Tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, sáng 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày, về hành vi bạo lực gia đình (Điều 3), một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị khoản 1 quy định khái quát thành các nhóm hành vi bạo lực gia đình.
Có một số ý kiến góp ý về nội dung của một số điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình; có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi “gián tiếp” gây ra bạo lực gia đình.
Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy hầu hết các hành vi bạo lực gia đình đều được thể hiện dưới dạng cụ thể của bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục hoặc bạo lực kinh tế.
Tuy nhiên, hành vi bạo lực có thể đan xen lẫn nhau, do vậy, nếu quy định khái quát thành 4 nhóm hành vi bạo lực gia đình thì có thể trùng lắp.
Quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, giáo dục, thực thi pháp luật. Đây cũng là cách tiếp cận được các tổ chức quốc tế khuyến nghị và được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.
Do vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến tiếp tục quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình và rà soát, tiếp thu, chỉnh lý các điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình tại khoản 1 Điều này trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung biện pháp “thực hiện hoạt động vì lợi ích cộng đồng." Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung tính khả thi của biện pháp này. Có ý kiến đề nghị làm rõ đây là biện pháp “hành động vì lợi ích cộng đồng” hay “lao động công ích” vì cần lưu ý nếu quy định là “lao động công ích” là trái với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng quá trình xây dựng dự án Luật và thực tiễn giám sát cho thấy, các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi bạo lực gia đình hiệu quả chưa cao.
Với quan điểm cần có biện pháp phù hợp để xử lý các hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn có tính răn đe, giáo dục thì bổ sung một biện pháp mang tính xã hội phục vụ lợi ích cộng đồng, theo nhu cầu của cộng đồng là cần thiết.
Qua rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy “lao động phục vụ cộng đồng” được quy định là biện pháp giáo dục, cải tạo người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong trường hợp người chấp hành án không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành án (Điều 101 Luật Thi hành án hình sự) và “lao động trị liệu” là một giai đoạn trong quy trình cai nghiện ma túy (Điều 29 Luật Phòng, chống ma túy).
“Lao động phục vụ cộng đồng," “lao động trị liệu” không bị coi là “lao động cưỡng bức." Đồng thời, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế và rà soát tính tương thích với các điều ước quốc tế, thực hiện công việc phục vụ cộng đồng có thể coi là biện pháp mạnh mẽ có tính răn đe và giáo dục cao trong phòng, chống bạo lực gia đình, không trái với các công ước, điều ước quốc tế về lao động cưỡng bức.
Do vậy, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đề xuất bổ sung Điều 33 quy định về biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” tại dự thảo Luật.
Băn khoăn về thời gian thực hiện công việc phục vụ cộng đồng, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết dự thảo Luật quy định, phục vụ cộng đồng không quá 24 giờ và không quá 8 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại chưa làm rõ áp dụng bao nhiêu lần phục vụ cộng đồng hay có hạn chế số lần phục vụ cộng đồng hay không.
[Nâng cao nhận thức để chấm dứt thái độ im lặng trước bạo lực gia đình]
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần tiếp tục rà soát đảm bảo quy định của dự thảo Luật tương thích với các điều ước quốc tế.
Đơn cử như đối với phục vụ cộng đồng, nên có quy định loại trừ, bảo đảm phù hợp với Điều 36, Bộ luật Hình sự, đó là hình phạt cải tạo không giam giữ không áp dụng với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 6 tháng, người già, yếu, người mắc bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật.
Bên cạnh đó, biện pháp áp dụng của tòa án đối với hành vi cải tạo không giam giữ chỉ quy định không quá 4 giờ/ngày và không quá 5 ngày/tuần.
Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề dự thảo Luật quy định không quá 8 giờ/một ngày liệu đã phù hợp và bảo đảm tính khả thi hay chưa, để bảo đảm kế sinh nhai cho người bị áp dụng biện pháp phục vụ cộng đồng.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ, nhất là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, để luật khi ban hành bảo đảm tính khả thi.
Về biện pháp "thực hiện công việc phục vụ cộng đồng," Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng Ủy ban Xã hội cần lấy thêm ý kiến của đại biểu Quốc hội chuyên trách; phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá tác động của quy định này, rà soát bảo đảm tính thống nhất với các quy định của pháp luật, không vi phạm các điều ước quốc tế./.