Tiếp tục hoạt động khai thác dầu khí trên vùng biển Việt Nam

Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khẳng định mọi hoạt động dầu khí của Việt Nam đều được thực hiện trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tiếp tục hoạt động khai thác dầu khí trên vùng biển Việt Nam ảnh 1Ông Đỗ Văn Hậu trình bày quá trình khai thác dầu khí từ trước tới nay của Việt Nam. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 23/5, trong cuộc họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông, ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, khẳng định mọi hoạt động dầu khí của Việt Nam đều được thực hiện hoàn toàn trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác định phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Ông Đỗ Văn Hậu cho biết Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã được Chính phủ Việt Nam giao quản lý, triển khai các hoạt động dầu khí trên toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Việt Nam đã triển khai các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ trước năm 1975.

Ngay từ năm 1969-1970, Chính quyền miền Nam Việt Nam đã tiến hành khảo sát khoảng 12.000km tuyến địa chấn 2D kết hợp khảo sát từ, trọng lực hàng không ở thềm lục địa Miền Nam Việt Nam (khu vực bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, Mã Lai-Thổ Chu và Tư Chính-Vũng Mây) (Công ty Ray Geophysical Mandrel thực hiện).

Trong hai năm 1973-1974, Việt Nam đã hợp tác với các công ty WesternGeophysical và Geophysical Services Inc (Hoa Kỳ) tiến hành các khảo sát địa chấn 2D: Dự án WA74-HS (3.373km) khảo sát khu vực từ ngoài khơi bờ biển miền Trung bao trùm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gồm các lô dầu khí hiện nay là 141, 142, 143 và 144; Dự án WA74-PKB (5.328km) khảo sát ven biển Phú Khánh.

Các dự án khảo sát địa chấn này khẳng định Việt Nam đã tiến hành khảo sát thực địa, thăm dò dầu khí trên vùng biển Việt Nam từ lâu.

Kể từ sau khi thành lập Tổng cục Dầu khí (tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện nay) năm 1975, hoạt động dầu khí được tiếp tục triển khai mạnh mẽ, rộng khắp trên toàn bộ thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bao gồm cả các khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, Tư Chính-Vũng Mây.

Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khẳng định Tập đoàn đã, đang và sẽ tiếp tục hợp tác với nhiều công ty dầu khí nước ngoài để thăm dò khai thác dầu khí trên toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Tập đoàn đã ký 99 hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí, trong đó 60 hợp đồng đang có hiệu lực. Khối lượng công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trên vùng biển, thềm lục địa Việt Nam đã đạt trên 500.000km tuyến khảo sát địa chấn 2D, trên 50.000km2 địa chấn 3D và khoảng 900 giếng khoan. Tất cả các hoạt động dầu khí đều nằm trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Năm 1985, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thực hiện đề án khảo sát địa chấn khu vực Miền Trung sử dụng tàu Malugin (Liên Xô trước đây).

Năm 1993, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng Công ty NOPEC thu nổ 3.317km tuyến địa chấn từ vĩ tuyến 100 đến 150, kèm theo một số tài liệu từ và trọng lực thành tàu ở khu vực Nam Hoàng Sa và Phú Khánh.

Cũng trong năm 1993, đề án hợp tác giữa trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Paris VI tàu Atalante (Pháp) đã thực hiện chương trình khảo sát “Ponaga” đo trọng lực, từ và thu nổ địa chấn nông kết hợp lấy mẫu tầng mặt ở vùng biển Hoàng Sa, miền Trung và Đông Nam Việt Nam.

Trong các năm 2008-2009, Tập đoàn Dầu khí thực hiện khảo sát địa chấn 2D toàn thềm lục địa Việt Nam, trong đó có một số tuyến ở khu vực Miền Trung (phối hợp cùng Công ty TGS-NOPEC) và khảo sát địa chấn 2D Đông Phú Khánh (phối hợp cùng Công ty PGS).

Tại khu vực Hoàng Sa và Phú Khánh, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã ký nhiều hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí với các công ty dầu khí nước ngoài và thực hiện công tác khảo sát địa chấn 2D, 3D bình thường ở khu vực này.

Cũng theo ông Đỗ Văn Hậu, Việt Nam đã tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí tại khu vực Tư Chính-Vũng Mây ngay từ những năm 1970 bằng việc thực hiện khảo sát địa chấn khu vực thềm lục địa Nam Việt Nam (Công ty Mandrel thu nổ).

Kể từ năm 1996 đến nay, PetroVietnam đã ký nhiều hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí với các công ty dầu khí nước ngoài ở khu vực Tư Chính-Vũng Mây.

PetroVietnam và các nhà thầu dầu khí đã thực hiện hàng loạt các khảo sát địa chấn 2D, 3D bình thường nhằm đánh giá tiềm năng dầu khí ở khu vực này.

Gần đây, phía Trung Quốc cho rằng “Việt Nam đã phân lô 57 lô dầu khí, trong số đó có bảy mỏ đã đi vào sản xuất và 37 giàn khoan, tại các vùng biển có tranh chấp.”

Về vấn đề này, ông Đỗ Văn Hậu khẳng định Trung Quốc đã không hề đưa ra một cơ sở pháp lý nào để biện hộ cho quan điểm này. Việt Nam khẳng định rằng mọi hoạt động dầu khí của Việt Nam đều được thực hiện hoàn toàn trên thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Thực tế này đã được cộng đồng quốc tế công nhận.

Nhiều công ty dầu khí nước ngoài đã ký hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí với Việt Nam tại các lô thuộc thềm lục địa Việt Nam.

Từ lâu nay, Việt Nam luôn thực hiện quản lý, khai thác có hiệu quả đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trong đó có các hoạt động dầu khí.

Quan điểm trên của Trung Quốc thực chất là nhằm biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp. Ý đồ của Trung Quốc là nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” bị cả cộng đồng quốc tế lên án.

Việt Nam kiên quyết bác bỏ quan điểm sai trái này và khẳng định quyết tâm bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động bình thường ở các khu vực này cũng như ở các khu vực khác trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục