Tiếp sau Anh, đến lượt các cột phát sóng mạng 5G ở Hà Lan bị đốt phá

Tờ nhật báo của Hà Lan De Telegraaf cho biết đã có 4 sự cố phá hoại trong tuần qua và những kẻ phá hoại đã để lại khẩu hiệu chống 5G được phun sơn tại hiện trường của một cuộc tấn công.
Tiếp sau Anh, đến lượt các cột phát sóng mạng 5G ở Hà Lan bị đốt phá ảnh 1 Một cột phát sóng di động bị đốt ở Hà Lan. (Nguồn: ANP)

Theo tờ De Telegraaf, một số cột phát sóng di động của Hà Lan đã bị hư hại do đốt phá hoặc phá hoại trong tuần qua bởi những kẻ cực đoan phản đối việc triển khai mạng viễn thông 5G mới.

Tờ nhật báo của Hà Lan cho biết đã có 4 sự cố như vậy trong tuần qua. Những kẻ phá hoại đã để lại khẩu hiệu chống 5G được phun sơn tại hiện trường của một cuộc tấn công.

Thời gian qua, xuất hiện các nhóm ở Hà Lan phản đối sự ra đời của 5G, chủ yếu là do lo ngại rằng sóng vô tuyến có thể gây tổn hại cho sức khỏe con người. Những người khác sợ công nghệ này có thể xâm phạm quyền riêng tư.

Trong một tuyên bố trên trang web của mình, Tổ chức An ninh và Chống khủng bố (NCTV) của Chính phủ Hà Lan cho biết họ đã ghi nhận các sự cố khác nhau, xung quanh các cột phát sóng trong tuần qua, bao gồm đốt phá và phá hoại, và sự phản đối của việc triển khai 5G có là nguyên nhân gây ra vụ việc.

[Vì sao thuyết âm mưu liên kết 5G với COVID-19 sẽ khó bị triệt tiêu?]

Sự gián đoạn hoạt động của các cột phát sóng mạng di động có thể gây ảnh hưởng đến vùng phủ sóng của mạng viễn thông và khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ khẩn cấp.

Các vụ phá hoại cột phát sóng mạng di động ở Hà Lan gợi nhắc tới các cuộc tấn công tương tự xảy ra gần đây ở Anh.

Các quan chức Anh tuần trước đã bác bỏ thuyết âm mưu liên quan đến cột phát sóng mạng 5G với sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và gọi đây là tin tức sai lệch nguy hiểm, hoàn toàn vô căn cứ.

Các nhà mạng viễn thông lớn ở Hà Lan đang trong giai đoạn thử nghiệm và chưa bắt đầu triển khai 5G trên toàn quốc trong khi chờ đấu thầu tần số kết thúc vào tháng 6./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục