Ngày 4/4, Bộ Tư pháp và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phối hợp sơ kết ba năm thực hiện Luật Nuôi con nuôi và hai năm thi hành Công ước La Haye về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế.
Các ý kiến tại Hội nghị đánh giá thể chế pháp luật về nuôi con nuôi của Việt Nam đã được hoàn thiện cơ bản theo hướng tiệm cận với những chuẩn mực quốc tế về bảo vệ quyền của trẻ em thông qua chế định nuôi con nuôi và hợp tác quốc tế đa phương trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của nước thành viên Công ước La Haye.
Công tác quản lý nhà nước về nuôi con nuôi nói chung và giải quyết việc nuôi con nuôi trong nước dần đi vào nền nếp. Đặc biệt, việc rà soát, nắm bắt thực trạng nuôi con nuôi thực tế và đăng ký con nuôi thực tế đã được triển khai rộng khắp cả nước và đã đạt được những kết quả tích cực.
Một nội dung được các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh đó là Việt Nam đã có những kinh nghiệm trong việc tìm kiếm gia đình thay thế ở nước ngoài cho trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt. Việc tập trung thực hiện tốt chương trình con nuôi nước ngoài cho trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt trong thời gian qua là hướng đi đúng trong thời kỳ đầu thực hiện Công ước La Haye.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều ý kiến đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong việc đăng ký nuôi con nuôi trong nước và giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài. Việc đăng ký nuôi con nuôi trong nước vẫn còn khó khăn trong xác định điều kiện nuôi con nuôi, lập hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi, thủ tục lấy ý kiến đồng ý của cha, mẹ đẻ trẻ em; theo dõi và quản lý báo cáo tình hình phát triển của con nuôi trong nước…
Việc giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài gặp khó khăn trong việc lập danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế và danh sách trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi nước ngoài; kiểm tra, xác minh hồ sơ, lấy ý kiến của cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ và xác nhận trẻ em đủ điêu kiện làm con nuôi nước ngoài…
Nhiều ý kiến cho rằng để khắc phục những khó khăn, bất cập, trước mắt phải tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về nuôi con nuôi.
Cụ thể: Đối với Luật Nuôi con nuôi cần phải nghiên cứu sửa đổi quy định về thủ tục nhận con nuôi của vợ, chồng sau khi đăng ký kết hôn theo hướng nhận con riêng của vợ, chồng làm con nuôi. Việc nhận con nuôi trong trường hợp này cần đơn giản về thủ tục và hồ sơ để tạo thuận lợi cho người dân.
Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định về thu hồi, hủy giấy chứng nhận việc nuôi con và quyết định cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài trong những trường hợp nhất định vì lợi ích trẻ em…
Đối với Nghị định 19 “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi” cần nghiên cứu, bổ sung quy định thẩm quyền thay đổi họ tên của con nuôi và thay đổi thành phần khai về cha mẹ đối với việc nuôi con nuôi nước ngoài. Nghiên cứu bổ sung thủ tục nhận con nuôi của vợ, chồng làm con nuôi theo hướng đơn giản về hồ sơ và thủ tục. Sau khi đăng ký nuôi con nuôi thì tiến hành thủ tục bổ sung hộ tịch.
Bổ sung quy định không giải quyết yêu cầu thay đổi phần khai về cha, mẹ trong trường hợp người nhận con nuôi là người độc thân nhưng trẻ em có cả cha và mẹ đẻ… Cùng với đó, cần tăng cường công tác phối hợp, kết hợp liên ngành để thực hiện tốt Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Haye.
Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi; nâng cao nguồn lực cán bộ và trình độ, nhận thức của cán bộ làm công tác đăng ký nuôi con nuôi, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Bảo đảm kinh phí hoạt động, đầu tư thích đáng cho việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước về nuôi con nuôi./.