Năm 2023, nhiều nhận định cho rằng dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại. Nguyên nhân chính là cầu tín dụng giảm trong bối cảnh lãi suất tăng, các động lực tăng trưởng kinh tế có xu hướng suy giảm và quan điểm hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro của Ngân hàng Nhà nước.
Áp lực từ lạm phát, lãi suất
Các chuyên gia từ VnDirect Research mới đây nhận định sẽ có nhiều nguyên nhân làm chậm đà tăng trưởng tín dụng trong năm nay. Dự báo, tăng trưởng tín dụng có thể sẽ đạt khoảng 12%.
Cụ thể, nhóm phân tích cho hay tín dụng hệ thống đã tăng 14,5% trong 2022, cao hơn mức cùng kỳ năm ngoái (+13,6%). Tuy nhiên, tín dụng chỉ tăng thêm khoảng 5% từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 12 (6 tháng đầu năm đã tăng 9,5% so với đầu năm) - chậm lại rõ rệt khi ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong năm 2022 và kể cả trong các năm tới.
Bên cạnh đó thị trường bất động sản kém khả quan, các chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng và lãi suất tăng cao làm ảnh hưởng lên nhu cầu vay mua nhà.
[Nới room tín dụng: Trợ lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất]
Theo ước tính của các chuyên gia VnDirect, một trong những trụ cột tăng trưởng chính là xuất khẩu cũng sẽ giảm tốc và đạt 9,5% trong năm 2023 (từ mức 14% trong năm 2022). Hơn nữa, các doanh nghiệp sẽ tạm thời ngưng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh lãi suất tăng cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu. Ngoài ra, lạm phát dự kiến vẫn sẽ ở mức cao.
Mặc dù lạm phát toàn cầu đã có dấu hiệu đạt đỉnh, VnDirect nhận thấy lạm phát tại Việt Nam vẫn có thể duy trì mức cao do mức tăng tiền lương 20,8%, có hiệu lực từ tháng 7/2023 và sự tăng giá ở các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng…
Cuối cùng, căng thẳng thanh khoản cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng. Vào cuối quý 3/2022, các ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động(LDR) tăng mạnh, một số ngân hàng đã gần chạm ngưỡng quy định (85%).
Tương tự, trong báo cáo chiến lược mới năm 2023 mới công bố, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Mirae Asset cho rằng Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ không đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao như các năm trước là 14%.
Nhóm phân tích nhận định do các lo ngại về kinh tế vĩ mô cũng như áp lực lạm phát, một bộ phận lớn cư dân sẽ có xu hướng hạn chế chi tiêu và tăng tiết kiệm cũng như tìm kiếm kênh đầu tư an toàn dài hạn. Thêm vào đó, các ngân hàng cũng đang nỗ lực giảm thiểu rủi ro tập trung vì vậy, kênh tín dụng bán lẻ vẫn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng tín dụng trong năm 2023.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2023 sẽ vào khoảng 11%-12%. Nguyên nhân chính là cầu tín dụng giảm trong bối cảnh lãi suất tăng, các động lực tăng trưởng kinh tế có xu hướng suy giảm và quan điểm hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro của nhà điều hành.
Theo kết quả điều tra vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, các tổ chức tín dụng cũng cho rằng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng bình quân 4% trong quý 1/2023 và tăng 13,7% trong năm 2023.
Ngân hàng nào sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao?
"Hé lộ" về hạn mức tín dụng năm 2023, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho hay mặc dù lạm phát của Việt Nam năm nay khả năng dưới 4% bình quân nhưng lạm phát lõi cơ bản tăng nhanh và có dấu hiệu đáng quan ngại.
Vì vậy, định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước là không thể chủ quan với lạm phát. Luật Ngân hàng nhà nước quy định rất rõ phải kiểm soát lạm phát, duy trì sự ổn định của đồng tiền. Đây là mục tiêu xuyên suốt quan trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ.
Ngoài ra Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế như Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) luôn cảnh báo về mức độ rủi ro, an toàn thông qua tỷ lệ đòn bẩy tín dụng. Hiện tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam là một trong nước cao nhất, lên tới 124%. Nếu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 12%/năm kéo dài thời gian tới, tín dụng luôn tăng trưởng gấp đôi GDP, rõ ràng tỷ lệ đòn bẩy tín dụng càng tăng cao, gây áp lực rủi ro tới hệ thống, đặc biệt là an toàn hệ thống ngân hàng trong bối cảnh năng lực tài chính của nhiều ngân hàng chưa đáp ứng được chuẩn mực quốc tế.
"Chính vì vậy, chỉ tiêu tín dụng năm 2023 được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc thận trọng nhưng không có nghĩa là cứng nhắc. Riêng với điều hành tín dụng năm 2023 cũng như các năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước luôn có thông điệp rất rõ ràng đó là hỗ trợ, cung ứng vốn đầy đủ, kịp thời cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát. Luôn lấy mục tiêu lạm phát là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong điều hành tăng trưởng tín dụng," ông Quang khẳng định.
Chia sẻ mới đây tại cuộc họp Chính phủ với các địa phương, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng năm nay bối cảnh trong nước, lạm phát cơ bản đang có xu hướng tăng cao trong khi vẫn cần thực hiện các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, những khó khăn trên thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chưa được giải quyết căn bản.
Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung các giải pháp, ưu tiên cao nhất đảm bảo thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống ngân hàng; tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối; hướng dòng vốn tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Dựa trên những yếu tố này, các chuyên gia dự báo các ngân hàng là Vietcombank, VPBank, MB và HDBank sẽ là những ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng nhiều hơn. Đây là 4 ngân hàng tham gia vào việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém. Do đó, các đơn vị này sẽ được nhận hạn mức tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác, cải thiện thị phần tín dụng trong năm nay./.