Liên quan đến tiến độ các trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc-Nam, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Nguyễn Quang Giang, Phó Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết các công trình dịch vụ thiết yếu nhằm phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 chưa thể hoàn thành nên sẽ tiếp tục duy trì trạm dừng nghỉ tạm dọc tuyến.
Mặt bằng cản tiến độ thi công trạm dừng nghỉ
- Xin ông cho biết tiến độ 8 trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 hiện nay ra sao?
Ông Nguyễn Quang Giang: Trong 8 trạm dừng nghỉ đã lựa chọn được nhà đầu tư trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông, có 2 trạm đã có mặt bằng đủ điều kiện thi công, 3 trạm đã có mặt bằng một phần và 3 trạm chưa có mặt bằng.
Cụ thể, 2 trạm đã có mặt bằng đủ điều kiện thi công là trạm dừng nghỉ Mai Sơn-Quốc lộ 45 đã bàn giao mặt bằng 100% đã đủ điều kiện mặt bằng thi công (đã thực hiện đền bù, bồi thường trước ngày 1/8/2024 của Luật Đất đai) và trạm dừng nghỉ Vĩnh Hảo-Phan Thiết (Km205+092), Ban Quản lý dự án 7 và nhà đầu tư đã chủ động công tác giải phóng mặt bằng.
Trạm dừng nghỉ Diễn Châu-Bãi Vọt mặt bằng đạt 4,65/9,1ha, (đạt 51,1%), Nghi Sơn-Diễn Châu bàn giao đạt 5,6/8,4ha (đạt 66,67%) mặc dù đã bàn giao một phần nhưng chưa đủ điều kiện thi công do các hạng mục chủ yếu như đường ra vào trạm, nhà vệ sinh thuộc phần mặt bằng chưa được bàn giao; trạm dừng nghỉ Phan Thiết-Dầu Giây mặt bằng hoàn thành 6,39/11,9ha (đạt 53,7%)) có vị trí thuận lợi hơn khi phần mặt bằng bàn giao có thể triển khai xây dựng hạng mục nhà vệ sinh.
Còn lại 3 trạm chưa có mặt bằng gồm Nha Trang-Cam Lâm (tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn lập đơn giá đền bù bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Luật Đất đai 2024 làm cơ sở áp giá, dự kiến đầu năm 2025 mới có kết quả); Cam Lâm-Vĩnh Hảo vẫn đang chờ tỉnh ban hành quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Luật Đất đai 2024; Vĩnh Hảo-Phan Thiết (Km144+560) chưa bàn giao mặt bằng do có tranh chấp, chồng lấn ranh giới giữa người dân và tổ chức trên phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án, có nguy cơ khiếu kiện kéo dài.
- Vì sao công tác giải phóng mặt bằng vẫn chậm chễ dù Bộ Giao thông Vận tải liên tục có các văn bản đề nghị địa phương tháo gỡ nhằm bàn giao cho nhà đầu tư?
Ông Nguyễn Quang Giang: Qua quá trình làm việc tại hiện trường, tiến độ thực hiện dự án chậm chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng, gặp nhiều vướng mắc với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Chậm bàn giao mặt bằng, nguy cơ vỡ tiến độ trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc-Nam
Cục Đường cao tốc Việt Nam đang đàm phán, đề nghị các nhà đầu tư trúng thầu để rút ngắn tiến độ thi công, hoàn thành các trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.
Đó là việc các tỉnh chậm trong việc ban hành quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành kể từ 1/8/2024; chậm ban hành các bảng giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng do chưa thống nhất được phương án bồi thường với người dân, doanh nghiệp; nhiều vị trí mặt bằng bị tranh chấp pháp lý, địa phương đang tìm cách tháo gỡ giải quyết… nên các nhà đầu tư chỉ triển khai được các công tác nội nghiệp như công tác thiết kế, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, chuẩn bị các thủ tục lựa chọn nhà thầu...
Với những trạm dừng nghỉ này, các Ban Quản lý dự án 7, 85, đường Hồ Chí Minh và nhà đầu tư đang làm việc với địa phương để tháo gỡ trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hiện tại các trạm còn vướng nhiều thủ tục về pháp lý, có trạm có nguy cơ khiếu kiện kéo dài, không có chuyển biến.
- Vậy, liệu 8 trạm dừng nghỉ này có đưa vào khai thác trước các công trình dịch vụ thiết yếu như nhà vệ sinh, trạm xăng, dịch vụ sửa chữa xe?
Ông Nguyễn Quang Giang: Do công tác giải phóng mặt bằng chậm, gặp rất nhiều khó khăn nên việc đưa một số công trình dịch vụ công vào phục vụ người tham gia giao thông trước dịp Tết Nguyên đán (ngày 25/1/2025) khó có thể đáp ứng.
Trong 8 trạm dừng nghỉ trên, việc phấn đấu đưa một số công trình dịch vụ công vào phục vụ người tham gia giao thông dịp Tết chỉ có trạm Vĩnh Hảo-Phan Thiết (Km205+092) và trạm Phan Thiết-Dầu Giây (Km47+500) là có khả thi, trạm Mai Sơn-Quốc lộ 45 do mới được bàn giao mặt bằng tháng 10/2024 và các trạm chưa có mặt bằng còn lại tiếp tục phải duy trì và bổ sung thêm trạm dừng nghỉ tạm.
Không thể làm các cây xăng tạm dọc tuyến
- Có thể thấy, xe lưu thông trên các tuyến cao tốc Bắc-Nam đưa vào khai thác vẫn chưa có một trạm xăng nào để phục vụ việc đổ nhiên liệu. Và thực tế này khiến nhiều chủ xe gặp nhiều bất tiện và khó khăn khi chạy đường dài, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Giang: Để phục vụ nhu cầu của chủ phương tiện lưu thông trên cao tuyến cao tốc Bắc-Nam trong khi chờ các trạm dừng nghỉ, trước đây, các nhà đầu tư đã có đề xuất phương án làm các cây xăng tạm ở các trạm dừng nghỉ tạm.
Do nhiều đoạn tuyến có chiều dài cả trăm cây số, lại chưa có trạm dừng nghỉ. Trường hợp ôtô muốn đổ xăng lại bắt buộc phải đi lối ra đấu nối với đường quốc lộ hoặc đường tỉnh địa phương. Như vậy sẽ rất bất tiện và không thuận lợi cho người dân lưu thông trên các tuyến cao tốc Bắc-Nam. Tuy nhiên việc cấp phép hoạt động tạm cho các cây xăng tạm chưa có quy định nên khó triển khai thực hiện.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ, Cục Đường cao tốc Việt Nam yêu cầu các ban quản lý dự án, nhà đầu tư/doanh nghiệp phải căn cứ điều kiện thực tế trên công trường để xây dựng lại tiến độ chi tiết, tổng thể của dự án; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, thực hiện các giải pháp thiết kế, thi công phù hợp để bảo đảm tiến độ dự án; tập trung nguồn lực, tăng cường thiết bị, nhân lực, vật tư, vật liệu nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đạt mục tiêu hoàn thành cơ bản các công trình dịch vụ công thiết yếu trong thời gian sớm nhất.
- Các trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 hiện nay đã lựa chọn được nhà đầu tư chưa, thưa ông? Liệu tiến độ có hoàn thành vào để đưa vào khai thác đồng bộ cùng các dự án cao tốc vào cuối năm 2025?
Ông Nguyễn Quang Giang: Với 13 trạm còn lại gồm: Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Hàm Nghi-Vũng Áng, Vũng Áng-Bùng, Bùng-Vạn Ninh, Vạn Ninh-Cam Lộ, Cam Lộ-La Sơn, Quảng Ngãi-Hoài Nhơn (trạm Km77+820 và trạm Km15+620), Hoài Nhơn-Quy Nhơn, Quy Nhơn-Chí Thạnh, Vân Phong-Nha Trang, Cần Thơ-Hậu Giang, Hậu Giang-Cà Mau, Cục Đường cao tốc Việt Nam cùng các ban quản lý dự án cũng sẽ nỗ lực để rút ngắn tối đa các thời gian trong công tác tổ chức lựa chọn nhà đầu tư (đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định kết quả lựa chọn, đàm phán hợp đồng...), dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 1/2025 trong trường hợp thuận lợi.
Sẽ hoàn thành các trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc-Nam phía Đông trong năm 2025
Bộ Giao thông Vận tải cho biết các đơn vị đang tích cực triển khai xây dựng và mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành 36 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.
Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương cần nỗ lực hơn nữa, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng các trạm dừng nghỉ để sớm bàn giao mặt bằng đủ điều kiện thi công trong tháng 12/2024 đối với 6 trạm dừng nghỉ đã lựa chọn nhà đầu tư để sớm hoàn thành, khai thác đồng bộ với các dự án cao tốc đã đưa vào vận hành, khai thác và trong tháng 1/2025 đối với 13 trạm dừng nghỉ còn lại để hoàn thành vào cuối năm 2025.
- Xin cảm ơn ông./.