Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Theo Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW, với sự điều hành sát sao của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, kinh tế Việt Nam vẫn có động lực đạt tăng trưởng cao.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ảnh 1Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá, Thanh Bình, Đồng Tháp. (Ảnh: Văn Trí/TTXVN)

Tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm thấp nhất trong suốt giai đoạn 2011-2023, chỉ cao hơn so với năm 2020 - năm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

Mức tăng trưởng này cho thấy kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, với sự điều hành sát sao của Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương, kinh tế Việt Nam vẫn có động lực để có thể đạt được mức tăng trưởng cao trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu.

Để có cái nhìn rõ hơn về khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Nếu phân tích về các nguyên nhân khiến tăng trưởng 6 tháng đầu năm chưa như kỳ vọng, theo bà đâu là nguyên nhân chủ yếu?

Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh: 6 tháng đầu năm 2023 là khoảng thời gian khó khăn của kinh tế không chỉ với kinh tế Việt Nam mà cả thế giới. Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được thành tích đáng khích lệ, quý 2 tăng hơn quý 1. Trong đó có một số ngành lĩnh vực tăng tốt như ngành nông nghiệp, tăng tới trên 3%.

Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng tăng trưởng 6 tháng chưa như kỳ vọng và khá thấp trong giai đoạn hơn 10 năm trở lại đây. Điều này là do những khó khăn, thách thức cả bên trong và bên ngoài. Cụ thể, về khó khăn bên ngoài, cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài dẫn đến nhiều khó khăn, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

[IMF: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm]

Điều này khiến nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chính, thị trường lớn của Việt Nam bị sụt giảm. Vì vậy dẫn đến hệ lụy các doanh nghiệp trong các lĩnh vực đều bị giảm đơn hàng, ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Về những khó khăn do nội tại nền kinh tế, mặc dù thời gian qua Chính phủ đã có nhiều cố gắng để xây dựng một một thể chế luật pháp tốt, môi trường đầu tư kinh doanh tốt, nhưng trong thực tế vẫn còn những mẫu thuẫn, chồng chéo trong các quy định pháp luật gây khó khăn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn nhiều thủ tục hành chính rườm rà và chưa có sự kết nối hiệu quả nhất các cơ sở dữ liệu liên quan đến hành chính, thuế, thông tin doanh nghiệp để cho các doanh nghiệp và người dân cũng như cơ quan quản lý nhà nước có thông tin một cách hiệu quả.

- Thời gian qua, lãi suất liên tục giảm nhưng doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được, đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến khu vực doanh nghiệp vẫn đang hết sức khó khăn và chưa thích ứng với những biến động của thị trường. Quan điểm của bà về vấn đề này ra sao?

Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh: Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất. Điều này tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo cách tiếp cận cho doanh nghiệp có nguồn vốn rẻ hơn. Tuy nhiên vấn đề tiếp cận vốn vẫn là một trong những khó khăn mà doanh nghiệp đưa ra. Nguyên nhân xuất phát từ 2 phía.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ảnh 2Bốc xếp hàng container tại cảng Tiên Sa. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Về phía các ngân hàng, các chương trình hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp chưa thực sự được 2 bên khai thác hiệu quả. Các ngân hàng gặp khó khăn nhất định liên quan đến điều kiện ưu đãi trong chương trình hỗ trợ lãi suất doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp do khó khăn tài chính, do các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19 kéo dài nên chưa có điều kiện và đáp ứng đủ điều kiện để vay vốn nên chưa tiếp cận được các gói cho vay đó.

Chính vì vậy, tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất là tiếp lửa cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi vượt qua khó khăn để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được lãi suất một cách chính thống. Bên cạnh đó cần rà soát lại các điều kiện cho vay liên quan đến chương trình hỗ trợ lãi suất 2% để các doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng hơn.

- Giới phân tích đặt kỳ vọng vào sức bật của thị trường nội địa với dự báo về khả năng phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch, dịch vụ. Quan điểm của bà về góc nhìn này như thế nào?

Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh: 6 tháng đầu năm, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều nhiều chính sách hỗ trợ cho thị trường nội địa cũng như ngành dịch vụ và du lịch.

Ví dụ như giữa năm 2023, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua chính sách giảm thuế VAT 2% đối với một số mặt hàng. Điều này có tác động tích cực với sức mua của người dân khi giá cả các mặt hàng được giảm xuống.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Điều này sẽ tạo động lực lớn cho ngành du lịch trong thời gian tới.

Trong 6 tháng cuối năm chúng ta có thể thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng các ngành du lịch, dịch vụ. Vì đây là những ngành có tiềm năng và có thể làm tăng tiêu dùng nội địa và tạo động lực cho sản xuất. 

Sáu tháng cuối năm sẽ là khoảng thời gian có thể tận dụng được các lợi thế chính sách để thúc đẩy ngành dịch vụ du lịch. Ngành dịch vụ sẽ có tác động quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế trong quý 3 và quý 4 để góp phần vào thành tích chung của cả năm 2023.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng thúc đẩy xuất khẩu sẽ vẫn là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng. Các cơ quan quản lý cần tạo điều kiện tốt nhất có thể cho các doanh nghiệp có thể xâm nhập sâu hơn vào thị trường như Mỹ, EU và Nhật Bản. Các cơ quan nhà nước cần rà soát lại các điều kiện, các nội dung mà các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Làm tốt điều này sẽ tạo ra cú hích để xuất khẩu đạt mục tiêu trong năm 2023.

- Theo bà, đâu là giải pháp chính để thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế năm 2023 theo đúng mục tiêu đề ra?

Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh: Trước tiên cần duy trì, kiên định chính sách để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Đây là nội dung quan trọng và chúng ta đã đạt được trong 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải cách các nội dung, mục tiêu trong chương trình phục hồi kinh tế.

Trong đó, cần tập trung các giải pháp hoàn thiện thể chế, tránh chồng chéo, tránh mâu thuẫn trong các quy định pháp luật để tạo điều kiện cho các bộ ngành, địa phương thực thi một cách hiệu quả nhất. Cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể đăng ký thành lập, sản xuất kinh doanh hiệu quả ở Việt Nam.

Ngoài ra, chúng ta cần xây dựng cơ sở dữ liệu hiệu quả để kết nối thông tin cần thiết hỗ trợ cho công tác điều hành của Chính phủ, giữa các bộ ngành, địa phương, cũng như phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

- Trên cơ sở ước tính các chỉ tiêu của nền kinh tế 6 tháng đầu năm, bà dự báo như thế nào về khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra?

Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh: Như chúng ta quan sát thường thì vào đầu năm ở các quý 1 và 2 tăng trưởng kinh tế thường thấp, nhưng đến quý 3-4 sẽ có sự tăng tốc trở lại.

Năm 2023 cũng sẽ không phải là ngoại lệ. Điều này vì ngay từ đầu năm chúng ta đã có những chính sách hỗ trợ và các chính sách này sẽ đi vào hiệu quả trong 6 tháng cuối năm.

Đặc biệt chúng ta ghi nhận sự điều hành tích cực của Chính phủ và các ngành các cấp cũng như sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp. Vì vậy, tôi cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng như đã đề ra từ đầu năm.

- Xin cảm ơn bà!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục