Tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 6, chiều 23/9, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nghe các báo cáo việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Việc làm; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng; cho ý kiến vào dự thảo báo cáo hoạt động của Ủy ban giữa hai kỳ họp Quốc hội và dự kiến công tác năm 2014; lồng ghép bình đẳng giới trong một số dự án luật và tham gia ý kiến vào các dự án luật trình kỳ họp thứ 6.
Nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự án Luật Việc làm được chỉnh lý theo hướng cụ thể hóa chương II từ 6 điều thành 14 điều phân thành nhóm chính sách; trong đó tập trung vào 3 nhóm chính sách về tín dụng ưu đãi, tạo việc làm, chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn và chính sách việc làm công.
Đồng thời, dự án Luật cũng sửa đổi quy định về trung tâm dịch vụ việc làm cho phù hợp với Bộ luật Lao động; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với thực tiễn và quy định cụ thể về chính sách bảo hiểm thất nghiệp. So với quy định trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, dự án Luật sau khi chỉnh lý còn 7 chương, 63 điều; trong đó các nội dung liên quan chính sách thị trường lao động chủ động gồm 32 điều (chính sách hỗ trợ việc làm, thông tin thị trường lao động, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề; tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm), các quy định liên quan đến chính sách thị trường lao động thụ động gồm 19 điều (bảo hiểm thất nghiệp).
Đối với tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm, theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa, hiện có 3 loại hình: Do Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố thành lập có 64 trung tâm dịch vụ việc làm/63 tỉnh, thành phố (Hà Nội có hai trung tâm); hệ thống giới thiệu việc làm của các tổ chức chính trị, xã hội thành lập và trung tâm do các bộ thành lập. Với quan điểm xã hội hóa các trung tâm này, Bộ đề xuất từng bước loại bỏ sự tồn tại của loại hình trung tâm dịch vụ việc làm do các bộ thành lập.
Về vấn đề này, các thành viên Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng Chính phủ cần báo cáo, làm rõ quy hoạch, mô hình tổ chức hoạt động của các loại hình trung tâm này để Quốc hội có cơ sở quyết định, bảo đảm mục tiêu quản lý tập trung, thống nhất, nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm. Các trung tâm này là đơn vị sự nghiệp có thu, cần được phân cấp thành các loại như hoàn toàn tự chủ về tài chính, Nhà nước hỗ trợ một phần và Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn. Việc thành lập trung tâm dịch vụ việc làm cần được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội nhằm phù hợp với quy hoạch chung của Chính phủ, nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ việc làm...
Kịp thời khắc phục những vướng mắc trong công tác thi đua khen thưởng
Các thành viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhất trí với quan điểm sửa đổi, bổ sung một số điều cần thiết của Luật thi đua khen thưởng để kịp thời khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn, thể chế hóa một phần chủ trương của Đảng về đổi mới công tác thi đua khen thưởng, phù hợp với nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, làm cơ sở sửa đổi Luật toàn diện khi có đủ điều kiện.
Sau khi nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, dự án Luật sửa đổi 46 điều và bổ sung 1 điều. Việc sửa đổi chủ yếu ở các chương II, III và IV nhằm tập trung vào các mục tiêu nâng cao tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; quy định rõ về trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan, tổ chức trong công tác thi đua, khen thưởng; sửa đổi quy trình, thủ tục, hồ sơ xét, đề nghị, hiệp y, quyết định danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; bảo đảm tính công khai, dân chủ trong quá trình bình xét, tôn vinh cùng với trách nhiệm áp dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa quản lý công tác thi đua, khen thưởng của cơ quan quản lý Nhà nước nhằm khắc phục việc khen thưởng tràn lan, trùng lắp, hướng việc khen thưởng nhiều hơn vào người lao động trực tiếp...
Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội thống nhất với quan điểm của cơ quan soạn thảo, quy định thống nhất trong dự án Luật các hình thức khen thưởng của Nhà nước và các hình thức khen thưởng của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị theo hướng mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền được bình đẳng trong việc công nhận, tôn vinh công trạng, thành tích ở các hình thức, cấp độ khen thưởng khác nhau, nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của luật.
Ngoài quy định thẩm quyền ban hành các hình thức khen thưởng của Nhà nước, đối với các hình thức khen thưởng của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội... dự án Luật sửa đổi theo hướng do cơ quan Trung ương của các tổ chức này quy định, nhưng phải có sự đồng ý của cơ quan quản lý Nhà nước về thi đua, khen thưởng...
Cũng trong phiên họp buổi chiều, các thành viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo báo cáo hoạt động của Ủy ban giữa hai kỳ họp Quốc hội và dự kiến công tác năm 2014; lồng ghép bình đẳng giới trong một số dự án luật và tham gia ý kiến vào các dự án luật trình kỳ họp thứ 6./.
Phúc Hằng (TTXVN)