Đề xuất chuyển đổi, sáp nhập chức năng thu bảo hiểm xã hội vào cơ quan thuế theo đánh giá sẽ ảnh hưởng lớn đến việc sắp xếp bộ máy của hai cơ quan. Ngoài ra, dữ liệu và nhân sự phục vụ cho ngành thuế còn nhiều bất cập, cần có lộ trình và phương án cụ thể để làm tốt việc quản lý thuế và bảo hiểm.
Sáp nhập hay không?
Thực tế, sáp nhập chức năng thu bảo hiểm xã hội vào cơ quan thuế là một trong hai giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến các cơ quan trước đó. Việc này mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và đóng bảo hiểm xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh.
[Bộ Tài chính đề xuất để cơ quan thuế thu cả bảo hiểm xã hội]
Trong 2 giải pháp được nêu lên, giải pháp thứ 1 là giữ như hiện hành tức là quản lý thuế và thu bảo hiểm xã hội vẫn do hai cơ quan tiến hành. Tuy nhiên, với phương án trên, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, việc phối hợp giữa hai cơ quan thời gian qua đã có những kết quả nhất định tuy nhiên vẫn chưa đạt như mong muốn.
Nguyên nhân là do giữa thuế và bảo hiểm xã hội hiện nay còn có nhiều sự khác biệt như: thời gian khai, nộp căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân và căn cứ tính bảo hiểm xã hội,…
Phương án 2 gây ra nhiều tranh cãi hơn chính là cơ quan thuế thực hiện thu các khoản bảo hiểm mang tính chất bắt buộc đối với đơn vị sử dụng lao động. Tính tích cực của phương án trên theo lãnh đạo ngành tài chính là giảm số lượng tờ khai phai nộp cho cơ quan Nhà nước.
Phương án trên cũng được phía Bộ Tài chính cho là giúp giảm chi phí quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước. Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, việc thực hiện theo giải pháp này thì chỉ còn một đầu mối là cơ quan thuế thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra đơn vị sử dụng lao động trong thực hiện chính sách pháp luật thuế và bảo hiểm xã hội.
Về tiêu cực, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng thừa nhận, trong thời gian đầu chuyển đổi sáp nhập chức năng thu bảo hiểm xã hội vào cơ quan thuế thì ngành thuế cần phải nắm vững về nghiệp vụ thu bảo hiểm.
Tuy vậy, với hai phương án trên, lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị lựa chọn giải pháp thứ hai, tức là để cơ quan thuế thu cả bảo hiểm xã hội.
Dễ gây hiểu nhầm thuế… tranh thu
Góp ý cho 2 phương án trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị thực hiện theo phương án 1, tức là giữ nguyên quy định về thu thuế và thu bảo hiểm xã hội là 2 cơ quan độc lập. Các cơ quan này cũng đề nghị ngành tài chính bổ sung kinh nghiệm quốc tế với vấn đề trên.
Với các cơ quan khác là Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và truyền Thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phương Thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI), các đơn vị này cho rằng cần cân nhắc phương án 2 là hợp nhất hai cơ quan. Việc này có thể phát sinh khối lượng công việc nhất định cho cơ quan thuế.
Ngoài ra , đại diện các bộ, cơ quan trên cũng nêu quan điệm, dữ liệu và nhân sự phục vụ cho ngành thuế còn nhiều bất cập, cần có lộ trình và phương án cụ thể để làm tốt việc quản lý thuế và bảo hiểm.
Về phía Bộ Tư pháp, cơ quan này đánh giá, việc chuyển đổi, sáp nhập sẽ ảnh hưởng lớn đến việc sắp xếp bộ máy của hai cơ quan. Vì vậy, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính có đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng đối với chính sách trên để đảm bảo tính khả thi trong quá trình tổ chức thực hiện. Mặt khác, bộ này cũng cho rằng, cần làm rõ thu các khoản bảo hiểm xã hội mang tính chất bắt buộc có phải thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật quản lý thuế hay không?
Với các cục thuế, báo cáo cũng cho thấy, có tới 17 cục thuế đề nghị chọn giải pháp 1 là giữ nguyên 2 cơ quan độc lập như hiện tại. Lý do được nêu lên là thuế và Bảo hiểm xã hội là 2 khoản thu khác nhau về tính chất, chính sách thu và cơ quan quản lý thu.
Đại diện các cục nêu quan điểm, cơ quan thuế thực hiện chức năng quản lý thu thuế và các khoản thu khác ngân sách đã rất khó khăn, doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế nhiều. Chưa kể, đối với một số khoản thu cơ quan thuế còn phải ủy nhiệm thu cho các tổ chức khác. Do đó nếu chọn giải pháp cơ quan thuế thu bảo hiểm xã hội thì các cục thuế cho rằng, việc thực hiện thêm nhiệm vụ thu là rất khó khăn.
Đại diện các cục thuế cũng tỏ ra lo lắng vì việc sáp nhập có thể dẫn đến việc người dân sẽ hiểu nhầm là cơ quan thuế tranh thu quá nhiều khoản.
Tiếp thu những ý kiến các bộ, ngành, đơn vị, lãnh đạo Bộ Tài chính nêu quan điểm, nội dung trên sẽ được sửa đổi theo hướng: Cơ quan thuế chỉ phối hợp ở mức độ trao đổi, cung cấp thông tin và phối hợp thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra chuyên ngành việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và thuế đối với tổ chức trả thu nhập và cá nhân./.