Tiếp nhận hơn 3.500 ý kiến của cử tri, nhân dân cả nước trong 6 tháng

Lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi, quản lý mạng xã hội chưa chặt chẽ, bạo lực học đường liên tiếp xảy ra, gian lận điểm thi... là những vấn đề gây bức xúc được cử tri cả nước phản ánh tới Quốc hội.
Chùa Ba Vàng tọa lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, thuộc Phường Quang Trung (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh). (Ảnh: TTXVN)

Ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết việc chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) lợi dụng niềm tin của người dân để thực hiện “lễ thỉnh vong oan gia trái chủ” và việc một số nơi việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng (dâng sao giải hạn) để trục lợi là một trong những vấn đề gây bức xúc được cử tri cả nước phản ánh tới Kỳ họp thứ bảy - Quốc hội khóa XIV.

Ngoài ra, theo ông Trần Thanh Mẫn, việc niêm yết giá dịch vụ tại nhiều lễ hội chưa được kiểm soát, tổ chức lễ hội, việc cưới, việc tang ở một số nơi còn lãng phí trong thời gian qua cũng bức xúc trong dư luận.

[Toàn cảnh vụ 'thỉnh vong' chùa Ba Vàng gây xôn xao dư luận]

Từ đó, cử tri cả nước đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành chức năng và địa phương tăng cường quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức của người dân đối với các hoạt động này, thực hiện tốt nếp sống văn hoá, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, từ sau Kỳ họp thứ sáu (Quốc hội khóa XIV) đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.518 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước thông qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định, cử tri, nhân dân vui mừng, phấn khởi trước những kết quả toàn diện về kinh tế-xã hội năm 2018 và những tháng đầu năm 2019: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây; tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ người thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần; an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm...

Ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, cử tri và nhân dân cả nước bày tỏ lo lắng trước nhiều vấn đề trong xã hội. (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cả nước bày tỏ lo lắng trước nhiều vấn đề: an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện; xuất hiện một số hành vi thiếu chuẩn mực về đạo đức, lối sống trong xã hội; một số vụ án giết người nghiêm trọng gây hoang mang trong nhân dân; tình hình mua bán, vận chuyển ma túy rất phức tạp; xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy, nổ nghiêm trọng…

“Công tác quản lý mạng xã hội chưa chặt chẽ, xuất hiện ngày càng nhiều đối tượng phát tán các hình ảnh, bài viết phản cảm, bạo lực, bịa đặt, làm ảnh hưởng xấu tới lối sống thanh, thiếu niên và trật tự an toàn xã hội. Một trong những ví dụ điển hình là vụ ‘Khá Bảnh,’ vụ Phúc ‘XO’... phát tán nhiều clip và hình ảnh có tính chất giang hồ trên mạng xã hội với mục đích 'đánh bóng tên tuổi' nhằm 'trục lợi' ảnh hưởng xấu tới lối sống của thanh thiếu niên và trật tự an toàn xã hội,” ông Trần Thanh Mẫn cho biết.

[Vụ Khá Bảnh: ‘Giang hồ 4.0’ và nỗi lo con trẻ xem gì trên Internet?]

Xuất phát từ thực tế nêu trên, cử tri và nhân dân cả nước đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan tăng cường quản lý an ninh mạng, đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng để người dân sử dụng thông tin mạng theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.

Về lĩnh vực giáo dục, việc “chạy theo thành tích” vẫn tồn tại; các vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi... Đặc biệt, cử tri đặc biệt quan tâm tới vụ gian lận điểm thi ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La.

Theo kết quả chấm thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Hà Giang có 330 bài thi của 114 thí sinh có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố; tỉnh Sơn La có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và hai bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố; tỉnh Hòa Bình có 56 thí sinh với 140 bài thi trắc nghiệm có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây. Trong đó, thí sinh có tổng điểm các bài thi được nâng lên nhiều nhất là 26,45, bài thi được nâng lên nhiều nhất là 9,25 điểm.

“Cử tri đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, nhất là những cán bộ, công chức là lãnh đạo, quản lý để lấy lại niềm tin của nhân dân; đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát những hạn chế và khắc phục kịp thời những ‘lỗ hổng’ trong quy chế thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, chủ động ngăn chặn gian lận trong kỳ thi Phổ thông trung học quốc gia năm 2019 và những năm tiếp theo,” ông Trần Thanh Mẫn cho hay.

Ngoài ra, thời gian qua, tai nạn giao thông trên toàn quốc đã giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, cử tri, nhân dân vẫn hết sức lo lắng trước việc liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết nhiều người, tình trạng nhiều lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy dẫn đến mất kiểm soát hành vi, gây tai nạn nghiêm trọng. Một số vụ tai nạn nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản như: Vụ tai nạn tại hầm dẫn đèo Hải Vân giữa xe khách và xe container (ngày 18/2) làm 11 người bị thương; vụ tai nạn giữa xe máy và xe ôtô tại Gia Lai ngày (23/2) làm ba người chết; vụ tai nạn tại bến xe Đồng Tâm, Cà Mau ngày (24/2) làm một người chết và năm người bị thương…

Do đó, cử tri đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, các bộ, ngành có liên quan và địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đúng quy định khi tham gia giao thông; tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; chấn chỉnh việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; đề xuất sửa đổi, bổ sung những bất cập trong quy định xử lý vi phạm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức điều hành giao thông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục