Tiếp tục cung cấp nhiều dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia

Chính thức khai trương từ 9/12/2019, Cổng Dịch vụ công quốc gia gồm 8 nhóm dịch vụ đến nay đã có 512 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 288 dịch vụ công cho doanh nghiệp.
Tiếp tục cung cấp nhiều dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia ảnh 1Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Hội nghị trực tuyến “Giới thiệu Cổng dịch vụ công quốc gia và những lợi ích dành cho doanh nghiệp” do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Chính phủ Australia tổ chức đã diễn ra ngày 12/6, tại điểm cầu chính Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho xã hội

Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cho biết từ đầu nhiệm kỳ 2016-2020 đến nay, Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 6.776/9.926 danh mục ngành hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.

Như vậy, đã cắt giảm, đơn giản hóa khoảng hơn 18 triệu ngày công, tương đương tiết kiệm số tiền 6.300 tỷ đồng một năm.

Các Bộ, ngành đã có phương án xử lý chồng chéo 1.051 mặt hàng.

[Việt Nam phấn đấu vào nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử]

Cổng dịch vụ công là giải pháp hữu hiệu điện tử hóa thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp, người dân có thể thực hiện thủ tục hành chính tại tất cả Bộ, ngành địa phương, thực hiện thanh toán các nghĩa vụ về tài chính, các thủ tục liên quan.

Chính thức khai trương từ 9/12/2019, Cổng Dịch vụ công quốc gia gồm 8 nhóm dịch vụ đến nay đã có 512 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 288 dịch vụ công cho doanh nghiệp.

Nhóm thủ tục có tần suất sử dụng cao như đăng ký, thông báo khuyến mãi, chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, khai sinh, thuế...

Tính đến ngày 11/6, đã có 42,6 triệu lượt truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia. Ngoài ra để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, từ ngày 12/5, Cổng dịch công quốc gia đã cung cấp thêm 6 dịch vụ công.

Tiếp tục cung cấp nhiều dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia ảnh 2Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì hội nghị. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Theo ông Mai Tiến Dũng, tới đây Chính phủ tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan điện tử theo chuẩn mực quốc tế và cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là cơ quan đầu mối duy nhất kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu.

Các bộ quản lý ngành sẽ thực hiện kiểm tra hậu kiểm. Việc gửi nhận các văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước, qua trục liên thông văn bản quốc gia được khai trương ngày 12/3/2019 sẽ được tăng cường, từng bước chuyển từ báo cáo giấy sang báo cáo điện tử, qua hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, dự kiến sẽ khai trương trong tháng 8/2020.

Nghị định số 45 ngày 8/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính lần đầu tiên ghi nhận giá trị pháp lý của thủ tục trực tuyến, kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử, công nhận hồ sơ ký số của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm hồ sơ giấy, xác định các quy trình, giao dịch của cơ quan nhà nước, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần xây dựng cho nền kinh tế số.

"Từ tháng 7/2020, Văn phòng Chính phủ sẽ báo cáo Thủ tướng và thực hiện trên toàn quốc việc xác thực bản sao từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Qua đó, người dân có thể thực hiện thủ tục xác thực bản sao bất cứ lúc nào mà không cần đến các cơ quan công chứng công và tư," ôngMai Tiến Dũng cho biết thêm.

Tiếp tục cải cách mạnh mẽ

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong cải cách hành chính thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia đồng thời đóng góp nhiều kiến nghị, đề xuất để Chính phủ hoàn hiện chính sách.

Từ đầu cầu Hà Nội, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới cho rằng, sự tăng nhanh các tài khoản, đặc biệt là doanh nghiệp đăng ký dịch vụ công thời là tín hiệu đáng mừng và là yếu tố để Chính phủ phản hồi, xây dựng các chính sách tốt hơn.

Để cổng dịch vụ công thực sự hấp dẫn hơn đối với doanh nghiệp, ông Ousmane Dione khuyến nghị Chính phủ Việt Nam áp dụng các công nghệ đột phá, nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số thông qua các mô hình cụ thể. Ngân hàng Thế giới sẵn sàng chung tay với các doanh nghiệp trong quá trình cải cách này.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá, dịch vụ công là xu thế của thời đại, song vẫn còn nhiều bất cập, cần phải xây dựng xuyên suốt đồng bộ Cổng dịch vụ công từ Chính phủ đến Bộ ngành, Trung ương và địa phương. Đồng thời cần tăng cường nhận thức và trình độ tin học của cán bộ công quyền từ Trung ương đến địa phương, các bộ ngành trong việc thực hiện các thủ tục hành chính công.

Mặt khác, Văn phòng Chính phủ cần có khảo sát, đánh giá từng quý tỷ lệ thực hiện dịch vụ công, từ đó đưa ra mục tiêu, giải pháp dài hạn.

Còn theo ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng không chỉ tin học hóa các giấy tờ hành chính của Nhà nước mà cần phải thay đổi tư duy cải cách hành chính và cần có cơ chế tiếp cận nguyên tài nguyên dữ liệu trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Tiếp tục cung cấp nhiều dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia ảnh 3Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Đồng quan điểm, đại diện Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng thông tin về thị trường nếu được tích hợp trên cổng thông tin điện tử quốc gia sẽ giúp ích nhiều cho doanh nghiệp trong việc chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tránh thiệt hại.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra quan điểm nhất quán là xây dựng Chính phủ thượng tôn pháp luật, Chính phủ hành động, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu.

Vì thế từ ngày 1/10/2016, Thủ tướng đã giao xây dụng một website tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ mang tên “Chính phủ với doanh nghiệp” và từ 1/4/2017 xây dựng website mang tên “Chính phủ với người dân.”

Đây là kênh giao tiếp tương tác với Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, nhận các phản hồi, phản ánh của doanh nghiệp, của người dân đồng thời công khai thời hạn trả lời ý kiến của người dân, doanh nghiệp.

Ông Mai Tiến Dũng cho hay Văn phòng Chính phủ ghi nhận toàn bộ ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, sẽ tổng hợp, phân tích, giao các Bộ ngành hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm hoàn thiện thể chế, đảm bảo công chức thực thi công vụ một cách tốt nhất và tạo sự đồng thuận của nhân dân.

Quan điểm của Chính phủ là tạo sự minh bạch, công khai trong thực thi công vụ, người dân và doanh nghiệp chỉ cần đăng ký 1 lần tại 1 địa chỉ trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, không phải thực hiện nhiều lần.

Chính phủ cũng mong muốn doanh nghiệp ủng hộ bằng việc tham gia mạnh mẽ Cổng dịch vụ công Quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục