Tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam-Chile

Tại buổi tiếp người đồng cấp Chile, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển của quan hệ 2 nước, đặc biệt là quan hệ kinh tế thương mại song phương đã vượt mức 2 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Chile Alberto Van Klaveren. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Chile Alberto Van Klaveren. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa Chile, Alberto Van Klaveren thăm chính thức Việt Nam từ ngày 25-27/8/2024.

Sáng 25/8, tại Nhà khách Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Chile Alberto Van Klaveren.

Hai Bộ trưởng đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước, trao đổi các phương hướng, biện pháp tăng cường quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Chile, các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Chào mừng Bộ trưởng Alberto Van Klaveren trở lại thăm Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Chile, quốc gia đầu tiên tại Nam Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (25/3/1971).

Bộ trưởng bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển của quan hệ Đối tác Toàn diện, đặc biệt là quan hệ kinh tế thương mại song phương đã vượt mức 2 tỷ USD; Chile tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh và Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Chile tại ASEAN.

ttxvn_chile_2.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Chile Alberto Van Klaveren ghi lưu bút. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Bộ trưởng bày tỏ Việt Nam mong muốn làm sâu sắc quan hệ với Chile trên các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại và đầu tư, văn hóa-giáo dục, khoa học-công nghệ, an ninh-quốc phòng và giao lưu nhân dân, đồng thời ủng hộ các bước đi của Chile tăng cường quan hệ với ASEAN và khu vực Đông Á-Thái Bình Dương.

Chính phủ Chile qua các thời kỳ luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam trong tổng thể chính sách đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt khi Việt Nam và Chile đang kỷ niệm 10 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do song phương (2014-2024) và mới đây cùng là thành viên của Hiệp định CPTPP.

Bộ trưởng Alberto Van Klaveren bày tỏ vui mừng trở lại thăm Việt Nam trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Chile; bày tỏ khâm phục những thành tựu quan trọng của công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam; khẳng định Chính phủ Chile qua các thời kỳ luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam trong tổng thể chính sách đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt khi Việt Nam và Chile đang kỷ niệm 10 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do song phương (2014-2024) và mới đây cùng là thành viên của Hiệp định CPTPP.

Bộ trưởng Ngoại giao Chile bày tỏ mong muốn cùng phối hợp với Việt Nam để tăng cường quan hệ giữa Liên minh Thái Bình Dương (gồm 4 nước Chile, Mexico, Colombia và Peru) với ASEAN.

ttxvn_chile.jpg
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Chile Alberto Van Klaveren. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Hai bên đã trao đổi và thống nhất một số biện pháp nhằm tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới, bao gồm việc phối hợp thu xếp và chuẩn bị cho các chuyến thăm cấp cao, phát huy hiệu quả các cơ chế Tham khảo chính trị và Hội đồng Thương mại Tự do Việt Nam-Chile, phối hợp tháo gỡ các vướng mắc trong quan hệ song phương và tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các sản phẩm của cả hai bên.

Hai bên cũng rà soát và nhất trí thúc đẩy và đàm phán một số thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, hải quan, nông nghiệp, quốc phòng, an ninh và thực thi pháp luật.

Hai Bộ trưởng nhất trí duy trì phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, đặc biệt là tại Liên hợp quốc.

Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, hai Bộ trưởng nhất trí các tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai khu vực và trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục