Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo và điều hành của Chính phủ

Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 chưa bao quát được hết các chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ trong quá trình điều hành hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày Tờ trình về dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Tờ trình về dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 3/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình bốn dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và Luật Thú y.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Trình bày Tờ trình về dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nêu rõ sau hơn 12 năm thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001, Chính phủ đã tập trung quản lý, điều hành vĩ mô trên các mặt của đời sống kinh tế-xã hội; từng bước xóa bỏ cơ chế chủ quản của các bộ đối với doanh nghiệp; tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng cung cấp dịch vụ công của các bộ, cơ quan ngang bộ; xây dựng nền hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt, liên tục và hiệu lực, hiệu quả từ trung ương đến địa phương.

Chính phủ đã xây dựng và kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở; khắc phục những chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động của bộ máy nhà nước...

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 chưa bao quát được hết các chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ trong quá trình điều hành hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Các quy định chưa phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, chưa bao quát hết các lĩnh vực quản lý nhà nước và chưa tương xứng với vị trí, vai trò của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cao nhất; chưa phân định rõ vị trí, chức năng của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ.

Mối quan hệ giữa Chính phủ với chính quyền địa phương chưa được xác định cụ thể, nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với chính quyền địa phương; chưa thực hiện tốt nguyên tắc cơ quan cấp dưới phải phục tùng sự chỉ đạo, lãnh đạo và các quyết định của cơ quan cấp trên. Hơn nữa, Hiến pháp năm 2013 đã có nhiều quy định mới về Chính phủ và các thiết chế tổ chức quyền lực nhà nước. Vì những lý do này, việc sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 là cần thiết.

Dự án luật đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013; kế thừa, phát triển và hoàn thiện những quy định của Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm là hợp lý và có hiệu quả; luật hóa các vấn đề thực tiễn đòi hỏi trong hoạt động của Chính phủ mà chưa được pháp luật điều chỉnh.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tính chủ động, sáng tạo, năng động, linh hoạt để giải quyết kịp thời các vấn đề của thực tiễn cuộc sống, phù hợp với Hiến pháp năm 2013...

Dự thảo Luật kết cấu gồm tám chương, 50 điều.

Cơ bản tán thành với mục tiêu, quan điểm xây dựng Luật, Ủy ban pháp luật - cơ quan thẩm tra dự án Luật đề nghị Tờ trình cần bổ sung quan điểm xây dựng một Chính phủ sáng tạo, năng động, tinh gọn về tổ chức, hiệu lực, hiệu quả về hoạt động, đủ tầm quản lý, giải quyết các nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập và hợp tác quốc tế.

Ủy ban pháp luật đề nghị dự thảo Luật cần tập trung cụ thể hóa mối quan hệ giữa Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; phân định thẩm quyền của Bộ trưởng với tư cách là thành viên của Chính phủ và Bộ trưởng với tư cách là người đứng đầu ngành, lĩnh vực được phân công quản lý.

Xác định, phân định rõ lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo hoặc bỏ sót lĩnh vực không có cơ quan quản lý; khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên Chính phủ, lên Thủ tướng Chính phủ; xây dựng cơ chế khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy định của Hiến pháp về việc người đứng đầu Chính phủ có nghĩa vụ báo cáo trước nhân dân về những vấn đề quan trọng mà Chính phủ phải giải quyết.

Bảo đảm tính thống nhất, thông suốt trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp

Tờ trình về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương nêu rõ sau hơn 10 năm thực hiện Luật Tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân năm 2003 (sau đây gọi là Luật năm 2003), hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp đã không ngừng được củng cố và hoàn thiện, cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ở địa phương theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp trong thời gian qua và yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới cho thấy Luật năm 2003 đã bộc lộ những vấn đề cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Đó là quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân cơ bản giống nhau ở cả ba cấp, chưa thể hiện tính gắn kết thống nhất giữa hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân cùng cấp trong chỉnh thể chính quyền địa phương; chưa phân biệt theo đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo; chưa phân định rõ thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương; một số nhiệm vụ theo luật định, chính quyền cấp xã không có khả năng thực thi.

Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm mới về chính quyền địa phương; định hướng của Đảng yêu cầu tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, phân biệt giữa chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo; đẩy mạnh phân cấp giữa Trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương cần được thể chế hóa trong Luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp. Vì vậy việc xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương để thay thế Luật năm 2003 là cần thiết thiết.

Dự án luật được xây dựng trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa Chính phủ với chính quyền địa phương cấp tỉnh, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc và mối quan hệ công tác của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ở các đơn vị hành chính bảo đảm gắn kết thống nhất giữa hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân cùng cấp trong chỉnh thể chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; phân định cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền giữa tập thể ủy ban nhân dân và cá nhân Chủ tịch ủy ban nhân dân theo hướng đề cao trách nhiệm người đứng đầu...

Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương điều chỉnh các vấn đề về tổ chức đơn vị hành chính; về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính; về nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương; về tổ chức, hoạt động của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân và mối quan hệ giữa hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và Nhân dân.

Dự án Luật xây dựng hai phương án: Không tổ chức hội đồng nhân dân ở quận, phường; Tổ chức hội đồng nhân dân ở tất cả các đơn vị hành chính.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định về tổ chức đơn vị hành chính, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã); còn tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt do Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt quy định.

Ủy ban pháp luật là cơ quan thẩm tra có quan điểm, theo quy định của Hiến pháp thì đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt cũng là một loại đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì vậy, một số vấn đề có tính nguyên tắc về đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt như điều kiện, trình tự thành lập, giải thể, mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại các đơn vị này cần được quy định trong Luật tổ chức chính quyền địa phương để bảo đảo tính thống nhất.

Còn những nội dung đặc thù về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động cũng như các chính sách ưu đãi đối với các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt sẽ được quy định ở văn bản khác.

Đánh giá dự thảo Luật vẫn còn nhiều quy định về các trình tự, thủ tục, về hoạt động của chính quyền địa phương, Ủy ban pháp luật cho rằng Luật tổ chức chính quyền địa phương chỉ nên tập trung quy định những vấn đề về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những nguyên tắc hoạt động chính, còn những vấn đề về trình tự, thủ tục, cách thức hoạt động thì cần được cân nhắc kỹ và chỉ đưa vào luật những quy định thật sự cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Những nội dung cụ thể khác liên quan đến hoạt động của chính quyền địa phương sẽ được quy định trong các văn bản khác. Ủy ban pháp luật đề nghị Chính phủ cần rà soát lại phạm vi điều chỉnh để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bảo đảm cho công dân thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc

Tờ trình dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) khẳng định để đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới; bảo đảm cho công dân thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc theo quy định của Hiến pháp; đồng thời để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, việc sửa đổi Luật Nghĩa vụ quân sự là cần thiết.

Dự án luật đã quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011), Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới với mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, bảo đảm giành thắng lợi trong mọi tình huống.

Từng bước giải quyết và góp phần bảo đảm công bằng xã hội trong thực hiện nghĩa vụ quân sự; phù hợp với đặc thù quân sự, điều kiện phát triển của đất nước, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Dự án Luật đã kế thừa những nội dung còn phù hợp, sửa đổi, bổ sung những nội dung vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện; bổ sung những nội dung mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Làm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của tổ chức, cá nhân trong thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, đảm bảo tính khả thi và ổn định lâu dài.

Dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) có tám chương và 60 điều.

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban quốc phòng và an ninh đề nghị dự án Luật cần thể hiện rõ hơn theo tinh thần mới của Hiến pháp năm 2013, để phù hợp với yêu cầu kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; chính sách nghĩa vụ quân sự phải bảo đảm thực hiện phương châm vừa xây dựng lực lượng thường trực chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có số lượng hợp lý, vừa xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu.

Đổi mới chế độ chính sách đối với người thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, động viên thanh niên hăng hái phục vụ trong quân đội và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân để bảo đảm công bằng xã hội, đồng thời thực hiện yêu cầu cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, khắc phục những mặt bất cập và hạn chế hiện nay.


Bổ sung nhiều nội dung phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước về thú y

Theo Tờ trình của dự án Luật Thú y do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trình bày, sau 10 năm thi hành, Pháp lệnh Thú y 2004 đã góp phần quan trọng tạo cơ sở pháp lý cho việc phòng, chống, khống chế dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; tăng cường hiệu lực nhà nước về quản lý thuốc thú y, hành nghề thú y...

Tuy nhiên, đến nay, Pháp lệnh đã bộc lộ một số hạn chế như chưa đáp ứng được yêu cầu của hoạt động quản lý nhà nước về thú y trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Ở tầm Pháp lệnh, các quy định chỉ mang tính cụ thể trước mắt, chưa xác lập những quy định pháp luật với tầm nhìn chiến lược cho một giai đoạn phát triển mới.

Bên cạnh đó, việc thiếu các quy định đáp ứng yêu cầu thực tế trong hoạt động thú y như đẩy mạnh xã hội hóa, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính đã làm giảm hiệu lực và hiệu quả của một công cụ pháp lý quan trọng trong hoạt động thú y trong thời kỳ mới. Do vậy cần thiết phải xây dựng Luật thú y thay thế Pháp lệnh thú y 2004.

Dự thảo Luật Thú y gồm có bảy Chương, 121 Điều.

Cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật, cơ quan thẩm tra Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nhấn mạnh thêm việc ban hành Luật còn nhằm thể hiện rõ quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước trong công tác thú y.

Đánh giá nội dung của dự thảo Luật đã cơ bản thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về công tác thú y nhưng cơ quan thẩm tra vẫn đề nghị dự thảo Luật cần được tiếp tục nghiên cứu, tiếp cận theo hướng gắn kết công tác thú y phục vụ cho phát triển chăn nuôi, lấy phòng bệnh là chính, tăng cường trách nhiệm của chủ cơ sở chăn nuôi; việc quản lý, kiểm soát dịch bệnh phải được quản lý theo chuỗi từ chăn nuôi đến bàn ăn.

Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết và kế thừa thực tiễn trên 20 năm thi hành Pháp lệnh Thú y (được ban hành năm 1993 và sửa đổi năm 2004), đã bổ sung nhiều nội dung mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước về thú y và yêu cầu hội nhập quốc tế như quy định về giám sát dịch bệnh (Điều 17); quy định về kinh phí cho phòng, chống dịch bệnh (Điều 22, Điều 23).

Nội dung các điều khoản trong Dự thảo Luật tương đối chi tiết, rõ ràng, hạn chế tối đa các quy định giao Chính phủ hướng dẫn nên khi Luật được ban hành có thể thực thi được ngay.

Sáng mai, theo dự kiến chương trình, các đại biểu Quốc hội t hảo luận ở tổ về d ự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và d ự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục