Tiếp tục phát triển mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, gắn bó, tin cậy Việt Nam-Lào

Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào vào ngày 9 và 10/1/2025.

Chuyến công tác tại Lào ngay ở thời điểm đầu năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý nghĩa rất quan trọng, tiếp tục khẳng định quan điểm, chủ trương của Việt Nam là coi trọng, ưu tiên hàng đầu trong quan hệ hợp tác với Lào; tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.

Quan hệ chính trị-ngoại giao gắn bó, tin cậy

Mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Suphanouvong đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, đã trở thành tài sản vô giá của cả hai dân tộc và là quy luật phát triển chung của hai nước trên con đường phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5/9/1962. Kể từ đó đến nay, quan hệ hai nước luôn gắn bó bền chặt.

Chuyến công tác tại Lào ngay ở thời điểm đầu năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý nghĩa rất quan trọng, tiếp tục khẳng định quan điểm, chủ trương của Việt Nam là coi trọng, ưu tiên hàng đầu trong quan hệ hợp tác với Lào; tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.

Ngày 18/7/1977, Việt Nam và Lào ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, khẳng định tình đoàn kết đặc biệt trước sau như một, hợp tác, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. 48 năm qua, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác đã trở thành cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để không ngừng thắt chặt quan hệ giữa hai nước, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.

Hai nước nâng cấp quan hệ lên “hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện” vào tháng 2/2019.

Nhân chuyến tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) mở rộng tại Kazan, Liên bang Nga, chiều 23/10/2024 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đây là dấu mốc có ý nghĩa lịch sử quan trọng, tạo bước đột phá mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Từ đây, quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Lào ngày càng trở nên gắn bó keo sơn, đổi mới và phát triển.

Trong những năm qua, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước tăng cường gặp gỡ, thường xuyên trao đổi đoàn trên tất cả các kênh. Gần đây, hai nước đã tổ chức thành công Kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào (ngày 7/1/2024); Cuộc gặp cấp cao thường niên giữa hai Đảng (ngày 26/2/2024); tích cực tổ chức các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao và các cấp như Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cấp Nhà nước tới Lào (ngày 11 và 12/7/2024); Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam (ngày 10 đến 13/9/2024); Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 tại Pháp (ngày 5/10/2024); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, hội kiến Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane… nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 tại Lào (ngày 8 đến 11/10/2024); Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Lào và tham dự Đại hội đồng AIPA-45 (tháng 10/2024)…

Thông qua các chuyến thăm, các cuộc gặp, hai bên khẳng định quyết tâm tăng cường, nâng cao mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào trong tình hình mới, phù hợp với tình hình thực tế của mỗi nước.

Hợp tác quốc phòng-an ninh tiếp tục được duy trì, là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Lào, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội ở mỗi nước.

Hai bên tích cực phối hợp triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác như Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam-Lào; Hội nghị Hợp tác An ninh Việt Nam-Lào.

Trên các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế, hai nước Việt Nam-Lào luôn phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau; tiếp tục tăng cường hợp tác, phối hợp với các nước thành viên ASEAN khác trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN và duy trì đoàn kết, đồng thuận của ASEAN trong các vấn đề chiến lược ở khu vực.

Trong năm 2024, Việt Nam đã tích cực phối hợp chặt chẽ và ủng hộ Lào đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2024, Chủ tịch AIPA-45. Lào là một trong những nước đầu tiên ủng hộ Việt Nam tái cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028.

Hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực

Trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hai nước luôn quan tâm và thúc đẩy hợp tác chặt chẽ. Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 1,64 tỷ USD; năm 2024 ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng xấp xỉ 34% so với năm 2023.

Đây là lần đầu tiên kim ngạch thương mại giữa hai nước vượt mốc 2 tỷ USD, vượt xa mục tiêu do Chính phủ hai nước đề ra, là minh chứng rõ nét cho kết quả của những nỗ lực không ngừng của Chính phủ, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp của cả hai nước.

Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Lào đạt hơn 1,64 tỷ USD; năm 2024 ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng xấp xỉ 34% so với năm 2023.

Về đầu tư, tính đến tháng 1/2025, Việt Nam có 241 dự án đầu tư tại Lào với tổng vốn đăng ký hơn 5,5 tỷ USD, tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ (sau Trung Quốc, Thái Lan) đầu tư vào Lào.

Nhiều dự án đầu tư của Việt Nam hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động, bổ sung nguồn thu cho ngân sách của Lào, nhất là trong lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, trồng và chế biến cao su, sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, sữa.

Ngoài ra, hợp tác trên các lĩnh vực khác như kết nối giao thông, giáo dục-đào tạo, văn hóa, giao lưu nhân dân… tiếp tục được quan tâm. Hai nước đang tích cực thực hiện Đề án hợp tác giáo dục Việt Nam-Lào giai đoạn 2021-2030; Nghị định thư về hợp tác đào tạo Việt Nam-Lào giai đoạn 2022-2027; Kế hoạch hợp tác văn hóa-nghệ thuật và du lịch giai đoạn 2021-2025 và hỗ trợ Lào xây dựng Chiến lược phát triển thể thao Lào giai đoạn 2023-2030.

Hiện có khoảng 14.050 lưu học sinh Lào đang học tập tại hơn 170 cơ sở giáo dục Việt Nam.

Ngoài ra, hợp tác giữa các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới tiếp tục được tăng cường, ngày càng đi vào cụ thể, chiều sâu, toàn diện trên mọi lĩnh vực, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn tại các khu vực biên giới hai nước.

Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone tiếp Tổng giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang. (Ảnh: Đỗ Bá Thành/TTXVN)

Hoạt động đối ngoại nhân dân được hai nước quan tâm thường xuyên; hai nước tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước, đưa mối quan hệ ngày càng đi vào chiều sâu.

Không ngừng làm sâu sắc và vun đắp mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào

Trên nền tảng quan hệ tốt đẹp, chuyến thăm Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam vào ngày 9 và 10/1/2025 có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn nữa.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Minh Tâm, đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam và cũng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên phía Lào đón tiếp trong năm 2025, thể hiện mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.

Chuyến thăm lần này tiếp tục khẳng định quan điểm, chủ trương của Việt Nam là coi trọng, ưu tiên hàng đầu trong quan hệ hợp tác với Lào trong bối cảnh mới; tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.

Chuyến thăm thể hiện quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước trong việc không ngừng làm sâu sắc và vun đắp cho mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên mọi lĩnh vực trước những thách thức đến từ khu vực và quốc tế.

Đây là kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững và ổn định của cả hai nước trong tương lai.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào, hai bên sẽ tập trung đánh giá tình hình thực hiện thỏa thuận về kế hoạch hợp tác Việt Nam-Lào trong năm 2024 trên tất cả các lĩnh vực; trao đổi thống nhất về phương hướng hợp tác trong năm 2025 về các mặt quan hệ chính trị, ngoại giao, hợp tác quốc phòng-an ninh, hợp tác kinh tế, hợp tác giáo dục phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nghề, hợp tác trên các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm.

Đồng thời, hai bên sẽ trao đổi sâu về các biện pháp để tạo đột phá nâng cao hiệu quả trong hợp tác, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư.

Điều này không chỉ giúp hai nước Việt Nam-Lào cùng phát triển, đứng vững trước các rủi ro, thách thức do tác động của cạnh tranh địa chính trị ngày càng quyết liệt mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Nhân dịp này, hai bên sẽ tổ chức Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào; Lễ khởi công Công viên Hữu nghị Lào-Việt Nam và chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện hợp tác quan trọng./.

Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962-5/9/2022), 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào (18/7/1977-18/7/2022) được tổ chức trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục