Tiếp tục thí điểm Đội Quản lý Trật tự Xây dựng Đô thị tại Hà Nội

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định đồng ý kéo dài thời gian thực hiện thí điểm đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội.
Lực lượng cưỡng chế cắt sàn mái tầng 18 công trình 8B Lê Trực, Hà Nội. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 21/2023/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Điều 4 Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thí điểm thành lập Đội Quản lý Trật tự Xây dựng Đô thị trực thuộc Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội.

Quyết định nêu rõ tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện thí điểm Đội Quản lý Trật tự Xây dựng Đô thị trực thuộc Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội kể từ ngày 10/8/2023 cho đến khi có quyết định chính thức của cơ quan có thẩm quyền về mô hình tổ chức quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm đánh giá kết quả thực hiện thí điểm Đội Quản lý Trật tự Xây dựng Đô thị trực thuộc Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội; phối hợp với các bộ, ngành trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/8/2023 và thay thế Quyết định số 35/2020/QĐ-TTg ngày 9/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 4 Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg ngày 22/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm thành lập Đội Quản lý Trật tự Xây dựng Đô thị trực thuộc Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội.

Kể từ ngày 10/8/2018 đến ngày 10/8/2023, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố Hà Nội tổ chức thí điểm Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc Ủy ban Nhân dân quận, huyện thay vì trực thuộc Sở Xây dựng như trước đây.

Với một đô thị lớn như Hà Nội, giá trị đất đai đắt đỏ, “tấc đất là tấc vàng” nên việc cơi nới trong xây dựng các khu nhà ở là một nhu cầu thường trực của nhiều người dân. Đội Quản lý Trật tự Xây dựng chính là lực lượng nòng cốt, “tai mắt” của chính quyền để kịp thời phát hiện và ngăn chặn vi phạm trong xây dựng tại thủ đô.

[Hà Nội sớm hoàn thiện mô hình quản lý trật tự xây dựng đô thị] 

Theo quy định, Đội Quản lý Trật tự Xây dựng Đô thị hay gọi cách khác là thanh tra xây dựng có nhiệm vụ tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn. Đội còn có nhiệm vụ phát hiện, lập hồ sơ xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đô thị theo quy định của pháp luật và theo quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Đội đề xuất Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo thẩm quyền. Ngoài ra, Đội quản lý trật tự xây dựng còn có nhiệm vụ gửi thông báo, kiến nghị và gửi tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát xem xét, khởi tố đối với người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý (sau khi có chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân quận)…

Qua 5 năm thí điểm, mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị được đánh giá là một mô hình hiệu quả vì sau khi triển khai thực hiện mô hình thí điểm, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực.

Các công trình xây dựng được kiểm soát, các vi phạm được phát hiện kịp thời. Những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng phức tạp, nổi cộm, gây bức xức dư luận dần được hạn chế. Các công trình vi phạm tồn đọng đã được rà soát, phân loại, trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý, giải quyết.

Ý thức chấp hành pháp luật của người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng đô thị từng bước được nâng cao. Các công trình vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng dần được giảm thiểu về số lượng và quy mô vi phạm.

So với cùng kỳ 4 năm trước khi thực hiện mô hình thí điểm, tỷ lệ công trình có phép, miễn phép trên địa bàn thành phố tăng 2,9% (từ 96,59% lên 99,49%). Tỷ lệ số công trình có vi phạm trên tổng số công trình xây dựng giảm 5,13% (từ 8,82% xuống 3,69%).

Tháng 7/2022, Lực lượng chức năng quận Cầu Giấy (Hà Nội) tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng tại 121 đường Nguyễn Khang. (Ảnh: TTXVN phát)

Bên cạnh đó, số lượng công trình vi phạm giảm 4.331 trường hợp (từ 7.142 trường hợp còn 2.811 trường hợp). Tỷ lệ công trình vi phạm đã giải quyết dứt điểm giảm 8,92% (từ 91,73% còn 82,81%).

Ưu điểm của mô hình thí điểm được Sở Xây dựng Hà Nội nhìn nhận là tạo sự thống nhất, tập trung, xuyên suốt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã về quản lý trật tự xây dựng tại địa phương; nâng cao tính chịu trách nhiệm toàn diện của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện, cấp xã trong công tác quản lý trật tự xây dựng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục