Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước

Mục tiêu hiện tại của Nghị quyết số 12-NQ/TW là xác định những lĩnh vực then chốt cho các doanh nghiệp nhà nước hoạt động, xác định các lĩnh vực cho thành phần kinh tế khác phát triển.
Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước ảnh 1Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ngày 9/9, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình chủ trì hội nghị thông tin chuyên đề, cập nhật kiến thức tình hình triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII "về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước."

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, Đảng luôn coi trọng vai trò của doanh nghiệp nhà nước, xem đó là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Phát triển doanh nghiệp nhà nước là tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng mang yếu tố quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không thể đầu tư.

[Doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn về sẽ đích ở chặng cuối?]

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định Đảng, Nhà nước nhất quán trong việc đánh giá vai trò của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, quan điểm đó không phải cho một giai đoạn nhất định, là xuyên suốt trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế nhà nước là chủ đạo, cùng các cơ chế chính sách, tạo cơ hội cho toàn bộ nền kinh tế phát triển.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần tự tin để có nhận thức đúng về kinh tế nhà nước, từ đó lan tỏa trong toàn xã hội; nhận diện được những việc khó khăn vướng mắc cần phải tháo gỡ để từ đó đề xuất những cơ chế chính sách giúp cho các doanh nghiệp nhà nước nói riêng, kinh tế nhà nước nói chung thực hiện tốt vị trí, vai trò của mình; đóng góp vào việc xây dựng các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII một cách rõ ràng, thiết thực hơn, giúp cho việc triển khai thời gian tới đạt được kết quả theo các yêu cầu của Nghị quyết đã đề ra.

Mục tiêu hiện tại của Nghị quyết số 12-NQ/TW là xác định những lĩnh vực then chốt cho các doanh nghiệp nhà nước hoạt động, xác định các lĩnh vực cho thành phần kinh tế khác phát triển.

Cần hiểu đúng tính chủ đạo của kinh tế Nhà nước, mà doanh nghiệp nhà nước là then chốt, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nêu ra những khó khăn trong việc thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW.

Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước ảnh 2Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chủ tịch Tập đoàn Cao su Việt Nam Trần Ngọc Thuận cho rằng cần đánh giá rõ vai trò vị trí của doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Nêu thực tế đánh giá của xã hội đối với doanh nghiệp nhà nước chưa toàn diện, ông Thuận đồng tình với việc chỉ giữ lại những doanh nghiệp nhà nước trong những lĩnh vực trọng yếu và cho rằng, những dự án yếu kém thuộc doanh nghiệp nhà nước quản lý chỉ là số ít chứ không phải doanh nghiệp nhà nước nào cũng như vậy.

Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) Phạm Xuân Cảnh nhận định công tác thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW của các cơ quan liên quan còn chậm trễ, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên Nghị quyết đã nêu một nhóm vấn đề rất quan trọng, đó là rà soát lại hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách cho doanh nghiệp nhà nước và đặc biệt là đối với các tập đoàn kinh tế.

Sau hai năm thực hiện triển khai Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm; ưu tiên các văn bản pháp lý nhằm thể chế hóa nội dung Nghị quyết.

Các bộ, ngành địa phương đã ban hành, hướng dẫn và tổ chức triển khai chương trình, hành động thực hiện Nghị quyết. Nghị quyết số 12-NQ/TW đã đề ra 6 nhóm quan điểm chỉ đạo với nhiều nội dung đột phá.

Trong đó, nghị quyết xác định, doanh nghiệp nhà nước phải là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối. Doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp nhà nước.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục