Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 3/4, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiếp tục thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.
Trong 1 ngày làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật, gồm: Về mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với Tội tài trợ khủng bố và Tội rửa tiền; về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về các điều luật có khoản quy định nhắc lại cấu thành cơ bản; về sửa đổi một số điều luật có quy định tình tiết từ định lượng sang định tính; về quy định chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; về quy định số lượng, khối lượng, thể tích, giá trị đối với hàng cấm làm căn cứ định tội, định khung hình phạt; về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác có liên quan đến hoạt động ngân hàng; Tội gây ô nhiễm môi trường; về Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; Về không tố giác tội phạm.
Về mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với Tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và Tội rửa tiền (Điều 324), đa số ý kiến tại hội nghị đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại nhằm bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Có ý kiến đề nghị xem xét lại cách quy định về pháp nhân thương mại trong Phần thứ nhất của Bộ luật xuất phát từ bản chất mang tính nguyên tắc là “Pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự thông qua hành vi phạm tội của thể nhân, khi thể nhân đó thực hiện hành vi nhân danh pháp nhân, đại diện cho pháp nhân và vì lợi ích của pháp nhân”...
Đáng chú ý, thảo luận về Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (Điều 317), các ý kiến đồng tình về sự cần thiết phải quy định để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đang xảy ra phổ biến hiện nay.
Tuy nhiên, để định lượng được tội danh này thì quy định như dự thảo luật sẽ khó thực hiện. Có ý kiến cho rằng, đưa hình thức xử phạt cần căn cứ vào tính chất và loại hình sản xuất kinh doanh thực phẩm cụ thể. Vì vậy cần có sự phân loại với các loại hậu quả gây ra.
Đối với quy định về Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235), nhiều ý kiến tán thành việc nên hạ các mức định lượng xả thải cũng như số lần vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường để bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa vì tình hình vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đang diễn ra hiện nay, ảnh hưởng đến nhiều vùng dân cư...
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, trong 1 ngày làm việc, đã có hơn 30 ý kiến phát biểu đóng góp. Nhìn chung các ý kiến đồng tình về cơ bản với báo cáo của Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận còn có những ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Bộ Tư pháp ghi chép đầy đủ, từ đó sẽ chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, giải trình tất cả các ý kiến được nêu ra.
Sau hội nghị này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu sẽ chủ trì làm việc với các cơ quan liên quan và một số chuyên gia rà soát tất cả các điều, kể cả trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 và những điều trong Bộ luật Hình sự năm 1999. Về những điểm lớn, vấn đề nguyên tắc, trên tinh thần sửa những sai sót của Bộ luật Hình sự năm 2015 theo đúng yêu cầu và quan điểm chỉ đạo./.