Một trong những nhiệm vụ chủ chốt, được đẩy mạnh của công tác ngoại giao văn hóa thời gian qua đó là việc vận động danh hiệu quốc tế cho các di sản của Việt Nam, qua đó phát huy giá trị di sản, góp phần xây dựng thương hiệu địa phương cũng như quốc gia.
Năm 2021 tiếp tục là năm chứng kiến nhiều danh hiệu, di sản của Việt Nam được UNESCO vinh danh, như hai khu dự trữ sinh quyển thế giới mới là Núi Chúa và Kon Hà Nừng; hai danh nhân thế giới Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương, cũng như gần đây nhất là Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh vào Danh sách di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đây là minh chứng rõ ràng cho những đóng góp của ngoại giao văn hóa thời gian qua.
Những di sản đưa thế giới đến với Việt Nam
“Khám phá Việt Nam qua 5 điểm đến,” “Khám phá Việt Nam từ mặt nước,” “7 lý do để đến Hội An, một trong những thành phố đẹp nhất của Việt Nam”… Đây là những dòng tiêu đề các bài báo có thể dễ dàng tìm kiếm trên báo chí, chuyên trang du lịch quốc tế ở nhiều nước trên thế giới. Có thể nói các di sản thiên nhiên-văn hóa của Việt Nam đã góp phần đưa đất nước đến gần với bạn bè quốc tế.
Tháng 12/1993, Quần thể Di tích cố đô Huế là di sản đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận.
Và mới đây nhất, Nghệ thuật Xòe Thái trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại.
Qua gần 30 năm qua, Việt Nam đã có gần 50 di sản được UNESCO vinh danh, trong đó có 28 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là "Di sản Văn hóa Thế giới" (riêng tỉnh Bắc Ninh đã có 2 Di sản Văn hóa Thế giới là Dân ca quan họ và Ca trù)...; 8 địa danh Di sản Thế giới được UNESCO ghi danh; 3 Di sản Tư liệu Thế giới; 11 Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới; 3 Công viên Địa chất Toàn cầu.
Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Việt Nam mà còn là cơ hội để cộng đồng quốc tế chia sẻ và thưởng thức các giá trị văn hóa, tinh thần của Việt Nam.
[Việt Nam củng cố vị thế trên diễn đàn văn hóa đa phương toàn cầu]
“Việt Nam đang sở hữu một di sản văn hóa độc đáo, có khả năng lưu giữ văn hóa và cũng nhờ đó mà Việt Nam có thể tự tạo nên sức hấp dẫn của riêng mình với những tài sản văn hóa quý giá… Kể cả khi bạn không biết gì về Việt Nam, nhưng bạn vẫn có thể cảm nhận được rằng, đất nước này có một nền văn hóa rất thú vị và độc đáo. Đây thật sự là một lợi thế của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển xã hội cũng như là thực lực kinh tế,” ông Michael Croft, Nguyên Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, chia sẻ.
Thành quả của những nỗ lực
Việc thông qua các di sản xây dựng được hình ảnh một Việt Nam thân thiện, hài hòa trong sự đa dạng cả về cảnh sắc thiên nhiên và văn hóa như vậy có phần đóng góp không nhỏ của công tác ngoại giao văn hóa.
Ngoại giao văn hóa đã tận dụng diễn đàn UNESCO như một kênh quan trọng để quảng bá hình ảnh đất nước thông qua hoạt động vận động các danh hiệu quốc tế cho di sản.
Tuy nhiên để UNESCO xem xét công nhận, vinh danh một di sản không phải là một việc đơn giản. Quá trình thẩm định hồ sơ, lựa chọn vinh danh một di sản là một quá trình tuyển chọn, nghiên cứu rất chặt chẽ và bài bản.
Lấy ví dụ trường hợp Quần thể Danh thắng Tràng An (Ninh Bình). Quần thể danh thắng này bao gồm ba khu vực liền kề nhau là Di tích Cố đô Hoa Lư, Khu Danh thắng Tràng An-Tam Cốc-Bích Động và Rừng nguyên sinh Đặc dụng Hoa Lư đã được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản Thế giới (tháng 6/2014).
Để có được kết quả này, trong nhiều năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, các cơ quan, các nhà khoa học trong nước, quốc tế đẩy mạnh công tác nghiên cứu, nhận diện giá trị di sản, trên cơ sở đó hoàn thiện bộ hồ sơ đề cử Quần thể Danh thắng Tràng An có chất lượng khoa học cao.
Đặc biệt, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều nỗ lực to lớn nhằm bảo vệ di sản trước những tác động của thiên nhiên và con người, giữ nguyên giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.
Một trường hợp khác là Nghệ thuật Xòe Thái - di sản mới nhất của Việt Nam được UNESCO vinh danh ngày 15/12/2021.
Đây là thành quả của những nỗ lực và sự phối hợp chặt chẽ trong thời gian dài của cộng đồng, chính quyền các địa phương có di sản với tư vấn chuyên môn của các chuyên gia về di sản, sự chỉ đạo tích cực và hiệu quả của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và vai trò điều phối của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh tổ chức UNESCO trong việc đề xuất, lựa chọn ý tưởng, hoàn thiện và vận động hồ sơ.
Trước khi được UNESCO vinh danh, Nghệ thuật Xòe Thái đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia từ năm 2013.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đồng ý Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thay mặt Chính phủ ký Hồ sơ "Nghệ thuật Xòe Thái" trình UNESCO xem xét đưa vào Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại.
Như vậy, phải mất 8 năm để Nghệ thuật Xòe Thái đi từ Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia đến với danh hiệu di sản cấp toàn cầu và mất gần 3 năm để hồ sơ trình UNESCO được thông qua.
Có thể nói việc vận động vinh danh các di sản ở quy mô toàn cầu đã cho thấy sự đóng góp của Việt Nam trong việc làm phong phú thêm bản đồ di sản thế giới.
Đồng thời thể hiện bản sắc riêng của văn hóa Việt Nam trong một thế giới đa dạng, qua đó góp phần củng cố độc lập chủ quyền quốc gia, đưa đất nước cất cánh về kinh tế-xã hội.
Nâng tầm giá trị thương hiệu địa phương và quốc gia
Những hiệu ứng mà các di sản được UNESCO vinh danh đã mang lại cho đất nước qua sự quan tâm của truyền thông quốc tế, thu hút khách du lịch, thay đổi diện mạo địa phương.
Lấy ví dụ trường hợp tỉnh Ninh Bình, từ vùng đất thuần nông nghiệp, khai thác đá vôi làm chủ yếu, tỉnh này đã và đang chuyển mạnh sang nền kinh tế dịch vụ-du lịch lấy văn hóa, bảo vệ thiên nhiên môi trường làm nền tảng.
Kể từ khi UNESCO vinh danh Quần thể Danh thắng Tràng An là Di sản Thế giới (năm 2014), từ 2015 tới nay, số lượt khách du lịch đến với Ninh Bình tăng đều qua các năm.
Như năm 2015, tỉnh đón hơn 6 triệu lượt khách du lịch, trong đó có nhiều khách du lịch nước ngoài, tăng 39,3% so với năm 2014. Phần lớn du khách tới tham quan Quần thể Danh thắng Tràng An.
Ngoài việc đón tiếp du khách, Tràng An đã được nhiều hãng phim lớn trong và ngoài nước đến khảo sát, ghi hình và làm phim.
Năm 2016, Tràng An được chọn là một trong những địa điểm ghi hình của bộ phim bom tấn "Kong: Skull Island" của đạo diễn Jordan Vogt Roberts. Những cảnh quay đầy ngoạn mục từ trên không, hay cảnh ngôi làng thổ dân lấp sau rặng núi đã chinh phục khán giả hoàn toàn.
Trên trang cá nhân, thành viên đoàn làm phim thường xuyên cập nhật hình ảnh khi tác nghiệp ở Ninh Bình.
Đạo diễn Jordan Vogt Roberts đã thốt lên rằng: “Chẳng bao giờ thấy chán khi đăng những tấm ảnh ở Việt Nam. Khi trở về, tôi rất nhớ nơi này.”
Xác định tầm quan trọng của Quần thể Danh thắng Tràng An trong "ngành công nghiệp không khói" của tỉnh, Ninh Bình đã xây dựng chiến lược xây dựng Tràng An trở thành một khu du lịch mang tầm cỡ quốc tế với sự kết hợp của các loại hình du lịch, đồng thời làm tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, các giá trị di sản, kết hợp bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đó là hướng đi chuyên nghiệp, bền vững, tạo động lực để Ninh Bình phấn đấu thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia.
Đây cũng là nội dung được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình khóa XXII.
Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh phấn đấu đạt được số khách du lịch đạt 8-9 triệu lượt người; doanh thu du lịch đạt 8.000 tỷ đồng trở lên. Cùng với đó, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, chất lượng; trong đó có hạ tầng du lịch, là một trong ba khâu đột phá.
Đối với trường hợp Nghệ thuật Xòe Thái, sau khi được vinh danh Di sản Thế giới, lãnh đạo 4 tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã khẳng định sẽ phối hợp để phát huy giá trị di sản, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
“Ngay sau sự kiện này, Yên Bái sẽ chủ động cùng các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu phối hợp đề xuất tổ chức Lễ đón nhận Bằng ghi danh nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại trong năm 2022; thực hiện chương trình hành động như đã cam kết trong Hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO; đồng thời, đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể để tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Xòe Thái. Từ đó, xây dựng, cụ thể hóa thành chương trình hành động của địa phương bằng những giải pháp cụ thể vừa trước mắt, vừa lâu dài, với phương châm lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể của các hoạt động; biến di sản thành tài sản phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội của mỗi địa phương,” Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Đặng Hoàng Giang cũng khẳng định Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh vào một thời điểm hết sức có ý nghĩa, khi Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2030 vừa được ban hành, thể hiện sự triển khai khẩn trương và hiệu quả tinh thần Hội nghị Văn hóa Toàn quốc, Hội nghị Đối ngoại Toàn quốc vừa được tổ chức, Hội nghị Ngoại giao 31 đang diễn ra.
“Trong thời gian tới, chúng ta cần làm tốt công tác bảo vệ và phát huy các danh hiệu đã đạt được, trong đó có việc nghiêm túc thực hiện các cam kết với UNESCO và thực hiện các kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản mà địa phương đã xây dựng. Trong quá trình này, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản cần được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của địa phương,” ông Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh.
Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2030 đã xác định các di sản văn hóa không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam mà đã trở thành một nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển.
Sức hấp dẫn của di sản văn hóa đã tạo động lực cho phát triển du lịch mang lại nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Quảng bá hình ảnh Việt Nam, nhất là thông qua quảng bá phát huy các di sản là một trong những trụ cột của công tác ngoại giao văn hóa chỉ có thể thành công nếu huy động được sức mạnh tổng hợp các bên liên quan, trong đó có vai trò điều phối, kết nối giữa người dân, địa phương có di sản với UNESCO, cộng đồng quốc tế của những người làm công tác ngoại giao văn hóa./.