Tiếp tục phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Các đại biểu đã báo cáo tham luận, tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá những kết quả nổi bật trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện bài học “dân là gốc,” “dân là trung tâm.”

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Sáng 10/6, tại thành phố Đà Nẵng, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học thực hiện bài học “dân là gốc,” “dân là trung tâm;” phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc - thực trạng và những vấn đề đặt ra.

Đồng chủ trì Hội thảo có Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Hoàng Phúc Lâm; Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã báo cáo tham luận, tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá những kết quả nổi bật trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện bài học “dân là gốc,” “dân là trung tâm,” phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc (gọi tắt là bài học) trong thời gian qua.

Các đại biểu phân tích sâu sắc thực trạng việc vận dụng bài học với những nguyên nhân thành công, hạn chế đối với các địa phương, ngành, lĩnh vực.

Hội thảo xác định những vấn đề đặt ra và yếu tố ảnh hưởng tới quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện bài học trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị hiện nay.

Tham luận tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết thời gian qua, các cấp Hội tập trung trang bị kiến thức, kỹ năng, hỗ trợ nguồn lực để phụ nữ tự tin, thể hiện vai trò làm chủ bản thân, gia đình và xã hội thông qua tổ chức hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nâng cao năng lực, hỗ trợ vốn vay cho phụ nữ, xây dựng mô hình hoạt động.

ttxvn_1006_dan van (2).jpg
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Riêng năm 2023, các cấp Hội tổ chức hơn 21.300 cuộc tập huấn, tuyên truyền về sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số cho hơn 16 triệu lượt cán bộ, hội viên.

Hội xây dựng được hơn 640 mô hình trong lĩnh vực phát triển kinh tế và trên 610 mô hình trong lĩnh vực xây dựng gia đình. Qua đó, giúp phụ nữ trên toàn quốc tiếp cận tốt hơn đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Theo Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh, ngay từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời ban hành Nghị quyết, Chỉ thị, Quy chế, Quy định làm cơ sở triển khai công tác dân vận, phát huy quyền làm chủ của người dân. Trong đó, trọng tâm là Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 31/12/2022 về một số giải pháp đẩy mạnh phong trào thi đua Dân vận khéo tại thành phố Đà Nẵng đến năm 2030.

Đề án nhằm phát huy hiệu quả hơn 700 mô hình dân vận khéo trên địa bàn, từ đó tìm ra mô hình hiệu quả, tiêu biểu để nhân rộng.

Thành phố đang tập trung triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị, trong đó hết sức coi trọng vị trí, vai trò của người dân trong quá trình tham gia xây dựng, ban hành và đánh giá hiệu quả của các chính sách...

ttxvn_1006_dan van (3).jpg
Ông Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương, phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sỹ Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương cho rằng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng có điểm mới, rất quan trọng là tiếp tục nhất quán quan điểm “dân là gốc,” giữ vai trò nền tảng, đồng thời nhân dân ở “vị trí trung tâm,” lan tỏa và hội tụ, tác động nhiều chiều đến mọi lĩnh vực, lực lượng, tổ chức khác.

Đảng ta tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn, cụ thể hóa quan điểm “dân là chủ;” đồng thời xác định “vai trò chủ thể” của nhân dân, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân là một điều kiện quan trọng để nhân dân giữ vững và phát huy vai trò chủ thể trong sự nghiệp cách mạng.

Tinh thần đổi mới ấy, suy cho cùng là việc khẳng định bản chất “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” trong thời kỳ mới.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng cho rằng, tiếp tục đổi mới, vận dụng hiệu quả bài học trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là vấn đề phức tạp, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Hội thảo diễn ra ở thời điểm công tác nghiên cứu, xây dựng dự thảo các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng đang được triển khai.

Vì vậy, gần 30 tham luận và các ý kiến tại Hội thảo là những đóng góp hữu ích, góp phần đắc lực cho việc xây dựng Văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng./.

Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công.

'Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công'

Ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận” đăng trên báo Sự thật số 120 và đây được xem là cương lĩnh, kim chỉ nam về công tác vận động quần chúng của Đảng.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục