm sáng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân khoảng 2% mỗi năm, từ 14,2% (cuối năm 2010) xuống dưới 4,5% (năm 2015); riêng các huyện nghèo giảm khoảng 6% mỗi năm, từ 58,3% xuống còn 28%.

Thực hiện quyết tâm giảm nghèo bền vững theo hướng tiếp cận mới được cộng đồng quốc tế khuyến nghị, năm 2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đơn chiều sang nghèo đa chiều làm cơ sở để nhận dạng đối tượng nghèo chính xác, cụ thể hơn, qua đó có giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn nhu cầu và đặc tính của hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Hiệu quả công tác trợ giúp xã hội được nâng cao, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng dần mức trợ cấp. Nhờ đổi mới chính sách trợ giúp xã hội theo hướng tiếp cận về quyền của đối tượng, đối tượng thụ hưởng ngày càng được mở rộng; mức chuẩn trợ cấp xã hội tăng từ 180 lên 270.000 đồng.

Kinh phí trợ giúp xã hội được huy động ngày càng đa dạng, theo hướng xã hội hóa, huy động tối đa nguồn lực từ cộng đồng. Quản lý nhà nước về trẻ em từng bước hoàn thiện, quyền trẻ em được bảo đảm, xã hội hóa bảo vệ, chăm sóc trẻ em đạt kết quả cao; công tác Bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đạt nhiều kết quả tích cực; Công tác cai nghiện phục hồi, phòng chống mại dâm được quan tâm chỉ đạo thực hiện.

- Năm 2016, Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng kinh tế Asean (AEC), người lao động Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội và thách thức khi tham gia thị trường lao động chung của 10 quốc gia trong khu vực. Đứng ở góc độ cơ quan chức năng về lao động việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ có những giải pháp về chính sách gì để hỗ trợ cho người lao động tham gia sân chơi này, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Sau khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, lao động Việt Nam làm việc trong 8 ngành nghề gồm kế toán, kỹ sư, khảo sát, kiến trúc, điều dưỡng, dịch vụ y tế, dịch vụ nha khoa và du lịch có nhu cầu đi làm việc tại các nước trong khối sẽ có thêm nhiều cơ hội, như người lao động có thêm nhiều cơ hội tìm được việc làm hợp pháp cho mình, không chỉ ở trong nước mà mở rộng phạm vi ra cả 9 nước ASEAN trong khu vực, ngoài thị trường truyền thống như Malaysia, Singapore còn tìm được việc làm tại các quốc gia như Thái Lan, Philippines; có thể tìm được việc làm đúng và phù hợp với ngành nghề được đào tạo. Thông qua tìm được việc làm phù hợp, người lao động có cơ hội nâng cao kiến thức và tay nghề.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng kéo theo nhiều thách thức​. Trong thị trường lao động chung của 10 quốc gia ASEAN, lao động Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn hơn từ lao động nước sở tại và các nước khác có nhu cầu tìm việc trên cùng thị trường.

Mỗi nước trong khu vực sẽ thiết lập hàng rào kỹ thuật riêng để hạn chế dòng lao động nước ngoài không đủ điều kiện và bảo hộ lao động trong nước nên không dễ dàng để lao động tự do di chuyển.

Tình trạng di cư tự do ra nước ngoài bằng visa du lịch và lưu trú tìm việc làm bất hợp pháp sẽ xảy ra nếu các nước không có biện pháp quản lý chặt chẽ. So với một số nước trong khu vực, trình độ kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ, kỷ luật lao động Việt Nam còn thấp.

Để hỗ trợ cho người lao động Việt Nam khi gia nhập thị trường ASEAN, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề ra các giải pháp​ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người lao động về việc tự do di chuyển tìm việc làm trong khối ASEAN; nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động nhằm tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài có trình độ kỹ năng nghề, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật và kiến thức cần thiết khác phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động.

Bên cạnh đó, Bộ tổ chức định hướng và tư vấn để người lao động có lựa chọn phù hợp về thị trường lao động; hợp tác chặt chẽ với các nước trong khối để ký kết các th​ỏa thuận về công nhận tay nghề tương đương (MRA), tạo thuận lợi cho việc tự do di chuyển và quyền tự do làm việc tại các nước trong khu vực; nghiên cứu đưa đối tượng lao động di chuyển tự do vào đối tượng điều chỉnh của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

- Thời gian qua, mặc dù nhà nước đã ban hành nhiều chính sách giải quyết chế độ cho lực lượng thanh niên xung phong, nhưng đến nay, do nhiều nguyên nhân nên nhiều thanh niên xung phong vẫn chưa được giải quyết chế độ thỏa đáng. Trong khi đó hầu hết cựu thanh niên xung phong tuổi đã cao, nhiều người sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Bộ trưởng có thể cho biết Bộ có kế hoạch gì để đẩy nhanh việc giải quyết chế độ cho lực lượng thanh niên xung phong?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Chế độ chính sách đối với thanh niên xung phong được ban hành từ rất sớm, ngày 14/4/1999, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về một số chính sách đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Sau hơn 10 năm thực hiện đã có trên 96.000 thanh niên xung phong được hưởng chế độ.

Ngày 27/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg. Từ năm 2012 đến tháng 4/2015 trên 61.000 thanh niên xung phong được hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg. Đến nay, có khoảng 159.000 thanh niên xung phong đã được hưởng trợ cấp theo hai Quyết định trên (trên 151.000 người hưởng trợ cấp một lần và hơn 7.000 người hưởng trợ cấp hàng tháng).

Trên cơ sở sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg nâng mức trợ cấp hàng tháng đối với thanh niên xung phong.

Đến nay đã có một số lượng lớn thanh niên xung phong được thụ hưởng chính sách của Nhà nước​ như gần 60.000 người bị thương được hưởng chính sách như thương binh, khoảng 6.000 thanh niên xung phong hy sinh được xác nhận là liệt sỹ, hàng ngàn thanh niên xung phong hoạt động ở địa bàn Mỹ rải điôxin và con đẻ của họ đã hưởng chế độ bị nhiễm chất độc hóa học (lực lượng này không nằm trong 159.000 thanh niên xung phong được hưởng chế độ theo Quyết định 40/2011/QĐ-TTg).

Ngày 22/10/2013, Liên Bộ Lao động​-Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư liên tịch số 28 hướng dẫn xác nhận liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ (trong đó có lực lượng thanh niên xung phong).

Để đẩy nhanh tiến độ giải quyết chế độ cho thanh niên xung phong, Bộ Lao động​-Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Bộ Quốc phòng sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 28.

Dự kiến Thông tư sửa đổi, bổ sung sẽ được ban hành trước ngày 1/7. Việc sửa đổi, bổ sung sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người có công (trong đó có lực lượng thanh niên xung phong) lập hồ sơ xác nhận để hưởng chế độ ưu đãi.


- Thưa Bộ trưởng, năm 2016 là năm khởi đầu áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều trong giai đoạn 2016-2020. Xin Bộ trưởng cho biết chuẩn nghèo mới này sẽ tác động như thế nào đến chính sách an sinh xã hội trong thời gian tới? Công tác chuẩn bị của Bộ nhằm đưa chính sách này vào thực tiễn?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1614/QĐ-TTg ngày 15/9/2015 về phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.

Trên cơ sở đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 để xác định đối tượng thụ hưởng chính sách, chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội giai đoạn 2016-2020, bao gồm hộ nghèo, hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình.

Bộ Lao động​-Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các địa phương tổ chức điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015; tổ chức tập huấn quy trình, công cụ điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp tỉnh, cấp huyện.

Hiện nay, các tỉnh, thành phố đã và đang tiến hành tổ chức điều tra xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo mới.

Theo tiến độ, cuối tháng 12/2015, các tỉnh, thành phố sẽ có báo cáo kết quả sơ bộ và cuối tháng 1 sẽ có báo cáo kết quả chính thức, là cơ sở để thực hiện các chính sách giảm nghèo nói chung, trong đó có chính sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình.

Đồng thời, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng phần mềm trực tuyến quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc nhằm theo dõi, quản lý biến động hộ nghèo, hộ cận nghèo và theo dõi tình hình thực hiện các chính sách giảm nghèo hiện hành.

Để đảm bảo thực hiện các chính sách giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều trong giai đoạn tới, công tác triển khai tập trung vào việc chỉ đạo tổ chức điều tra xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 xong trong tháng 1; rà soát, sửa đổi bổ sung hệ thống chính sách giảm nghèo theo hướng giảm dần các chính sách hỗ trợ cho không, tăng cường các chính sách cho vay, hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả nhằm nâng cao tính tự chủ của hộ nghèo, hộ cận nghèo, có cơ chế khuyến khích hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

Đồng thời, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu bổ sung, cập nhật chỉ số đo lường tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên phạm vi toàn quốc, trong đó ưu tiên đầu tư những địa bàn đặc biệt khó khăn (huyện nghèo; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi).

Công tác truyền thông về giảm nghèo tiếp tục được đẩy mạnh, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo, tạo sự đồng thuận về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Huy động nguồn lực của tổ chức trong nước, quốc tế tham gia thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo; thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình tổ chức thực hiện từ Trung ương đến địa phương, để phát hiện ra những khó khăn, vướng mắc và có giải pháp tháo gỡ kịp thời cho địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện; xây dựng và sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2016-2020.

- Bảo hiểm xã hội là chính sách quan trọng của hệ thống an sinh xã hội đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo thực hiện qua nhiều Nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật. Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ Luật Hình sự (sửa đổi), trong đó quy định tội danh trốn đóng bảo hiểm xã hội có thể bị phạt ở mức cao nhất là 10 năm tù giam. Bộ trưởng có thể cho biết quan điểm chỉ đạo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về tình trạng chây ỳ, nợ đọng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt, khi Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 chính thức có hiệu lực (từ 1/1/2016)?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Việc các doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi về bảo hiểm xã hội của người lao động khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hưu trí...

Để hạn chế tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, trong thời gian qua Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ động có nhiều văn bản gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị phối hợp đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương phối hợp thực hiện nghiêm các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; trong đó tập trung các hoạt động nhằm hạn chế tình trạng trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, trước hết tập trung kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Đặc biệt, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung nhằm tăng tính tuân thủ pháp luật, hạn chế tình trạng trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội như bổ sung quy định về quyền của người lao động định kỳ được cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm xã hội; bổ sung quyền thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan Bảo hiểm xã hội; bổ sung quyền của tổ chức công đoàn khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Song song với đó, Luật quy định tăng mức lãi đối với số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội lên bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ Bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; bổ sung thêm quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong tuyên truyền, vận động, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Như vậy, với quy định mới của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, cùng với việc Bộ luật hình sự (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua đã bổ sung tội danh trốn đóng bảo hiểm xã hội, tin rằng sẽ hạn chế được tình trạng trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, đảm bảo tốt hơn quyền thụ hưởng bảo hiểm xã hội của người lao động.


- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục