Người làm nghề sản xuất bánh gai tại huyện Ninh Giang (Hải Dương) kỳ vọng việc thành lập Hiệp hội sản xuất bánh gai Ninh Giang, sau đó đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm này sẽ là một sự tiếp sức để đặc sản quê hương ngày càng vươn xa.
Thị trường từng bước mở rộng
Ở huyện Ninh Giang, khu vực thị trấn là nơi tập trung nhiều hộ sản xuất bánh gai nhất. Những cơ sở nổi tiếng được nhiều người biết đến với truyền thống làm bánh lâu đời như Minh Tân, Nhân Hưng, Tuyết Trung, Bà Tới.
Theo ông Bùi Sơn Giang - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thị trấn Ninh Giang, so với năm năm trước, số lao động làm nghề tại đây đã tăng 30%, lượng bánh làm ra tăng gấp đôi. Thị trấn Ninh Giang hiện có khoảng 25 cơ sở sản xuất với gần 150 lao động, làm ra khoảng 1,2 vạn chiếc bánh mỗi ngày. Trung bình mỗi cơ sở sản xuất từ 500-600 bánh/ngày, có hộ sản xuất 1.000 bánh/ngày.
Thị trường của bánh gai Ninh Giang ngày càng mở rộng. Bánh gai được làm và bán quanh năm nhưng thời điểm tiêu thụ tốt nhất là dịp lễ hội Đền Tranh (một di tích lịch sử cấp quốc gia tại Ninh Giang), và các ngày lễ, Tết Nguyên đán.
Ông Trần Đức Thế - chủ cơ sở sản xuất Minh Tân ở khu 3, Thị trấn Ninh Giang, cho biết gia đình ông thuê tám thợ, những ngày thường, mỗi ngày sản xuất khoảng 1.000 bánh. Riêng ngày hội Đền Tranh số lượng lên đến khoảng 5.000 bánh và vào dịp Tết Nguyên đán có thể lên đến 8.000 bánh/ngày.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở đã đặt đại lý ở một số tỉnh thành như Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội và cả các tỉnh phía Nam. Theo chân các du khách, bánh gai còn đến với người Việt ở nhiều nước trên thế giới.
Theo ông Nguyễn Thành Vạn - Trưởng phòng Văn hóa huyện Ninh Giang, nghề làm bánh gai ở địa phương ngày một phát triển. Nghề này đã có từ lâu đời và thị trấn Ninh Giang là nơi phát tích của nghề. Trước đây, nghề chỉ có ở khu vực thị trấn nhưng ngày nay, nhiều người gốc thị trấn đi nơi khác sinh sống đã mang nghề truyền thống đi theo; như ở xã Đồng Tâm có trên 10 hộ sản xuất. Toàn huyện Ninh Giang hiện có khoảng 50 cơ sở sản xuất bánh gai đang làm ăn hiệu quả.
Ý thức bảo vệ thương hiệu
Ông Bùi Sơn Giang cho biết, chính quyền địa phương cùng trung tâm y tế huyện, cơ quan quản lý thị trường định kỳ phối hợp kiểm tra và kịp thời nhắc nhở các cơ sở sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm. Qua kiểm tra, nhìn chung các hộ đều ý thức được việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình chế biến.
“Để có bánh ngon, chất lượng, chúng tôi chọn nguyên liệu rất kỹ. Gạo nếp phải là nếp cái hoa vàng, lá gai mua đúng mùa, phải là lá già, đỗ xanh phải là hạt đỗ mộc. Các nguyên liệu khác như lạc, vừng, đường, vani, thịt mỡ lợn đều được lấy từ những nơi có uy tín, bảo quản tốt," ông Trần Đức Thế khẳng định.
Công nghệ làm bánh gai hiện nay đã được cải tiến hơn trước. Hiện hầu hết các cơ sở đã đầu tư mua nồi hấp bằng điện khoảng 30-40 triệu đồng thay vì cách đốt bằng lò than như trước kia. Bên cạnh đó, người dân còn đầu tư máy làm bột (để xay bột nếp và bột lá gai) và máy đánh quả (để nhào trộn nguyên liệu). “Những cải tiến này vừa giúp chúng tôi giảm nhân công, tăng năng suất vừa đảm bảo môi trường," ông Thế vui mừng chia sẻ.
Xuất phát từ thực tiễn thị trường và yêu cầu của sự phát triển của nghề làm bánh gai, huyện Ninh Giang đang tích cực cùng các cơ quan chức năng có liên quan triển khai các thủ tục đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bánh gai. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Ninh Giang cho biết, trước mắt địa phương đã hoàn thiện hồ sơ thủ tục để xin phép thành lập Hiệp hội sản xuất bánh gai Ninh Giang; có thể trong quý 1/2015 sẽ được Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương phê duyệt cho phép thành lập Hiệp hội.
“Nếu đăng ký được nhãn hiệu tập thể cho bánh gai Ninh Giang đồng nghĩa với việc thương hiệu sản phẩm được Nhà nước bảo hộ, lúc đó người làm nghề thêm yên tâm phát triển sản xuất," ông Giang tin tưởng.
Bánh gai là một trong những sản phẩm vừa mang lại giá trị kinh tế vừa là sản phẩm có giá trị về văn hóa của vùng đất Hải Dương. Người làm nghề cũng hy vọng các cơ quan quản lý, cùng với việc tạo điều kiện bảo hộ thương hiệu sẽ quan tâm hơn đến công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học nghiên cứu phương pháp để giúp kéo dài thêm thời gian bảo quản mà vẫn giữ được chất lượng cho bánh. Có như vậy, thị trường của loại bánh đặc sản này sẽ ngày càng mở rộng, tạo ra nhiều công ăn việc làm, thu nhập để cải thiện đời sống một vùng thuần nông./.