Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị

Từ Đại hội Đảng toàn quốc VI đến nay, BCH Trung ương đã ra nhiều nghị quyết về đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị.
Hệ thống chính trị ở Việt Nam bao gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội được tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở.

Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đến nay, Ban Chấp hành Trung ương đã ra nhiều nghị quyết về đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cải cách tiền lương và đạt được những kết quả quan trọng.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X và Trung ương 5 khóa IX, Bộ Chính trị (khóa X) đã tổ chức 13 cơ quan tham mưu, giúp việc thành 6 cơ quan; kiện toàn tổ chức một số cơ quan, ban chỉ đạo, hội đồng ở Trung ương theo tinh thần Nghị quyết.

Sau 4 năm, việc hợp nhất các ban đảng Trung ương về lĩnh vực kinh tế và nội chính. Vì vậy, Ban chấp hành Trung ương (khóa XI) đã quyết định thành lập lại Ban nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương; do đó, đến nay số cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương Đảng là 8 cơ quan. Có cơ quan sau khi sắp xếp, kiện toàn bộc lộ nhiều vướng mắc kéo dài trong quá trình hoạt động chậm được khắc phục hoặc triển khai thực hiện nghị quyết chậm.

Cơ cấu tổ chức bộ máy của Quốc hội ngày càng được kiện toàn hợp lý hơn. Số lượng đại biểu chuyên trách được tăng lên, chất lượng đại biểu Quốc hội từng bước được nâng cao.

Hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban có nhiều cải tiến. Đảng đoàn Quốc hội đã có đổi mới trong lãnh đạo hoạt động của Quốc hội. Hoạt động lập pháp tiến bộ cả về số lượng, chất lượng. Quy trình lập pháp tiếp tục được cải tiến theo hướng đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành luật, đảm bảo tốt hơn tính đồng bộ, thống nhất, đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý bằng pháp luật của đất nước.

Tuy nhiên, thẩm quyền, mối quan hệ công tác, cơ chế phối hợp giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan, tổ chức có liên quan còn một số vấn đề chưa thật rõ ràng và hợp lý.

Hệ thống tổ chức bộ máy của tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, kiểm toán nhà nước các cấp từng bước được kiện toàn, củng cố theo yêu cầu cải cách tư pháp, chất lượng hoạt động từng bước được nâng nên.

Tổng số cán bộ, công chức, viên chức (từ cấp huyện trở lên) hưởng lương ngân sách nhà nước là hơn 2 triệu người, tăng 13,5% so với trước khi thực hiện Nghị quyết.

Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từng bước được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước và cung ứng các dịch vụ công.

Công tác đảm bảo chế độ, chính sách như tiền lương, chế độ hưu trí, bảo hiểm, trợ cấp... được quan tâm từng bước cải thiện.

Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ sở xã, phường, thị trấn. Các đảng bộ, chi bộ ở xã, phường, thị trấn giữ được vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở; đổi mới nội dung, quy trình, cách ra nghị quyết theo hướng ngày càng phát huy dân chủ trong cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đổi mới sự lãnh đạo đối với chính quyền và các đoàn thể. Chất lượng các kỳ họp Hội đồng Nhân dân từng bước được nâng lên, thiết thực, hiệu quả hơn. Nhiều nơi đã xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề và thực hiện quyền chất vấn của đại biểu.

Ủy ban Nhân dân cấp xã có nhiều tiến bộ trong việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước phù hợp với tình hình địa phương. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở xã, phường, thị trấn đã xây dựng quy chế hoạt động, xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của đoàn thể mình và từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn việc phản ánh tâm tư, nguyện vọng và bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên.

Cơ quan lãnh đạo của Đảng: tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa X; bổ sung, hoàn thiện về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, cấp ủy đảng các cấp theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm, mở rộng dân chủ. Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, các chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng và các cấp ủy các cấp có chất lượng.

Tiếp tục đổi mới cách ra nghị quyết, tập trung vào lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết thực hiện nghị quyết của Đảng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong Đảng. Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở xã, phường, thị trấn cho phù hợp với thực tế; sơ kết ciệc thành lập chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn; thống nhất mô hình tổ chức đảng ở cơ sở phù hợp với tổ chức dân cư dưới cấp xã.

Thực hiện Cương lĩnh của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI là tiếp tục hoàn thiện bộ máy nhà nước, tạo bước chuyển mạnh về cải cách lập pháp, hành  pháp và tư pháp. Thực hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa cac cơ quan trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hoàn thiện cơ chế để tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Trước mắt, giữ ổn định các ủy ban và Hội đồng dân tộc của Quốc hội, nghiên cứu bổ sung một số thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghiên cứu bổ sung một số thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực giữa hai kỳ họp Quốc hội. Bổ sung thêm thẩm quyền, trách nhiệm của Hội đồng dân tộc, các ủy ban, điều chỉnh số lượng lãnh đạo cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan.

Từng bước tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách trên cơ sở bảo đảm tính đại diện, tính chuyên nghiệp đồng thời với nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu (trong nhiệm kỳ tới từ 35-40%, tiến tới khoảng 50% tổng số đại biểu); tăng đại biểu chuyên trách làm việc ở Hội đồng dân tộc và các ủy bàn là các chuyên gia, am hiểu sâu các lĩnh vực chuyên môn (tiến tới khoảng 50% thành viên các ủy ban là đại biểu chuyên trách). Xây dựng cơ chế gắn trách nhiệm của đại biểu với cử tri, trước hết là cử tri tại nơi bầu cử.

Hoàn thiện chế định Chủ tịch nước trong HIến pháp và pháp luật nhằm xác định rõ và cụ thể hơn quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại, thống lĩnh các lực lượng vũ trang; quan hệ giữa Chủ tịch nước với các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Tiếp tục đổi mới hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, quản lý thống nhất, thông suốt, tinh gọn, hợp lý, nâng cao hơn hiệu lực, hiệu quả các cơ quan nhà nước, khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý trên một số lĩnh vực. Điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành tập trung vào quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, khắc phục những chồng chéo hoặc bỏ trống về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý; làm rõ mối quan hệ phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; bảo đảm nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Hoàn thiện cơ chế phân cấp theo hướng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, đồng thời bảo đảm sự quản lý thống nhất của Trung ương.

Sớm hoàn thành quy hoạch để bảo đảm cơ bản giữ ổn định số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã. Sớm tổng kết việc thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường để có chủ trương thực hiện trong thời gian tới.

Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tổ chức hệ thống tòa án theo thẩm quyển xét xử, bảo đảm cải cách hoạt động xét  xử là trọng tâm của hoạt động tư pháp; mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các khiếu kiện hành chính, giải quyết tranh chấp về đất đai; đổi mới cơ chế giám đốc thẩm, tái thẩm.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng độ ngũ cán bộ, công chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực, kỹ năng công tác, kết hợp việc đào tạo, bồi dưỡng với thực hiện luân chuyển để rèn luyện trong thực tiễn, xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu cấp chiến lược cho các cơ quan của Đảng, Nhà nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục