Tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát chống bán phá sản phẩm sợi dài làm từ polyester

Các bên liên quan theo quy định tại Điều 59 của Nghị định số 10/2018/NĐ-CP có quyền nộp hồ sơ theo yêu cầu rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi dài làm từ polyester.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) ngày 4/9 cho biết các bên liên quan theo quy định tại Điều 59 của Nghị định số 10/2018/NĐ-CP cần nộp hồ sơ theo yêu cầu rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi dài làm từ polyester. Thời hạn Cục Phòng vệ thương mại tiếp nhận hồ sơ chậm nhất là ngày 1/11/2024.

“Hồ sơ phải được nộp trực tiếp tại Cục Phòng vệ thương mại trong thời hạn nêu trên theo địa chỉ của Cục tại tầng 8, số 23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội,” đại diện cơ quan này cho hay.

Trước đó, ngày 28/9/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2302⁄QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ Cộng hòa Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Tiếp đến, ngày 1/11/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2866/QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ Cộng hòa Ấn Độ, Cộng hòa Indonesia, Malaysia và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại, Điều 58 (1) Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định: “trong thời hạn 60 ngày trước khi kết thúc 01 năm kể từ ngày có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức hoặc quyết định mới nhất về kết quả rà soát biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, các bên liên quan theo quy định tại Điều 59 của Nghị định này có thể nộp Hồ sơ yêu cầu rà soát, trừ trường hợp thời hạn nộp hồ sơ ít hơn 09 tháng tính đến thời hạn Bộ trưởng Bộ Công Thương phải quyết định có tiến hành rà soát cuối kỳ biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay không"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục