Tiếp tục đề xuất những chính sách tháo gỡ khó khăn do COVID-19

Năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đề xuất những chính sách cụ thể để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 phù hợp với thực tiễn.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 202, ngày 8/1. (Ảnh: Vietnam+)

“Năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ động nghiên cứu, đề xuất những chính sách cụ thể để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 phù hợp với diễn biến thực tiễn.”

Nội dung trên được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 202, ngày 8/1

Tiên phong trong cải cách và đổi mới

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê sẽ tiếp tục nâng cao vị thế của Bộ trong công tác tham mưu tổng hợp chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành là thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ.

Bộ cũng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai chương trình, kế hoạch công tác phục vụ tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khoá XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Bên cạnh đó, cơ quan Bộ sẽ xây dựng và ban hành các chương trình hành động, kế hoạch công tác để thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các kết luận, nghị quyết của Đảng, Quốc hội ngay sau khi được thông qua để triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2021.

Năm 2020 có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong cả giai đoạn 2016-2020 (Ảnh minh họa/Vietnam+)

Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết thêm, năm nay, Bộ sẽ khẩn trương xây dựng, hoàn thiện ngay các báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 5 năm trước và kế hoạch 5 năm tiếp theo, cũng như đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tình hình thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự kiến Chương trình hành động.

Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng

Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhìn nhận giai đoạn 2016-2020, toàn cầu hóa, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo cùng với sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại nhiều cơ hội, song cũng có nhiều bất ổn nổi lên như sự gia tăng chiến lược giữa các nước lớn, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc và các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống… Trong nước, kế thừa thành tựu của 30 năm đổi mới, nhưng nền kinh tế của Việt Nam có độ mở lớn nên những ảnh hưởng từ bên ngoài gia tăng, cùng với những bất cập trong nội tại nền kinh tế, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai… xảy ra cũng cực đoan hơn, đặc biệt là đại dịch COVID-19 chưa từng có trong lịch sử từ đầu năm 2020 đã tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước.

Trong hoàn cảnh đó, Bộ đã chủ trì xây dựng trình Chính phủ ban hành các Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Cụ thể, Bộ đã báo cáo Chính phủ, trình Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) ban hành Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Nhiều chính sách lớn hướng tới đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong năm 2021. (Ảnh minh họa/ Vietnam+)

Trong năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới đã tác động mạnh mẽ đến toàn bộ các lĩnh vực kinh tế-xã hội của nước ta. Bộ đã chủ động xây dựng các nghị quyết, chỉ thị, công điện, đề án, tờ trình, báo cáo về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, khắc phục tác động của đại dịch để phục hồi và phát triển kinh tế trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Bộ Chính trị, Quốc hội.

59/63 địa phương đã và đang hoàn thiện quy hoạch

Về công tác quy hoạch, Thứ trưởng cho hay ngay sau khi Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn và chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương triển khai ngay các bước xây dựng, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch theo quy định.

“Mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ trước các quy định mới, phương pháp mới, nhưng đến nay, nhiều quy hoạch ngành quốc gia đã được các bộ khẩn trương triển khai, 59/63 địa phương đã hoặc đang hoàn thiện phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được bước tiến đáng kể, đang trong quá trình hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định với nhiều nội dung cải cách, đổi mới, đột phá, nhất là về quan điểm và phương pháp tiếp cận phát triển vùng trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu,” Thứ trưởng nói.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025 để làm căn cứ triển khai các nhiệm vụ từng bước cơ cấu lại đầu tư công. Việc lập và giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2016-2020 đã đổi mới theo hướng hiện đại, tập trung, công khai, minh bạch, tăng cường phân cấp cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương gắn liền với việc theo dõi, đánh giá, kiểm tra việc thực hiện… Nhờ đó, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước được nâng cao.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, những năm vừa qua Bộ đã tham mưu trình Chính phủ ban hành các Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2020 đã đạt 82,8% (đến ngày 31/12/2020).

“Đây là năm có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong cả giai đoạn 2016-2020,” ông Phương nói.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục