Tiếp tục không có ca mắc COVID-19 mới, WHO đánh giá cao Việt Nam

Theo thống kê của WHO, Việt Nam đang là quốc gia có tỷ lệ ca mắc COVID-19 trên tổng dân số thấp thứ 2 của khu vực Tây Thái Bình Dương, với tỷ lệ 3 ca bệnh/1000.000 dân.
Xét nghiệm nhanh COVID-19. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Chiều 21/4, Bộ Y tế công bố không có thêm trường hợp nào mắc mới bệnh COVID-19 tại Việt Nam. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp Việt Nam không ghi nhận có ca bệnh.

Như vậy, đến nay con số các ca bệnh vẫn chỉ dừng ở 268 trường hợp; trong đó có 160 người từ nước ngoài, 108 người lây nhiễm trong cộng đồng.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 75.799, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện: 268 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác: 15.368 người, cách ly tại nhà/nơi lưu trú: 60.163 người.

Về tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong ngày có BN248 được Bệnh viện Dã chiến Củ Chi công bố khỏi bệnh.

Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 12 ca. Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2: 08 ca.

WHO: Việt Nam hiệu quả trong chống dịch

Sáng 21/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương tổ chức họp báo trực tuyến, theo đó thông báo về diễn biến dịch bệnh COVID-19 ở khu vực, các biện pháp WHO ứng phó cũng như những tình huống mà các quốc gia sẽ phải đối mặt trong tương lai.

Theo ông Takeshi Kasai-Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, tính đến 20/4, dịch bệnh COVID-19 đã xuất hiện ở 22 quốc gia thuộc khu vực, đã ghi nhận 132.438 ca mắc COVID-19, 5.648 trường hợp tử vong, tỷ lệ tử vong là 4,26%.

Ông Kasai bày tỏ sự quan ngại về tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại một số điểm nóng trong khu vực như Nhật Bản, Singapore đồng thời đánh giá cao nỗ lực chống dịch của một số nước, trong đó có Việt Nam.

Ông Kasai đã chia sẻ khó khăn của các quốc gia và người dân trong khu vực nhằm ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Ông cho rằng các biện pháp phong tỏa đã chứng minh là có hiệu quả và người dân cần sẵn sàng thích nghi một lối sống mới để xã hội tiếp tục vận hành trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang được kiểm soát.

"Cho đến khi tìm ra vắcxin, quá trình thích nghi với đại dịch sẽ trở thành điều bình thường mới của chúng ta," ông Kasai cảnh báo.

Về công tác chống dịch COVID-19 của Việt Nam, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương nhận định: “Việt Nam đã cho thế giới thấy sự lãnh đạo hiệu quả, quyết liệt và xuyên suốt nhiều cấp chính quyền, từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng cho đến các địa phương.”

Theo thống kê của WHO, Việt Nam đang là quốc gia có tỷ lệ ca mắc COVID-19 trên tổng dân số thấp thứ 2 của khu vực Tây Thái Bình Dương, với tỷ lệ 3 ca bệnh/1000.000 dân.

Ông Kasai khẳng định: "Theo những gì chúng tôi ghi nhận, Việt Nam đã đề ra được kế hoạch phù hợp và thực hiện nó đúng với những gì đã dự đoán trước, trong mỗi giai đoạn."

Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương cũng thẳn thắn đưa ra khuyến cáo rằng: “Việt Nam nên cẩn trọng xem xét bắt đầu tháo dỡ hạn chế như thế nào. Không nên là tất cả cùng lúc.”

Bộ xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam đạt tiêu chuẩn châu Âu

Cũng trong ngày hôm nay, ông Phan Quốc Việt-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á cho biết Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh đã cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE) và cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho bộ sản phẩm xét nghiệm COVID-19 do Bộ Khoa học công nghệ giao Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu, sản xuất.

Theo chứng nhận, bộ sản phẩm xét nghiệm COVID-19 được sản xuất bởi nhà sản xuất hợp pháp thuộc Tập đoàn Công nghệ Việt Á (378A/8 Hồ Văn Huế, Phường 9, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh, 725600, Việt Nam), đại diện ủy quyền là RedCliffe bioscience holding limited (21 Mayfields, Sindlesham, RG41 5BY, Anh) đã được chứng nhận đạt CE theo điều luật về quản lý thiết bị y tế chẩn đoán trong phòng thí nghiệm số 98/79/EC được quy định tương đương của luật pháp Anh (quy định về thiết bị y tế của Anh 2002 SI số 618, đã được sửa đổi).

Do đó, bộ sản phẩm này có thể được bán tự do ở tất cả các quốc gia thành viên của khu vực kinh tế châu Âu, bao gồm Anh.

Anh chính thức rời EU vào ngày 31/1/2020, nhưng Luật Dược phẩm của EU vẫn được áp dụng cho Anh đến hết 31/12/2020. Theo quy định của EU, bất kỳ thành viên nào của liên minh này cấp CE thì cũng được lưu hành toàn châu Âu.

Sau khi được Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cấp phép, bộ sản phẩm xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á đã được một đối tác đặt mua độc quyền để phân phối tại Anh, Ấn Độ, Mexico, Mỹ và một số quốc gia tại châu Âu.

Hiện nay, chỉ có một phương pháp duy nhất trên thế giới được WHO công nhận là “tiêu chuẩn vàng” để phát hiện SARS-CoV-2 là Real-Time PCR. Bộ xét nghiệm do Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất cũng sử dụng phương pháp này.

Hiện tại, năng lực sản xuất của Việt Á đạt khoảng 10.000 bộ/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất lên 3 lần, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu hoặc hỗ trợ quốc tế../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục