Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 16/10, Ai Cập, Sudan và Ethiopia đã khởi động vòng đám phán ba bên lần thứ hai liên quan đến dự án đập thủy điện gây tranh cãi "Đại phục hưng" trên thượng nguồn sông Nile.
Diễn ra sau cuộc gặp vào tháng Chín của Ủy ban Kỹ thuật Quốc gia (TNC) tại Ethiopia, vòng đàm phán mới này nhằm mục đích tìm kiếm thỏa thuận về việc lựa chọn hãng tư vấn quốc tế đánh giá tác động của dự án đập thủy điện trên đối với các nước ở hạ lưu, cũng như thiết lập các cơ chế trao đổi thông tin kỹ thuật giữa ba nước liên quan.
Phát biểu trước khi bước vào bàn đàm phán chính thức, Bộ trưởng Tài nguyên nước và Thủy lợi Ai Cập Hossam Moghazy nhấn mạnh các cuộc thảo luận về sông Nile phải đạt được một "kịch bản có lợi cho tất cả các bên.''
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài nguyên nước Ethiopia Alemayehu Tegenu khẳng định cam kết hợp tác với Ai Cập và Sudan, đồng thời nhấn mạnh rằng chính sách đối ngoại của Addis Ababa là theo đuổi "cách thức tiếp cận cùng có lợi.''
Ông Tegenu tuyên bố mục tiêu của dự án thủy điện ở thượng nguồn sông Nile là "góp phần xóa đói giảm nghèo bằng cách cung cấp năng lượng sạch cho Ethiopia và khu vực.''
Theo trưởng đoàn chuyên gia của Ai Cập Alaa Yassin, ba nước đang đàm phán để lựa chọn một văn phòng luật độc lập nhằm ký hợp đồng với hãng tư vấn do TNC lựa chọn.
Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận về việc lựa chọn hãng tư vấn, một ủy ban gồm các chuyên gia quốc tế sẽ được lựa chọn trong vòng đàm phán diễn ra vào tháng tới để tiến hành các cuộc nghiên cứu, đánh giá tác động của dự án đập thủy điện ở Ethiopia.
Ethiopia bắt đầu đổi hướng dòng chảy của sông Nile hồi tháng 5/2013 để xây dựng đập "Đại Phục hưng,'' dự kiến sẽ trở thành đập thủy điện lớn nhất châu Phi sau khi được hoàn thành vào năm 2017 với chi phí dự tính lên tới 4,2 tỷ USD.
Dự án trên đã vấp phải sự phản đối từ phía Ai Cập vì cho rằng đập sẽ làm gián đoạn dòng chảy của sông Nile. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống Ethiopia Mulatu Teshome cho biết công trình này đã hoàn thành 40% khối lượng công việc và dự kiến giai đoạn một của dự án có công suất 700 MW sẽ được đưa vào vận hành vào tháng Sáu năm tới.
Theo một thỏa thuận ký kết với Anh năm 1929, Ai Cập có quyền phủ quyết bất kỳ dự án nào tại các nước thượng nguồn ảnh hưởng đến lưu lượng nước sông Nile chảy qua lãnh thổ nước này, song thỏa thuận đó chỉ mang tính ràng buộc đối với 3 quốc gia thượng nguồn từng là thuộc địa của Anh gồm Tanzania, Kenya và Uganda.
Năm 1959, Ai Cập và Sudan ký một thỏa thuận cho phép Cairo khai thác 66% tổng lưu lượng nước sông Nile mỗi năm, trong khi Sudan được khai thác 22% (tỷ lệ 12% còn lại thất thoát do nước bay hơi).
Tuy nhiên, các nước thượng nguồn cho rằng họ không phải là một bên tham gia ký kết thỏa thuận trên và do vậy không thừa nhận tính chất hợp pháp của văn bản này.
Tháng 5/2010, Ethiopia soạn thảo một thỏa thuận mới, theo đó cho phép các nước khác thuộc lưu vực sông Nile được thực hiện các dự án khai thác nguồn nước mà không cần sự chấp thuận của Ai Cập./.